Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Chỉ thị 16/2007/CT-UBND về việc triển khai biện pháp cấp bách bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành.

Số hiệu 16/2007/CT-UBND
Ngày ban hành 29/06/2007
Ngày có hiệu lực 29/06/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Thành Tài
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16/2007/CT-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 06 năm 2007 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH BẢO ĐẢM VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 

Trong thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Y tế, của Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, và sự tham gia tích cực của toàn xã hội, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở thành phố Hồ Chí Minh đã có những chuyển biến rõ nét; sự phối hợp liên ngành được tăng cường có hiệu quả, công tác giáo dục truyền thông được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và người tiêu dùng trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe của nhân dân thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố vẫn còn nhiều bức xúc:

- Những sơ hở yếu kém trong việc kiểm soát và chặn nguồn rau quả bị ô nhiễm các hóa chất độc hại, nhất là nguồn rau quả từ các tỉnh nhập vào thành phố, nguồn rau quả trồng trên vùng đất bị ô nhiễm chất thải công nghiệp; các nguồn gia súc, gia cầm, thủy hải sản lưu thông trên thị trường thành phố chưa được kiểm soát hoàn toàn.

- Việc sử dụng, kinh doanh các hóa chất, phụ gia không đúng quy định trong chế biến, bảo quản thực phẩm vẫn còn phố biến, nhất là với các cơ sở sản xuất thực phẩm quy mô nhỏ; Tình trạng hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, hàng thực phẩm nhập lậu qua biên giới chưa được kiểm soát chặt chẽ;

- Việc quản lý kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống tại các chợ, đường phố, khu du lịch, trường học, bệnh viện còn nhiều yếu kém, lỏng lẽo; tình trạng ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, các khu công nghiệp vẫn xảy ra không chỉ làm ảnh hưởng tới sức khỏe của nhân dân mà còn tác động xấu tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

- Các quy định điều chỉnh của pháp luật chưa được đủ sức răn đe.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố và các quận - huyện, người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng chưa cao; các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và chế biến thực phẩm nhỏ lẻ vẫn chưa bảo đảm được các quy chuẩn quy định; hệ thống tổ chức, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế, đặc biệt là Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn chưa quan tâm chỉ đạo đúng mức công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ở địa phương.

Để khắc phục tình trạng trên, nhằm thiết lập trật tự kỷ cương trong việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 06/2007/CT-TTg ngày 28 tháng 3 năm 2007 và của Bộ Y tế tại Công văn số 3659/BYT-ATTP ngày 31 tháng 5 năm 2007; Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các sở - ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn tập trung thực hiện một số nội dung cấp bách sau:

1. Tăng cường công tác thông tin - giáo dục - truyền thông về vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng có đủ kiến thức và kỹ năng chọn lựa, sử dụng và bảo quản thực phẩm đảm bảo VSAT; cung ứng đầy đủ thông tin cần thiết về các cơ sở thực phẩm đủ điều kiện và không đủ điều kiện, các sản phẩm thực phẩm đạt tiêu chuẩn và không đạt tiêu chuẩn về VSATTP.

2. Tăng cường công tác huấn luyện đào tạo về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cán bộ, công chức thực hiện công tác quản lý Nhà nước. Nhanh chóng phát triển và kiện toàn hệ thống quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là hệ thống Thanh tra chuyên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm, thường xuyên huấn luyện về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt đối với các cơ sở thực phẩm quy mô nhỏ, do quận huyện, phường xã quản lý. Chú ý giáo dục ý thức chấp hành đúng các quy định pháp luật liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.

3. Giao Sở Y tế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ khẩn trương xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Phân tích chất lượng cao của thành phố và phát huy vai trò của Trung tâm Kiểm chuẩn xét nghiệm y khoa thành phố; khuyến khích phát triển các Phòng xét nghiệm, kiểm nghiệm thực phẩm tư nhân hiện đại và đạt chuẩn; hình thành hệ thống xét nghiệm, kiểm nghiệm thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm.

4. Thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế trong việc sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất rau quả, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, thủy hải sản; quản lý chặt chẽ việc kinh doanh hóa chất phụ gia thực phẩm trên nguyên tắc hóa chất phụ gia thực phẩm chỉ được bán trong các cửa hàng thực phẩm; sắp xếp lại các khu vực kinh doanh thực phẩm trong các chợ; thường xuyên thanh, kiểm tra, xử lý việc chế biến thực phẩm ăn ngay tại khu công nghiệp và khu chế xuất, các trường học, các chợ, siêu thị, các khu du lịch, các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể và dịch vụ thức ăn đường phố.

5. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, thanh tra, xử lý thật nghiêm các vi phạm pháp luật; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị khi để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong đơn vị mình, trường hợp để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, tái diễn do buông lỏng quản lý, không tuân thủ pháp luật, thì phải xử lý kỷ luật nghiêm khắc hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo đúng quy định của pháp luật.

6. Tăng đầu tư về ngân sách, nhân lực và trang thiết bị để đáp ứng được yêu cầu cơ bản kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố giao nhiệm vụ cụ thể như sau:

1. Ủy ban nhân dân quận - huyện

- Kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm quận - huyện và phường - xã, thị trấn; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động 6 tháng, năm; tổ chức phân công thực hiện và kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện của các cấp;

- Tổ chức kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, lễ hội, thức ăn đường phố, chợ, cảng, trường học, khu công nghiệp theo phân cấp; kiểm tra xử lý triệt để, xóa các điểm nóng trên địa bàn có giết mổ gia súc, gia cầm trái phép. Kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện tiếp tục sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cung ứng dịch vụ ăn uống;

- Khẩn trương tổ chức cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất - chế biến - kinh doanh thực phẩm thuộc 10 nhóm nguy cơ cao thuộc diện quản lý của quận - huyện, phường - xã, thị trấn. Đảm bảo hoàn tất trước ngày 01 tháng 01 năm 2008;

- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, khắc phục ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm theo quy định của pháp luật;

- Tăng cường công tác thông tin - giáo dục - truyền thông về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các đối tượng liên quan. Lồng ghép nội dung bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vào tiêu chuẩn công nhận khu phố văn hóa, gia đình văn hóa, công sở văn minh, sạch đẹp, an toàn;

- Khẩn trương sắp xếp lại cơ cấu tổ chức y tế quận - huyện, đảm bảo nguồn nhân lực cho Trung tâm Y tế Dự phòng quận huyện, Trạm Y tế phường - xã, thị trấn và lực lượng thanh, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; 

- Tăng cường đầu tư ngân sách và trang thiết bị cho các hoạt động vệ sinh an toàn thực phẩm ở địa phương.

2. Sở Y tế

- Chủ trì cùng các Sở - ngành, cơ quan liên quan thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố. Tăng cường hoạt động của Đoàn Kiểm tra liên ngành để thực hiện kiểm tra, đôn đốc các Sở -ngành, cơ quan liên quan, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm quận - huyện thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm;

[...]