Quyết định 82/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 82/QĐ-UBND
Ngày ban hành 10/02/2015
Ngày có hiệu lực 10/02/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Lê Thị Kim Đơn
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 82/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 10 tháng 02 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÁT TRIỂN NGÀNH DƯỢC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Dược số 34/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 79/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược;

Căn cứ Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Công văn số 4813/BYT-QLD ngày 22/7/2014 của Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030:

Căn cứ Quyết định số 2614/QĐ-BYT ngày 16/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ”:

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 123/TTr-SYT ngày 16/01/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum (gọi tắt là Kế hoạch), với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm

1.1. Cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh với chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý; phù hợp với cơ cấu bệnh tật, đáp ứng kịp thời yêu cầu về an ninh, quốc phòng, thiên tai, dịch bệnh và các nhu cầu khẩn cấp khác.

1.2. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thuốc theo tên generic, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu với tiêu chuẩn đạt GMP trên địa bàn tỉnh, thuốc sản xuất đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý; phát huy thế mạnh, tiềm năng nguồn dược liệu có sẵn để sản xuất thuốc đông y, thuốc từ dược liệu.

1.3. Phát triển ngành Dược của tỉnh theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa; tiếp tục mở rộng, phát triển hệ thống phân phối, cung ứng thuốc hiện đại, chuyên nghiệp và tiêu chuẩn hóa.

1.4. Sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả; đẩy mạnh hoạt động dược lâm sàng, cảnh giác dược. Quản lý chặt chẽ các khâu từ sản xuất, bảo quản, lưu thông phân phối và sử dụng thuốc.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu chung

Bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý các loại thuốc theo cơ cấu bệnh tật tương ứng với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sử dụng thuốc hợp lý, an toàn. Chú trọng cung ứng thuốc cho đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, vùng sâu, vùng xa. Thực hiện công bằng xã hội trong cung ứng thuốc.

2.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

a) Phấn đấu 100 % thuốc được cung ứng kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, khám chữa bệnh, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và các nhu cầu khẩn cấp khác.

b) Kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chiết xuất, chế biến dược liệu, sản xuất thuốc generic, thuốc đông y và thuốc từ dược liệu.

c) Xây dựng quy hoạch tổng thể vùng trồng dược liệu tỉnh Kon Tum, diện tích từ 100 ha đến 200 ha với 30 loài cây có hiệu quả chữa bệnh và giá trị kinh tế cao tại địa bàn các huyện: Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plong, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum.

d) Tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước/tổng số tiền thuốc sử dụng tại các cơ sở phòng bệnh, khám chữa bệnh công lập, phấn đấu đến năm 2020 đạt được các chỉ số sau:

- Đối với Bệnh viện tuyến tỉnh sử dụng thuốc sản xuất trong nước đạt 60% (tăng bình quân 2% - 2,5%/năm).

- Đối với bệnh viện tuyến huyện sử dụng thuốc sản xuất trong nước đạt 75% (tăng bình quân 3%/năm).

- Trạm Y tế tuyến xã, Phòng khám Đa khoa khu vực sử dụng thuốc sản xuất trong nước đạt 80% trở lên (tăng bình quân 1,5-2%/năm).

[...]