Quyết định 27/2004/QĐ-BGTVT ban hành Quy chế tuyển sinh học nghề cơ bản để đảm nhiệm chức danh thuỷ thủ, thợ máy, thuyền trưởng hạng ba, máy trưởng hạng ba trên phương tiện thuỷ nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 27/2004/QĐ-BGTVT
Ngày ban hành 01/12/2004
Ngày có hiệu lực 01/01/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Đào Đình Bình
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải,Giáo dục

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 27/2004/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 27/2004/QĐ-BGTVT NGÀY 01 THÁNG 12 NĂM 2004 BAN HÀNH QUY CHẾ TUYỂN SINH HỌC NGHỀ CƠ BẢN ĐỂ ĐẢM NHIỆM CHỨC DANH THỦY THỦ, THỢ MÁY, THUYỀN TRƯỞNG HẠNG BA, MÁY TRƯỞNG HẠNG BA TRÊN PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 02/2001/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Bộ luật Lao động và Luật Giáo dục về dạy nghề;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Cục trưởng Cục đường sông Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế tuyển sinh học nghề cơ bản để đảm nhiệm chức danh thủy thủ, thợ máy, thuyền trưởng hạng ba, máy trưởng hạng ba trên phương tiện thủy nội địa".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2005.

Điều 3. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam chịu trách nhiệm triển khai và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Điều 4. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính, Thủ trưởng các đơn vị và cá nhân có liên quan căn cứ phạm vi trách nhiệm thi hành Quyết định này.

`

 

Đào Đình Bình

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

TUYỂN SINH HỌC NGHỀ CƠ BẢN ĐỂ ĐẢM NHIỆM CHỨC DANH THỦY THỦ, THỢ MÁY, THUYỀN TRƯỞNG HẠNG BA, MÁY TRƯỞNG HẠNG BA TRÊN PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 27/2004/QĐ-BGTVT ngày 01 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về tuyển sinh học nghề cơ bản để đảm nhiệm chức danh thủy thủ, thợ máy, thuyền trưởng hạng ba, máy trưởng hạng ba trên phương tiện thủy nội địa.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý đào tạo thuộc ngành Giao thông vận tải và người đăng ký dự tuyển học nghề cơ bản để đảm nhiệm chức danh thủy thủ, thợ máy, thuyền trưởng hạng ba, máy trưởng hạng ba trên phương tiện thủy nội địa.

Điều 3. Kỳ tuyển sinh

Hàng năm các cơ sở đào tạo có chỉ tiêu tuyển sinh, tùy theo đặc điểm tổ chức đào tạo của từng cơ sở có thể tiến hành tuyển sinh 1 kỳ hoặc 2 kỳ để tuyển học sinh vào học nghề cơ bản để đảm nhiệm chức danh thủy thủ, thợ máy, thuyền trưởng hạng ba, máy trưởng hạng ba trên phương tiện thủy nội địa.

Thủ trưởng các cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc: thông báo tuyển sinh, ra đề thi, tổ chức kỳ thi, chấm thi và phúc khảo, xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển theo đúng các quy định của Quy chế này.

Điều 4. Hình thức tuyển sinh

Tùy thuộc điều kiện cụ thể, từng cơ sở đào tạo có thể tuyển sinh theo các hình thức sau đây:

1. Xét tuyển là hình thức tuyển sinh chủ yếu được áp dụng trong tuyển sinh học nghề cơ bản.

2. Thi tuyển là hình thức tuyển sinh áp dụng cho trường hợp số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển nhiều trên 2 lần số lượng cần tuyển trong mỗi kỳ tuyển sinh.

3. Tuyển thẳng là hình thức tuyển sinh chỉ áp dụng cho những đối tượng được quy định tại Điều 7 của Quy chế này.

[...]