Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2011 về tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể do tỉnh Thanh Hóa ban hành

Số hiệu 16/CT-UBND
Ngày ban hành 29/07/2011
Ngày có hiệu lực 29/07/2011
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Vương Văn Việt
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HOÁ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/CT-UBND

Thanh Hoá, ngày 29 tháng 7 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TẠI CÁC BẾP ĂN TẬP THỂ

Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội vì mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần ổn định sản xuất kinh doanh, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Theo báo cáo của Sở Y tế qua thanh tra, kiểm tra, khảo sát đánh giá về điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã được các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị quan tâm và chấp hành tốt các điều kiện đảm bảo VSATTP.

Tuy nhiên, vẫn còn những đơn vị/doanh nghiệp chưa quan tâm việc thực hiện các quy định về bảo đảm VSATTP nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn luôn tiềm ẩn. Trong 07 tháng đầu năm 2011, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 1.200 người mắc, 01 người chết; Trong đó có 03 vụ ngộ độc thực phẩm tại 03 bếp ăn tập thể có quy mô hàng ngàn người ăn với 713 người mắc phải nhập viện điều trị, tăng hơn 04 lần số người nhập viện so với cả năm 2010. Ngộ độc thực phẩm xảy ra do nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn do việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm không an toàn, quy trình chế biến không đảm bảo nguyên tắc một chiều, người trực tiếp chế biến thiếu kiến thức về VSATTP và thực hành vệ sinh kém...

Để tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm (NĐTP), phòng ngừa, khắc phục NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện thị, thành phố và chủ các cơ sở có bếp ăn tập thể thực hiện một số nội dung sau:

1. Đối với các ngành chức năng

a) Sở Y tế:

- Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp trong tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra bếp ăn tập thể tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, bếp ăn trong các đơn vị trường học, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tren địa bàn về việc thực hiện đầy đủ các quy định bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong quá trình thanh, kiểm tra phải kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; đồng thời công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở không chấp hành đúng các quy định về bảo đảm VSATTP và có nhiều nguy cơ xảy ra NĐTP. Tổ chức tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm để nâng cao nhận thức trong việc chấp hành các quy định về bảo đảm VSATTP; Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Hướng dẫn và tổ chức thẩm định để cấp giấp chứng nhận cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo phân cấp quản lý.

Chỉ đạo các đơn vị trong ngành chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị, hoá chất, cơ số thuốc để xử lý kịp thời và hiệu quả khi có vụ NĐTP xảy ra.

b) Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương theo chức năng nhiệm vụ chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động để bảo đảm VSATTP. Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về VSATTP; đặc biệt cần chủ động kiểm tra, kiểm soát tồn dư hóa chất độc hại trong nông - thủy sản, thực phẩm tươi sống; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ lưu thông thịt gia súc, gia cầm; bảo đảm điều kiện VSATTP tại các siêu thị, chợ.

c) Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị trường học có bếp ăn tập thể phải bảo đảm điều kiện VSATTP, không để các cơ sở không đủ điều kiện cung ứng các dịch vụ ăn uống trong trường học. Phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về VSATTP trong trường học, đồng thời huy động giáo viên và học sinh tham gia tích cực công tác VSATTP. Chỉ đạo xây dựng mô hình bếp ăn bảo đảm VSATTP ở các trường học, gắn với các phong trào thi đua của nhà trường.

d) Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hoá, Báo Thanh Hoá, Báo Văn hoá và Đời sống tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về VSATTP phù hợp cho từng đối tượng; Kịp thời thông tin các hoạt động về VSATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời chỉ đạo các Đài Truyền thanh cơ sở dành nhiều thời lượng phát sóng để phổ biến các quy định về VSATTP, các kiến thức về cách chọn lựa, bảo quản, chế biến thực phẩm; khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm sạch; thông tin kịp thời các bếp ăn tập thể không đảm bảo VSATTP đến nhân dân biết và nâng cao cảnh giác.

e) Các Sở ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế thực hiện công tác tuyên truyền và thanh tra, kiểm tra VSATTP.

2. UBND các huyện, thành phố, thị xã

- Chỉ đạo, triển khai và kiểm tra thường xuyên việc thực hiện các quy định của pháp luật về VSATTP của các cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trong trường học và các doanh nghiệp trên địa bàn; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm những vi phạm.

- Kiện toàn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP từ cấp huyện đến cấp xã; chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường giáo dục, phổ biến kiến thức về VSATTP, ý thức chấp hành luật pháp về VSATTP. Bố trí, huy động các nguồn lực của địa phương tham gia vào hoạt động bảo đảm VSATTP.

3. Giám đốc các doanh nghiệp, Hiệu trưởng các trường có bếp ăn tập thể

- Chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về bữa ăn tập thể trong đơn vị; Yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định về điều kiện bảo đảm VSATTP tại các bếp ăn tập thể và cơ sở dịch vụ ăn uống.

- Nếu có hợp đồng với cơ sở dịch vụ cung cấp suất ăn sẵn yêu cầu chọn cơ sở có tư cách pháp nhân, có đủ năng lực đảm bảo điều kiện VSATTP, có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do ngành y tế cấp.

- Đối với đơn vị tự tổ chức bếp ăn tập thể, người được giao quản lý bếp ăn phải ký cam kết trách nhiệm đảm bảo VSATTP với Thủ trưởng đơn vị; nguồn nguyên liệu thực phẩm phải có hợp đồng cung cấp, có tài liệu chứng nhận về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

- Khi xảy ra NĐTP, Thủ trưởng đơn vị phải khẩn trương huy động mọi nguồn lực, phương tiện để sơ cấp cứu người bị ngộ độc; đồng thời báo cáo ngay tình hình ngộ độc cho cơ quan y tế; phối hợp tích cực với cơ quan y tế để thực hiện các bước điều tra theo quy định.

4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp trong tỉnh

Vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào công tác VSATTP tại địa phương; chấp hành tốt chính sách pháp luật về VSATTP; Có kế hoạch chủ động trong công tác tuyên truyền, tổ chức nói chuyện chuyên đề về VSATTP cho các hội viên, đoàn viên.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Sở Y tế có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra giám sát việc triển khai thực hiện và tổng hợp tình hình định kỳ va đột xuất về bảo đảm VSATTP báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và Bộ Y tế theo quy định./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Y tế (để BC);
- TT Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh (để BC);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch (để BC);
- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể câp tỉnh (để thực hiện);
- UBND các huyện, thị xã, thành phố (để thực hiện);
- Đài PTTH, Báo Thanh Hoá, Báo Văn hoá & Đời sống;
- L­ưu: VT, VX.
 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vương Văn Việt

 

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ