Quyết định 2565/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Đề án “Đổi mới công tác Truyền thông tỉnh Hà Giang giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”

Số hiệu 2565/QĐ-UBND
Ngày ban hành 18/12/2019
Ngày có hiệu lực 18/12/2019
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2565/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 18 tháng 12 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2020-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 07/9/2018 của Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh Hà Giang về Tái cơ cấu kinh tế tỉnh Hà Giang đến năm 2030;

Căn cứ Thông báo số 581-TB/TU, ngày 20/12/2018 của Tỉnh ủy Hà Giang về xây dựng Đề án Truyền thông tỉnh Hà Giang; Thông báo số 306/TB-UBND ngày 11/12/2019 về thông báo Kết luận phiên họp tháng 11 năm 2019 của UBND tỉnh;

Xét đề nghị tại Tờ trình số 44/TTr-STTTT, ngày 23 tháng 10 năm 2019 của Sở Thông tin và Truyền thông,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Đổi mới công tác Truyền thông tỉnh Hà Giang giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Điều 2. Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh; Thủ trưởng các ban, sở, ngành, đoàn thể, đơn vị liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Thường trực Tỉnh ủy,
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- BTG Tỉnh ủy;
- LĐ Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND&UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTTH, VHXH

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sơn

 

ĐỀ ÁN

ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2020- 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2565/QĐ-UBND ngày 18/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang)

PHẦN I

THỰC TRẠNG, NGUYÊN NHÂN, SỰ CẦN THIẾT VÀ NHỮNG CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. THỰC TRẠNG VÀ NGUYÊN NHÂN

1. Thực trạng

a) Ưu điểm

Những năm qua, công tác thông tin, truyền thông, quảng bá trên tất cả các lĩnh vực được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở quan tâm đầu tư, có bước chuyển biến tích cực và đã đạt được kết quả đáng khích lệ: Các nội dung, hình thức thông tin, truyền thông ngày một đa dạng, phong phú đáp ứng cơ nhu cầu cơ bản về thông tin ngày càng cao của người dân cũng như du khách trong nước và quốc tế, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức truyền thông, quảng bá khác của tỉnh như hệ thống Đài Phát thanh - Truyền hình, Đài Truyền thanh cơ sở, Báo Hà Giang, hệ thống Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành, UBND các cấp; qua các Chương trình, sự kiện, lễ hội được tổ chức tại tỉnh, qua các Chương trình truyền hình của Đài Truyền hình Trung ương; các Đài Truyền hình, Cổng, Trang thông tin điện tử các tỉnh, thành phố hoặc các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch của tỉnh.

Đặc biệt là, tỉnh ta được người dân cả nước và du khách quốc tế biết đến thông qua các công cụ tìm kiếm bằng các thiết bị công nghệ hiện đại, được người dùng sử dụng khai thác trên nền tảng Internet và mạng xã hội.

b) Hạn chế

Công tác thông tin, truyền thông của tỉnh nói chung còn nhiều hạn chế, khó khăn như: Hoạt động thông tin cơ sở còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thông tin, tuyên truyền trong tình hình mới. Phương thức truyền thông truyền thống chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của internet và các phương thức truyền thông xã hội, truyền thông số. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác thông tin, truyền thông còn nhiều hạn chế. Nguồn nhân lực làm công tác truyền thông thiếu tính chuyên nghiệp, chưa ngang tầm với đòi hỏi của sự phát triển hiện nay. Công tác quản lý thông tin, xử lý khủng khoảng truyền thông, việc đấu tranh phản bác đối với những thông tin xấu, độc trên môi trường mạng chưa kịp thời và còn nhiều khó khăn, lúng túng.

2. Nguyên nhân

a) Nguyên nhân của những ưu điểm

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông ngày càng được quan tâm, chú trọng.

Việc đầu tư cho công tác thông tin và truyền thông cả về chính sách, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực đã có sự chuyển biến đáng khích lệ.

[...]