Thứ 4, Ngày 06/11/2024

Quyết định 2709/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt Chiến lược phát triển nguồn nước và Quản lý tổng hợp lưu vực sông thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020

Số hiệu 2709/QĐ-UBND
Ngày ban hành 07/12/2007
Ngày có hiệu lực 07/12/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Ngọc Thiện
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2709/QĐ-UBND

Huế, ngày 07 tháng 12 năm 2007

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGUỒN NƯỚC VÀ QUẢN LÝ TỔNG HỢP CÁC LƯU VỰC SÔNG THUỘC TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998;

Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi số 32/2001/PL-UBTVQH10 ngày 04 tháng 4 năm 2001 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

Căn cứ Pháp lệnh Đê điều số 26/2000/PL-UBTVQH10 ngày 24 tháng 8 năm 2000 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

Căn cứ Nghị định số 179/1999/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 1999 của Chính phủ về việc quy định thi hành Luật Tài nguyên nước;

Căn cứ Quyết định số 81/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2989/2006/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc ban hành quy định phân công, phân cấp và uỷ quyền giải quyết một số vấn đề trong công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;

Căn cứ Quyết định số 2114/QĐ-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2005 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt đề cương dự án Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nước và Quản lý tổng hợp các lưu vực sông thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 1230/SKHĐT-NN ngày 21 tháng 11 năm 2007,

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển nguồn nước và Quản lý tổng hợp các lưu vực sông thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Tên chiến lược: Chiến lược phát triển nguồn nước và Quản lý tổng hợp các lưu vực sông thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020.

2. Phạm vi chiến lược:

Các lưu vực sông chính trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế gồm lưu vực sông Ô Lâu, lưu vực sông Hương (Tả Trạch, Hữu Trạch, sông Bồ, sông Nông, sông Truồi, sông Cầu Hai), lưu vực sông Bù Lu và lưu vực sông A Sáp. Các ngành có nhu cầu sử dụng nguồn nước và toàn bộ thành phần kinh tế xã hội có nhu cầu giảm thiểu thiệt hại do nguồn nước gây ra.

3. Quan điểm, mục tiêu của chiến lược:

3.1. Quan điểm:

- Chiến lược phát triển nguồn nước và quản lý tổng hợp các lưu vực sông phải được thực hiện đồng bộ, từng bước và có trọng tâm, trọng điểm. Việc thực hiện chiến lược vừa mang tính cấp bách vừa có tính lâu dài nhằm góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng tiến tới mục tiêu hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế của tỉnh từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo. Ưu tiên cho các công trình lợi dụng tổng hợp và các công trình hồ chứa nhằm điều hoà nguồn nước.

- Quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng tài nguyên nước phải đảm bảo tính hệ thống của lưu vực sông và tính hệ thống của các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, không chia cắt cho địa giới hành chính, đồng thời đảm bảo sự phát triển tự nhiên của hệ sinh thuỷ, các thuỷ vực và hệ sinh thái, đặc biệt là loài thuỷ sản quý hiếm trên sông và hệ đầm phá có giá trị khoa học, kinh tế, bảo tồn và phát triển tính đa dạng, độc đáo của hệ sinh thái thuỷ sinh ở Thừa Thiên Huế.

- Tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên nước, tài nguyên và môi trường diễn ra trên lưu vực sông, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.

- Phát triển kinh tế xã hội phải gắn với khả năng nguồn nước. Sử dụng nguồn nước phải mang tính tổng hợp, đa mục tiêu, kết hợp hài hoà lợi ích của từng ngành, từng địa phương và của cộng đồng trong mối quan hệ tổng thể giữa thượng lưu sông và hạ lưu sông, giữa các vùng, khu vực đảm bảo tính cân đối, có trọng điểm nhằm đạt hiệu quả kinh tế xã hội cao và bảo vệ môi trường.

- Xem việc đầu tư, bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước là đầu tư cho phát triển kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cả trước mắt và lâu dài. Nhà nước đảm bảo các nguồn lực đầu tư cần thiết, đồng thời có chính sách huy động sự đóng góp của doanh nghiệp, cộng đồng và mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường đầu tư cho công tác xây dựng và quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước và phòng chống tác hại do nước gây ra.

3.2. Mục tiêu:

a. Mục tiêu tổng quát:

Phát triển nguồn nước một cách hợp lý, có tính bền vững cao nhằm đáp ứng nhu cầu dùng nước cho dân sinh và các ngành kinh tế; giải quyết tốt vấn đề môi trường nước; phòng, chống và hạn chế đến mức thấp nhất tác hại do nước gây ra trên các lưu vực sông thuộc địa bàn tỉnh, nhất là trên lưu vực sông Hương nơi tập trung đông dân và cơ sở kinh tế của tỉnh.

Quản lý tổng hợp nguồn nước các lưu vực sông nhằm thực hiện sở hữu toàn dân về tài nguyên nước do nhà nước thống nhất quản lý, kiểm soát được nguồn nước về chất lượng cũng như số lượng sử dụng nguồn nước, có hiệu quả. Phân bổ, chia sẻ tài nguyên nước hài hoà giữa các ngành, các địa phương, ưu tiên sử dụng nước cho sinh hoạt. Sử dụng nước mang lại giá trị kinh tế cao, bảo đảm dòng chảy môi trường. Bảo đảm sự thống nhất giữa quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch rừng, các yêu cầu quốc phòng và an ninh với quy hoạch khai thác sử dụng tài nguyên nước.

Nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước. Hình thành đồng bộ và bảo đảm hiệu lực hệ thống quản lý nhà nước về tài nguyên nước ở cấp tỉnh, huyện.

b. Mục tiêu cụ thể:

[...]