Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 2596/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt Kế hoạch hành động bảo đảm Vệ sinh an toàn thực phẩm của Thành phố giai đoạn 2006 - 2010 do Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành.

Số hiệu 2596/QĐ-UBND
Ngày ban hành 14/06/2007
Ngày có hiệu lực 14/06/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Thành Tài
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2596/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 06 năm 2007 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG BẢO ĐẢM VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM CỦA THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày 30 tháng 6 năm 1989;
Căn cứ Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm ngày 26 tháng 7 năm 2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Chỉ thị số 08/1999/CT-TTg ngày 15 tháng 4 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm;
Căn cứ Quyết định số 43/2006/QĐ-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động bảo đảm Vệ sinh an toàn thực phẩm đến năm 2010;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 3179/SYT-NVY ngày 06 tháng 6 năm 2006 và sau khi lấy ý kiến của các sở - ngành có liên quan,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch hành động bảo đảm Vệ sinh an toàn thực phẩm của Thành phố giai đoạn 2006 - 2010, kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở - ngành thành phố có liên quan và Ủy ban nhân dân các quận - huyện xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm để triển khai thực hiện Kế hoạch hành động bảo đảm Vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố; đồng thời hướng dẫn kiểm tra, giám sát và tổng hợp tình hình báo cáo Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cân đối bố trí kinh phí, ghi thành khoản, mục riêng trong kinh phí sự nghiệp hàng năm của Sở Y tế để triển khai thực hiện Kế hoạch hành động bảo đảm Vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố giai đoạn 2006 - 2010.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 5.Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính,
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giám đốc Sở Thương mại, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng các sở - ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC


 
 
Nguyễn Thành Tài

KẾ HOẠCH

 HÀNH ĐỘNG ĐẢM BẢO VỆ SINH  AN TOÀN THỰC PHẨM NĂM 2006 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2596/QĐ-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố)

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân, phát triển kinh tế xã hội và đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Nâng cao nhận thức, thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm và ý thức tự trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Năm 2010, 100% người quản lý; 90% người sản xuất, kinh doanh; 100% người tiêu dùng hiểu biết và thực hành đúng về vệ sinh an toàn thực phẩm.

b) Tăng cường nhân lực, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, thanh tra, kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố. Đến năm 2010, sẽ có chuyên viên phụ trách về vệ sinh an toàn thực phẩm tại Ủy ban nhân dân quận - huyện; Khoa Vệ sinh an toàn thực phẩm tại Trung tâm Y tế Dự phòng quận - huyện; Cán bộ chuyên trách vệ sinh an toàn thực phẩm tại phường, xã; Thành lập lực lượng Thanh tra chuyên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố đủ khả năng thực hiện thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm thường xuyên trên địa bàn thành phố; Xây dựng Trung tâm Xét nghiệm y khoa thành phố, Trung tâm Kiểm chuẩn xét nghiệm thành phố.

c) Thiết lập hệ thống kiểm soát ô nhiễm thực phẩm đồng bộ từ sản xuất đến lưu thông phân phối trên cơ sở hoàn thiện và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn về rau, thịt và sản phẩm gia cầm; xây dựng các chuỗi thực phẩm về thủy hải sản, nước chấm, trái cây…

d) Cải tạo và hoàn thiện hệ thống kinh doanh thực phẩm tại các siêu thị, chợ. Phấn đấu đến năm 2010, 100% siêu thị, 80% chợ kinh doanh thực phẩm đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

e) Quản lý việc kinh doanh, sử dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm. Phấn đấu đến năm 2010, 100% hóa chất phụ gia thực phẩm được bày bán trong những cửa hàng riêng biệt hoặc cửa hàng thực phẩm.

g) Đến năm 2010, hạ thấp 50% số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể > 30 người so với năm 2005.

II. CÁC HOẠT ĐỘNG ĐẢM BẢO VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

1. Tăng cường công tác Thông tin - Giáo dục - Truyền thông

Bên cạnh việc tiếp tục tăng cường các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông nâng cao kiến thức người dân về thực hành vệ sinh, an toàn thực phẩm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động truyền thông tại cộng đồng, trong 5 năm tới sẽ tập trung thực hiện việc cung cấp thông tin hướng dẫn người tiêu dùng chọn lựa thực phẩm nhằm phát triển thị trường thực phẩm an toàn, thông qua các hoạt động sau:

a) Thực hiện chuyên mục trên Trang Web của Sở Y tế (Medinet) thường xuyên cập nhật đầy đủ danh sách các cơ sở thực phẩm đạt tiêu chuẩn VSAT. Đối với những cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tự nguyện tham gia chuỗi thực phẩm an toàn và được công nhận của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố sẽ được giới thiệu chi tiết về công nghệ của cơ sở và cho phép kết nối với Trang Web của cơ sở (nếu có). Đối với các cơ sở có kết luận của Thanh tra chuyên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm của Sở Y tế hoặc của Thanh tra liên ngành là không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và không có ý thức cải thiện, Trang Web sẽ cung cấp danh sách các cơ sở này kể cả nhãn hiệu sản phẩm và khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng sản phẩm của cơ sở. Danh sách các cơ sở không đạt tiêu chuẩn cũng bao gồm các cơ sở tham gia chuỗi thực phẩm an toàn nhưng không thực hiện đúng các quy định của chuỗi.

[...]