Quyết định 2655/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2030

Số hiệu 2655/QĐ-UBND
Ngày ban hành 11/09/2023
Ngày có hiệu lực 11/09/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Bùi Văn Khắng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2655/QĐ-UBND

Quảng Ninh, ngày 11 tháng 9 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2023 - 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ (Luật số 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008);

Căn cứ Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh và việc cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

Căn cứ Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông;

Căn cứ Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 04/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải;

Căn cứ Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 1418/QĐ-UBND ngày 04/7/2014 của UBND tỉnh về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 12/3/2020 của UBND tỉnh “về đổi mới, tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý thu thuế đối với hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh;

Theo đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 4143/TTr-SGTVT ngày 15/8/2023 và ý kiến của các thành viên UBND tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2030 với nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC TIÊU:

- Phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt phù hợp, đảm bảo tính thống nhất với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch giao thông vận tải và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh;

- Nâng tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ xe buýt đến 2025 lên khoảng 3% và đến 2030 khoảng 6.5%;

- Nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt để đạt tiêu chuẩn của xe buýt tại các đô thị lớn trong cả nước (như TP Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,...) đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và khách du lịch;

- Điều chỉnh mạng lưới xe buýt toàn tỉnh, đảm bảo các tuyến chính phủ kín các trục giao thông chính, kết nối các bến xe, các tuyến phụ kết nối đồng bộ với tuyến chính thông qua các điểm trung chuyển;

- Xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào xe buýt chất lượng cao, sử dụng năng lượng xanh, hỗ trợ cho người dân sử dụng xe buýt theo Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg ngày 05/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ;

- Ưu tiên quỹ đất để xây dựng hạ tầng xe buýt (bãi đỗ xe, điểm đầu cuối, quay đầu, điểm trung chuyển).

II. NỘI DUNG ĐỀ ÁN:

1. Nguyên tắc phát triển:

- Phát triển mạng lưới tuyến xe buýt phải phù hợp phát triển của mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống đường và cầu.

- Duy trì các tuyến hiện trạng, gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ.

- Tiếp tục phát triển mạng lưới theo các tuyến trục trên các hướng có nhu cầu đi lại lớn làm trung tâm và phát triển các tuyến nhánh kết nối giữa tuyến trục với các khu vực khác.

- Phân cấp, phân loại tuyến rõ ràng (tuyến trục, tuyến gom, tuyến đi đến các điểm thu hút đặc thù như khu công nghiệp, khu du lịch, trường học...) làm cơ sở cho xây dựng mạng lưới. Xây dựng các hình thức chạy xe, sức chứa phương tiện phù hợp đặc điểm nhu cầu, điều kiện hạ tầng, nhằm đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng dịch vụ.

[...]