Thứ 4, Ngày 13/11/2024

Quyết định 25/2010/QĐ-UBND ban hành “Đề án kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp, các lĩnh vực giám định tư pháp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2015" do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 25/2010/QĐ-UBND
Ngày ban hành 26/04/2010
Ngày có hiệu lực 06/05/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Thành Tài
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 25/2010/QĐ-UBND

TP . Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 4 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH “ĐỀ ÁN KIỆN TOÀN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP, CÁC LĨNH VỰC GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2015”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Giám định tư pháp ngày 29 tháng 9 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 67/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giám định tư pháp;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 1000/TTr-STP-BTTP ngày 05 tháng 4 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành “Đề án kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp, các lĩnh vực giám định tư pháp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2015”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Công an thành phố, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Cục trưởng Cục Thuế thành phố, Giám đốc Trung tâm Pháp y, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần, Trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban MTTQ và các đoàn thể TP;
- VPUB: các PVP; Phòng PCNC (2b), TTCB;
- Lưu:VT, NC/K) H.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Thành Tài

 

ĐỀ ÁN

KIỆN TOÀN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP, CÁC LĨNH VỰC GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 25 /2010/QĐ-UBND ngày 26 tháng 4 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ CỦA VIỆC XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Pháp lệnh Giám định tư pháp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29 tháng 9 năm 2004, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2005. Điều 5 Pháp lệnh Giám định tư pháp quy định: Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giám định tư pháp; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và có chính sách đãi ngộ đối với người thực hiện giám định tư pháp; bảo đảm về cơ sở vật chất, kỹ thuật cho tổ chức giám định tư pháp. Điều 42 và Điều 45 Pháp lệnh Giám định tư pháp quy định: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc quản lý nhà nước về giám định tư pháp ở địa phương; Có nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện các thủ tục thành lập tổ chức giám định tư pháp; Bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp; Bảo đảm kinh phí, phương tiện hoạt động và các điều kiện vật chất cần thiết khác cho hoạt động giám định tư pháp ở địa phương; Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cần thiết cho giám định viên tư pháp ở địa phương.

Ngày 11 tháng 02 năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg phê duyệt Đề án“Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”.

II. THỰC TRẠNG VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

1. Nhu cầu giám định tư pháp trên địa bàn thành phố:

Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố lớn, đông dân và có hoạt động kinh tế, xã hội sôi động nhất cả nước. Bên cạnh các thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc trưng này của thành phố cũng làm phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến tội phạm hình sự cũng như các tranh chấp về dân sự, kinh tế, lao động, hành chính. Hàng năm, lượng án phải giải quyết của thành phố chiếm khoảng 1/6 tổng lượng án của cả nước và so với các địa phương khác thì thành phố không chỉ có số lượng án nhiều nhất mà xét về quy mô, tính chất và mức độ của từng loại án cũng phức tạp hơn.

Số liệu thống kê các loại án đã giải quyết trong các năm 2006, 2007, 2008 cho thấy toàn ngành Tòa án thành phố Hồ chí Minh năm 2006 đã giải quyết được 32.303 vụ, năm 2007 là 35.665 vụ và năm 2008 là 36.518 vụ (xem Phụ lục 1). Như vậy, tính trung bình thì mỗi năm lượng án phải giải quyết tăng khoảng gần 5%. Bên cạnh đó, tính chất của các vụ án ngày càng phức tạp, nhiều vụ việc có quy mô lớn, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, hình thức vi phạm, tranh chấp đa dạng hơn, đáng lưu ý là các vụ án hình sự có tính chuyên nghiệp, sử dụng kỹ thuật cao có chiều hướng tăng, các tranh chấp dân sự, thương mại liên quan đến các hình thức kinh doanh mới cũng xuất hiện nhiều hơn…

Tình hình trên đã dẫn đến hệ quả tất yếu là yêu cầu trưng cầu giám định tư pháp để phục vụ cho việc điều tra, truy tố, xét xử, giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính trên địa bàn thành phố hàng năm rất lớn.

Số liệu vụ việc giám định tư pháp trong tất cả các lĩnh vực đã giải quyết trong các năm 2006, 2007, 2008 trên địa bàn thành phố Hồ chí Minh như sau: Năm 2006 đã giải quyết được 19.128 vụ, năm 2007 là 19.885 vụ và 2008 là 19.473 vụ (xem Phụ lục 2).

 Qua phân tích báo cáo giám định tư pháp cho thấy, tuy số lượng vụ giám định nhìn chung không tăng nhưng độ khó, tính phức tạp của yêu cầu giám định lại gia tăng, nhiều vụ việc giám định phải kéo dài trong nhiều năm, như việc giám định đối với công trình đường liên cảng A5 kéo dài từ năm 2005 đến năm 2007 mới cơ bản hoàn tất…

Ngoài ra, bên cạnh việc giám định tư pháp nhằm phục vụ cho việc giải quyết các vụ án, các tổ chức giám định tư pháp (chủ yếu là Trung tâm Pháp y và Trung tâm Giám định pháp y tâm thần) còn thực hiện giám định phục vụ cho giai đoạn sau tố tụng nhằm xác định tình trạng sức khỏe của người bị kết án phạt tù để xét cho phép tại ngoại, trung bình mỗi năm khoảng 50 vụ việc. Việc giám định này được thực hiện theo tinh thần cuộc họp liên ngành giữa cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố, Tòa án nhân dân thành phố và tổ chức giám định tư pháp.

2. Thực trạng tổ chức giám định tư pháp trên địa bàn thành phố:

a) Về tổ chức và bộ máy:

[...]