Chỉ thị 08/1999/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 08/1999/CT-TTg
Ngày ban hành 15/04/1999
Ngày có hiệu lực 30/04/1999
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08/1999/CT-TTg

Hà Nội, ngày 15 tháng 4 năm 1999

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG, VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

Việc bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm có tác dụng trực tiếp, thường xuyên đối với sức khoẻ mỗi người dân, ảnh hưởng lâu dài đến nòi giống của dân tộc. Sử dụng thực phẩm không bảo đảm chất lượng và vệ sinh, thực phẩm có dư lượng hoá chất bảo vệ thực phẩm vượt quá mức tiêu chuẩn cho phép, trước mắt có thể gây ngộ độc và các bệnh tiêu hoá cấp tính cho người sử dụng, nghiêm trọng hơn thì dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng, về lâu dài sẽ tích luỹ dần các độc tố trong cơ thể để sau mới phát ra các bệnh nguy hiểm hay gây dị tật, dị dạng cho các thế hệ tiếp theo.

Trong những năm qua, các Bộ, ngành và địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả, chưa làm tốt chức năng quản lý nhà nước về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm, kinh doanh, dich vụ ăn uống. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những thiệt hại không chỉ về tính mạng, sức khoẻ và kinh tế của từng người hoặc từng gia đình, mà còn ảnh hưởng đến sức lao động của toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín hàng hoá và dịch vụ, làm giảm khả năng tiêu thụ thực phẩm chế biến từ nguồn nguyên liệu trong nước.

Bảo vệ nòi giống và sức khoẻ lâu dài của nhân dân trong cộng đồng các dân tộc là sự nghiệp chung và là trách nhiệm của toàn dân, đặc biệt là của các cấp chính quyền. Để khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

I. TỪ NĂM 1999 HÀNG NĂM TỔ CHỨC "THÁNG HÀNH ĐỘNG VỀ CHẤT LƯỢNG, VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM" ĐỂ HUY ĐỘNG TOÀN THỂ NHÂN DÂN, CÁC CẤP CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG, CÁC BỘ, CÁC CƠ QUAN THAM GIA VÀO VIỆC TÍCH CỰC PHÒNG, CHỐNG NGỘ ĐỘC THỨC ĂN, BỆNH DỊCH DO ĂN UỐNG VÀ LẬP LẠI TRẬT TỰ KỶ CƯƠNG TRONG LĨNH VỰC SẢN XUẤT THỰC PHẨM, KINH DOANH DỊCH VỤ ĂN UỐNG. THỜI ĐIỂM TỔ CHỨC "THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ CHẤT LƯỢNG, VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM" DO BỘ Y TẾ ĐỀ XUẤT SAU KHI CĂN CỨ CÁC YẾU TỐ DỰ BÁO DỊCH TỄ HOẶC LIÊN QUAN ĐẾN SỰ PHÁT SINH, PHÁT TRIỂN CÁC DỊCH BỆNH VÀ NGỘ ĐỘC THỨC ĂN.

II. CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG CÓ TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN THƯỜNG XUYÊN CÁC VIỆC SAU:

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tới từng cơ sở và cá nhân sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Huy động các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức tuyên truyền thích hợp để giáo dục, hướng dẫn nhân dân về vệ sinh ăn uống, vệ sinh chế biến thực phẩm, cách phòng ngộ độc thức ăn và dịch bệnh do ăn uống gây ra.

2. Chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp liên ngành thanh tra, kiểm tra điều kiện bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất thực phẩm, kinh doanh, dịch vụ ăn uống; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

3. Xã hội hoá các hoạt động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Bằng nhiều hình thức huy động lực lượng của các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế - xã hội, đoàn thể quần chúng tham gia hoạt động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương, đồng thời tạo các điều kiện để người tiêu dùng phát huy tinh thần tự bảo vệ mình, tham gia với các cơ quan y tế trong phát hiện và đấu tranh kịp thời các vi phạm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm, kinh doanh, dịch vụ ăn uống.

III. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, NGÀNH:

1. Bộ Y tế có trách nhiệm:

a) Là đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện và duy trì các kết quả hoạt động của "Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm". Hướng dẫn xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức kiểm tra và tuyên truyền, giáo dục về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Chủ trì tổng kết, đánh giá và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

b) Chỉ đạo Cục Quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm phối hợp với các cơ quan quản lý chất lượng của các Bộ, ngành có liên quan triển khai việc kiểm tra và thanh tra chuyên ngành về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

c) Chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch hành động hàng năm và 5 năm về bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Kế hoạch và kinh phí hàng năm của hoạt động này được bổ sung vào nhiệm vụ thường xuyên hàng năm của Bộ Y tế. Trước mắt cần tập trung làm ngay các việc:

+ Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan thông tin đại chúng để tổ chức việc giáo dục và tuyên truyền vệ sinh thực phẩm trong các trường học, trên các phương tiện truyền hình, đài phát thanh, sách báo.

+ Phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

+ Phối hợp với Ban Tổ chức - Cán Bộ Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương hoàn thành đề án tổ chức quản lý nhà nước về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tại Bộ Y tế, tại các Bộ, ngành có liên quan và ở địa phương trình Thủ tướng Chính phủ.

2. Bộ Văn hoá - Thông tin chỉ đạo các cơ quan truyền thông có trách nhiệm dành thời lượng thông tin thích đáng trên các phương tiện thông tin đại chúng cho việc phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức liên quan đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

3. Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an các cấp thường xuyên phối hợp với ngành y tế và các ngành chức năng khác trong việc kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các chủ cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống vi phạm Nghị định số 36/CP ngày 29/5/1995 về "đảm bảo trật tự an toàn giao thông đô thị" trong việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán, kinh doanh thực phẩm; phối hợp với Bộ, ngành có liên quan điều tra xử lý các vụ làm thực phẩm giả gây hậu quả nghiêm trọng.

4. Bộ Thương mại chỉ đạo các cơ quan quản lý thị trường chủ động và phối hợp với ngành y tế kiểm tra, xử lý việc bán, lưu thông các thực phẩm giả, không bảo đảm về vệ sinh an toàn thực phẩm, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về bao bì, nhãn hiệu thực phẩm.

5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản kết hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và môi trường tổ chức phổ biến sâu rộng yêu cầu và các quy trình sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật, thuốc chuyên ngành, phân bón hoá học tới người sử dụng để bảo đảm an toàn sức khoẻ cho người tiêu dùng.

6. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì cùng các Bộ liên quan khẩn trương xây dựng và ban hành các quy định, quy trình kiểm soát ô nhiễm môi trường ở những vùng sản xuất thực phẩm, nông sản, thuỷ sản; xác định các vùng sản xuất thực phẩm, lương thực không an toàn vì vấn đề môi trường bị ô nhiễm quá giới hạn cho phép và có hướng khắc phục đối với những vùng này.

7. Các Bộ có hệ thống y tế ngành phải chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế địa phương trong việc kiểm tra, giám sát các cơ sở ăn uống trong các đơn vị trực thuộc Bộ, đồng thời hưởng ứng và tham gia triển khai "Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm".

8. Các Bộ chủ quản của các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chỉ đạo các cơ sở này thực hiện nghiêm túc các quy định về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

9. Bộ Tài chính có trách nhiệm với: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế bảo đảm kinh phí cho hoạt động bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm ở Trung ương và các địa phương, đặc biệt kinh phí hỗ trợ cho việc nâng cấp trang thiết bị kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm ở Trung ương và địa phương.

- Phối hợp với Bộ Y tế xây dựng, ban hành quy định về việc thu phí và lệ phí trong các hoạt động cấp đăng ký, chứng nhận, giám định kỹ thuật về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

10. Căn cứ vào Chỉ thị này và kế hoạch về bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế, các Bộ, ngành, địa phương các cấp xây dựng kế hoach và kinh phí cho công tác bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của đơn vị mình theo quy định hiện hành của Nhà nước.

[...]