ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2645/QĐ-UBND
|
Hải Phòng, ngày
28 tháng 11 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN “CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÁT TRIỂN
NGÀNH DƯỢC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030” THÀNH PHỐ
HẢI PHÒNG
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân
dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Dược ngày 14/6/2005;
Căn cứ Quyết định số 68/QĐ-TTg
ngày 10/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển
ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ
trình số 94/TTr-SYT ngày 26/11/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực
hiện “Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020
và tầm nhìn đến năm 2030” thành phố Hải Phòng.
Điều 2. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các ngành,
đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này, định kỳ báo cáo kết
quả thực hiện về Ủy ban nhân dân thành phố
và Bộ Y tế theo quy định.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng các Sở, ngành, đơn
vị liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các quận, huyện căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Y tế;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND TP;
- CT, các PCT UBND TP;
- Như Điều 3;
- CPVP;
- Các CV UBND TP;
- Lưu VP.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Khắc Nam
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN “CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÁT TRIỂN NGÀNH DƯỢC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN
ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030” THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2645/QĐ-UBND
ngày 28/11/2014 của Ủy ban nhân dân thành
phố)
Thực hiện Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm
nhìn đến năm 2030, Ủy ban nhân dân thành
phố xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược trên địa bàn thành phố, với các nội
dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu
phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân với chất lượng đảm bảo, giá hợp lý, phù hợp
với cơ cấu bệnh tật, đáp ứng kịp thời yêu cầu đảm bảo an ninh, quốc phòng,
thiên tai, dịch bệnh và các nhu cầu khẩn cấp khác.
2. Phát triển công nghiệp dược, trong đó tập trung đầu tư phát triển sản xuất
thuốc theo tên generic đảm bảo chất lượng, giá hợp lý, góp phần từng bước thay
thế thuốc nhập khẩu; phát huy thế mạnh, tiềm năng của thành phố để phát triển sản
xuất thuốc từ dược liệu.
3. Phát triển ngành Dược thành phố
theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa; phát triển hệ thống phân phối, cung ứng
thuốc hiện đại, chuyên nghiệp và tiêu chuẩn hóa.
4. Sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu
quả; đẩy mạnh hoạt động dược lâm sàng và cảnh giác dược.
5. Quản lý
chặt chẽ, hiệu quả các khâu từ sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, bảo quản, lưu
thông, phân phối đến sử dụng thuốc.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Cung ứng đầy đủ, kịp thời, có chất lượng,
giá hợp lý các loại thuốc theo cơ cấu bệnh tật tương ứng với từng giai đoạn
phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm sử dụng thuốc an toàn, hợp lý. Chú trọng cung ứng thuốc cho đối tượng thuộc
diện chính sách xã hội, người nghèo, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
a) 100% thuốc được cung ứng kịp thời
cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh.
b) Phấn đấu tỷ lệ sử dụng thuốc sản
xuất tại Việt Nam/tổng số tiền mua thuốc tiêu thụ trong năm đạt chỉ tiêu:
- Bệnh viện tuyến thành phố, bệnh viện
hạng 2 trở lên đạt 50% (tăng bình quân 2% - 4%/năm).
- Bệnh viện tuyến huyện đạt 75% (tăng
bình quân 3% - 4%/năm).
- Trong đó, tỷ lệ sử dụng thuốc từ dược
liệu chiếm khoảng 10%.
c) 100% số ca tiêm chủng mở rộng được
sử dụng vắc xin sản xuất trong nước và tỷ lệ sử dụng vắc xin sản xuất trong nước
tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ đạt khoảng 40 - 45%.
d) 100% doanh nghiệp kinh doanh thuốc
thuộc hệ thống phân phối thuốc đạt tiêu chuẩn thực hành tốt, cơ sở kiểm nghiệm
thuốc đạt tiêu chuẩn thực hành tốt (GPs).
đ) 50% bệnh viện tuyến thành phố có bộ phận dược lâm sàng, 50% bệnh viện
tuyến huyện, bệnh viện tư nhân có hoạt động dược lâm sàng.
e) 100% trạm y tế tuyến xã có cán bộ
dược.
g) Bệnh viện có kho thuốc đủ điều kiện
bảo quản thuốc theo tiêu chuẩn thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP), có phần mềm
quản lý thuốc đến tận khoa lâm sàng.
h) Đạt tỷ lệ khoảng 2,5 dược sĩ/1 vạn
dân, trong đó dược sĩ lâm sàng chiếm khoảng 30%.
3. Mục tiêu định hướng đến năm
2030
a) Sản xuất thuốc của thành phố phấn
đấu đáp ứng khoảng 10% nhu cầu sử dụng; hệ thống kiểm nghiệm, phân phối thuốc,
công tác dược lâm sàng, thông tin thuốc chuyên nghiệp, hiện đại ngang tầm khu vực
và quốc tế.
b) Mở rộng diện tích nuôi trồng dược
liệu tại các khu vực có thế mạnh về dược liệu như các huyện: Thủy Nguyên, An
Lão, An Dương, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, Cát Hải.
c) Khuyến khích đầu tư xây dựng nhà
máy chế biến dược liệu thành nguyên liệu cho sản xuất thuốc đông y, thuốc từ dược
liệu.
III. CÁC NHIỆM VỤ,
GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Về cơ chế, chính sách
a) Khuyến khích sản xuất và sử dụng thuốc
trong nước, chuẩn hóa điều kiện kinh doanh thuốc, áp dụng các tiêu chuẩn thực
hành tốt (GPs), cung ứng, đấu thầu, quản lý chặt chẽ giá thuốc phù hợp với điều
kiện kinh tế - xã hội của thành phố, đảm bảo cho người dân có điều kiện tiếp cận,
lựa chọn, sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả với giá hợp lý.
b) Triển khai tiêu chuẩn thực hành tốt
kê đơn thuốc, thực hành tốt phân phối thuốc, thực hành tốt nhà thuốc và các
chính sách liên quan đến hoạt động cảnh giác dược, thông tin, quảng cáo thuốc.
c) Ban hành chính sách ưu đãi cho việc
nghiên cứu, sản xuất thuốc có nguồn gốc từ dược liệu. Khuyến khích các thành phần
kinh tế đầu tư nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống cây dược liệu, tham gia
phát triển nuôi trồng cây dược liệu. Hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng công nghệ
tiên tiến, hiện đại để sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao. Ưu tiên sử dụng
thuốc sản xuất tại Việt Nam từ nguồn ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế (tăng
danh mục và số lượng trong danh mục đấu thầu thuốc hàng năm).
5. Về quy hoạch
a) Ưu tiên phát triển công nghiệp bào
chế, hóa dược; tăng cường mở rộng quy mô, liên doanh, liên kết để nâng cao năng
lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của sản phẩm dược Hải Phòng.
b) Quy hoạch hệ thống phân phối thuốc
theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả.
c) Triển khai và nâng cấp Trung tâm
Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm thành phố và Phòng Kiểm nghiệm của Công ty Cổ
phần Dược phẩm Hải Phòng đạt tiêu chuẩn thực hành tốt kiểm nghiệm thuốc (GLP) để
kiểm tra chất lượng thuốc và sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người
lưu hành trên thị trường.
d) Quy hoạch phát triển dược liệu
theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô phù hợp; phát triển vùng nuôi trồng cây
dược liệu phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa bàn thành phố.
e) Công nghiệp sản xuất hóa dược: Chú
trọng phát triển công nghiệp sản xuất các chất kháng sinh. Giai đoạn tiếp sau từ
nguồn hoạt chất thiên nhiên, tiến hành tổng hợp, chuyển hóa thành các loại hóa
dược có tác dụng cao hơn, mới hơn, có hiệu quả kinh tế cao hơn, có thể xuất khẩu.
Tăng cường các cơ sở sản xuất hóa chất trung gian cho công nghiệp được.
g) Nghiên cứu mô hình hệ thống tổ chức ngành Dược theo hướng quản lý tập
trung, toàn diện dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm và sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp
đến sức khỏe con người.
3. Về thanh tra, kiểm tra và hoàn
thiện tổ chức
a) Quản lý toàn diện chất lượng thuốc,
tăng cường các giải pháp để bảo đảm thuốc lưu hành trên thị trường thành
phố có chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn đã đăng ký.
b) Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám
sát chất lượng thuốc; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, xuất khẩu,
nhập khẩu, lưu thông, phân phối, cung ứng thuốc giả, thuốc kém chất lượng trên
thị trường.
4. Về đầu tư
a) Đẩy mạnh huy động các tổ chức, cá
nhân trong và ngoài nước đầu tư để phát triển ngành Dược trên địa bàn thành
phố. Tăng cường sản xuất thuốc của Công ty Cổ phần Dược phẩm Hải Phòng,
sản xuất thuốc nhượng quyền, chuyển giao công nghệ.
b) Chú trọng đầu tư vào các dự án
trong lĩnh vực dược theo Phụ lục kèm theo Kế hoạch này.
5. Về khoa học công nghệ, nhân lực
và đào tạo
a) Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ bào chế thuốc tiên tiến,
hiện đại. Khuyến khích công tác nghiên cứu, triển khai các dự án, đề tài khoa học
và công nghệ về phát triển công nghiệp dược.
b) Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực
đáp ứng yêu cầu của ngành Dược. Chú trọng thu hút, đào tạo đội ngũ dược sỹ lâm
sàng. Có chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ dược công tác ở những vùng
có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Xây dựng kế hoạch, chương
trình dạy nghề về trồng dược liệu phù hợp với quy hoạch phát triển dược liệu của
thành phố.
6. Về hợp tác và hội nhập quốc tế
a) Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc
tế về dược.
b) Tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm,
năng lực quản lý của các nước và các tổ chức
quốc tế để phát triển ngành Dược.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Y tế
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban,
ngành liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo tổ chức triển
khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược trên địa bàn thành phố; tham mưu xây dựng,
ban hành các cơ chế, chính sách theo thẩm quyền của Ủy ban nhân dân thành phố để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của
Kế hoạch thực hiện Chiến lược.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ
xây dựng kế hoạch đào tạo, tuyển dụng nhân lực dược nhằm khắc phục tình trạng thiếu
cán bộ dược, nhất là ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
c) Tổ chức triển khai có hiệu quả cuộc
vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”.
d) Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc
thực hiện; làm đầu mối tổng hợp, báo cáo Ủy ban
nhân dân thành phố về việc thực hiện Chiến lược.
2. Sở Tài chính
Hàng năm căn cứ vào khả năng cân đối
của ngân sách, phối hợp với Sở Y tế và
các Sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất Ủy ban
nhân dân thành phố bố trí nguồn vốn thường xuyên từ ngân sách thành phố cho các
cơ quan, đơn vị thực hiện Kế hoạch theo
quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
3. Sở Công Thương
a) Phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện trong việc xây
dựng cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để sản
xuất các sản phẩm dược phẩm có chất lượng cao.
b) Hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao
năng lực cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường thông qua các chương trình
khuyến công, xúc tiến thương mại của thành phố phối hợp với các ngành tìm kiếm
nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện các dự án đầu tư phát triển công nghiệp dược.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
a) Phối hợp với Sở Y tế triển khai
quy hoạch các vùng nuôi, trồng dược liệu; nghiên cứu chọn tạo các loại cây dược
liệu phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng; phổ biến các kỹ thuật
canh tác cây dược liệu.
b) Đẩy mạnh và phát triển nhanh việc
thực hiện GACP-WHO trong trồng trọt, thu hái dược liệu và chuyển đổi nền sản xuất
dược liệu từ manh mún, tự phát sang tập trung, có quản lý theo cơ chế sản xuất
hàng hóa dược liệu.
5. Sở Nội vụ
Phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch
đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực dược nhằm khắc phục tình trạng thiếu cán bộ
dược, nhất là ở những vùng khó khăn, nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
6. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Bố trí và cân đối các nguồn lực đầu
tư cho ngành Dược, vận động các nguồn vốn ODA ưu tiên phát triển ngành Dược.
b) Nghiên cứu các văn bản quy phạm
pháp luật trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, các chính sách liên quan đến ưu đãi
đầu tư để tham mưu cho Ủy ban nhân dân
thành phố tạo điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp dược.
7. Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn các cơ
quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên
dùng thuốc Việt Nam” và các nội dung tuyên truyền khác liên quan đến Kế hoạch này.
8. Ủy ban nhân dân các quận, huyện
a) Phối hợp với các Sở, ban, ngành
liên quan trong việc quy hoạch phát triển ngành dược và quy hoạch các vùng
nuôi, trồng dược liệu trên địa bàn. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển
nuôi, trồng dược liệu thế mạnh của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa.
b) Đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động
“Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”.
Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện căn cứ chức
năng, nhiệm vụ được giao, định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch
này về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành
phố./.
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN TẬP TRUNG ƯU ĐÃI ĐẦU
TƯ
Số TT
|
Tên dự án
|
Nội dung
|
Thời điểm đầu
tư
|
1
|
Dự án mở rộng Công ty Cổ phần Dược phẩm Hải Phòng
|
Đầu tư chiều sâu, mở rộng và nâng chất lượng sản phẩm
của Công ty, vốn đầu tư 100 tỷ đồng
|
2014 - 2020
|
2
|
Dự án Nhà máy mới Nipro Pharma Việt Nam
|
Sản xuất thuốc chất lượng cao với giá thành rẻ để
xuất khẩu trên toàn thế giới: Túi dịch truyền 20 triệu túi/năm; ống thuốc
tiêm 40 triệu ống/năm; thuốc uống 2 tỷ viên/năm; cao dán miếng 1 tỷ miếng/năm. Địa điểm thực hiện dự án: Khu đô thị,
công nghiệp và dịch vụ VSIP (huyện Thủy Nguyên), vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng.
|
2014 - 2030
|
3
|
Dự án bào chế dược phẩm tiêu chuẩn GMP
|
Sản xuất 1,6 tỷ viên thuốc, 54 triệu ống, 3 triệu
tuýp. Dự kiến địa điểm đầu tư: KCN Tràng Duệ (huyện An Dương). Vốn đầu tư 500
tỷ đồng
|
2014 - 2025
|
4
|
Dự án sản xuất sản phẩm hóa dược
|
Công suất 1.000 tấn/năm. Dự kiến địa điểm đầu tư:
KCN Tràng Duệ (huyện An Dương), KCN Tân Liên (huyện Vĩnh Bảo). Vốn đầu tư khoảng
400 tỷ đồng.
|
2014 - 2025
|
5
|
Dự án sản xuất thuốc từ thảo dược và nguyên liệu
cho ngành dược phẩm.
|
Dự kiến địa điểm đầu tư: KCN An Dương. Vốn đầu tư
khoảng 250 tỷ đồng
|
2014 - 2025
|
6
|
Dự án nâng cấp Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm -
Mỹ Phẩm Hải Phòng
|
Xây dựng cơ sở kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn GLP,
phát triển thành trung tâm kiểm nghiệm khu vực theo mô hình quản lý thuốc - mỹ
phẩm và thực phẩm (FDA). Vốn đầu tư 60 tỷ đồng
|
2014 - 2020
|
7
|
Dự án lập quy hoạch các vùng trồng cây dược liệu
của Hải Phòng đến năm 2020
|
Lập quy hoạch các vùng trồng cây dược liệu của
thành phố Hải Phòng đến năm 2020
|
2014 - 2020
|
8
|
Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng chuyên canh trồng
cây dược liệu
|
Đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng chuyên canh trồng
cây dược liệu
|
2015
|