Quyết định 81/2006/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 81/2006/QĐ-TTg
Ngày ban hành 14/04/2006
Ngày có hiệu lực 14/05/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 81/2006/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 04 năm 2006 

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998;
Căn cứ Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM VÀ NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO

A. Quan điểm

1. Tài nguyên nước là thành phần chủ yếu của môi trường sống, là yếu tố đặc biệt quan trọng bảo đảm thực hiện thành công các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.

2. Tài nguyên nước thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Mọi tổ chức, cá nhân có quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho nhu cầu đời sống và sản xuất, đồng thời có trách nhiệm bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra theo quy định của pháp luật.

3. Quản lý tài nguyên nước phải được thực hiện theo phương thức tổng hợp và thống nhất trên cơ sở lưu vực sông. Cơ cấu sử dụng nước phải phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

4. Tài nguyên nước phải được phát triển bền vững; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tổng hợp và đa mục tiêu. Phải coi sản phẩm nước là hàng hoá; sớm xóa bỏ cơ chế bao cấp, thực hiện xã hội hoá các hoạt động bảo vệ, phát triển nguồn nước và cung ứng dịch vụ nước.

5. Hợp tác, chia sẻ lợi ích, bảo đảm công bằng, hợp lý trong khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra ở các sông, lưu vực sông quốc tế trên nguyên tắc bảo đảm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia.

B. Nguyên tắc chỉ đạo

1. Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước phải được thực hiện đồng bộ, từng bước và có trọng điểm. Việc thực hiện Chiến lược vừa mang tính cấp bách vừa có tính lâu dài, góp phần quan trọng vào việc thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo.

2. Việc quản lý, bảo vệ, phát triển tài nguyên nước phải bảo đảm tính hệ thống của lưu vực sông, không chia cắt theo địa giới hành chính, đồng thời bảo đảm diễn thế tự nhiên của các hệ sinh thuỷ, các thuỷ vực và hệ sinh thái, đặc biệt là các loài thuỷ sản quý, hiếm, có giá trị khoa học, kinh tế; bảo tồn và phát triển tính đa dạng, độc đáo của hệ sinh thái thuỷ sinh Việt Nam.

3. Tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên nước; nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.

4. Phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với khả năng nguồn nước, với việc bảo vệ và phát triển tài nguyên nước. Khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải mang tính tổng hợp, đa mục tiêu, kết hợp hài hoà lợi ích của từng ngành, từng địa ph­­ương và cộng đồng trong mối quan hệ tổng thể giữa thượng lưu và hạ lưu, giữa các vùng, khu vực, bảo đảm tính cân đối, có trọng điểm nhằm đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao và bảo vệ môi trường.

5. Đầu tư cho bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước là đầu tư cho phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cả trước mắt và lâu dài. Nhà nước bảo đảm các nguồn lực đầu tư cần thiết, đồng thời có chính sách huy động sự đóng góp của doanh nghiệp, cộng đồng và mở rộng hợp tác quốc tế để tăng cường đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra.

II. MỤC TIÊU

A. Mục tiêu tổng quát

Bảo vệ, khai thác hiệu quả, phát triển bền vững tài nguyên nước quốc gia trên cơ sở quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; chủ động phòng, chống, hạn chế đến mức thấp nhất tác hại do nước gây ra; từng bước hình thành ngành kinh tế nước nhiều thành phần phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao hiệu quả hợp tác, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các nước có chung nguồn nước với Việt Nam.

B. Các mục tiêu cụ thể

1. Về bảo vệ tài nguyên nước

a) Khôi phục các sông, các hồ chứa nước, tầng chứa nước, vùng đất ngập nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng, ưu tiên đối với các sông trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, sông Cầu, sông Đồng Nai - Sài Gòn, sông Hương;

b) Bảo đảm dòng chảy tối thiểu duy trì hệ sinh thái thuỷ sinh theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trọng điểm là các sông có hồ chứa nước, đập dâng lớn, quan trọng;

c) Bảo vệ tính toàn vẹn và sử dụng có hiệu quả các vùng đất ngập n­ước và cửa sông cho các sông trọng điểm, các tầng chứa nước quan trọng;

d) Chấm dứt tình trạng thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

[...]