Quyết định 258/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 258/QĐ-TTg
Ngày ban hành 11/02/2010
Ngày có hiệu lực 11/02/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Trương Vĩnh Trọng
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 258/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 02 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Giám định tư pháp số 24/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 9 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 67/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giám định tư pháp;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, PL (5b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trương Vĩnh Trọng

 

ĐỀ ÁN

ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ)

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Cơ sở chính trị, pháp lý của việc xây dựng Đề án

Trong điều kiện đẩy mạnh cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, việc đổi mới và hoàn thiện các tổ chức bổ trợ tư pháp nói chung  và giám định tư pháp nói riêng là một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong nhiều Nghị quyết của Đảng (Nghị quyết Trung ương 8 Khóa VII, Nghị quyết Trung ương 3 và Nghị quyết Trung ương 7 khóa VIII, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX). Đặc biệt, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã chỉ rõ: “Hoàn thiện chế định giám định tư pháp. Nhà nước cần đầu tư cho một số lĩnh vực giám định để đáp ứng yêu cầu thường xuyên của hoạt động tố tụng. Thực hiện xã hội hóa đối với các lĩnh vực có nhu cầu giám định không lớn, không thường xuyên. Quy định chặt chẽ, rõ ràng về trình tự, thủ tục, thời hạn trưng cầu và thực hiện giám định. Ban hành quy chuẩn giám định phù hợp với từng lĩnh vực giám định. Xác định rõ cơ chế đánh giá kết luận giám định, bảo đảm đúng đắn, khách quan để làm căn cứ giải quyết vụ việc”.

“... Nghiên cứu thực hiện và phát triển các loại hình dịch vụ từ phía Nhà nước để tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình…”.

Theo Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2009 (ban hành kèm theo Công văn số 66/VPCP-TH ngày 20 tháng 01 năm 2009), Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án về đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”.

2. Thực trạng công tác giám định tư pháp

2.1. Những kết quả đạt được

2.1.1. Về thể chế

Thể chế về công tác giám định tư pháp đã được hoàn thiện một bước, đánh dấu bằng sự ra đời của Pháp lệnh giám định tư pháp. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 hướng dẫn thực hiện một số điều của Pháp lệnh. Các văn bản về chế độ, chính sách đối với người giám định tư pháp cũng được quan tâm xây dựng và ban hành như Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp, Thông tư số 02/2009/TT-BTP ngày 17 tháng 9 năm 2009 của Bộ Tư pháp về chế độ phụ cấp giám định viên tư pháp. Các quy định hướng dẫn thực hiện hoạt động giám định tư pháp trong phạm vi quản lý cũng được một số bộ, ngành quan tâm xây dựng như Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 09/2006/TT-BCA ngày 22 tháng 8 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 67/2005/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều Pháp lệnh giám định tư pháp trong lực lượng công an nhân dân. Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 04/2007/TT-BYT ngày 12 tháng 02 năm 2007 của Bộ Y tế hướng dẫn tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên pháp y, pháp y tâm thần. Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 35/2009/TT-BXD ngày 05 tháng 10 năm 2009 hướng dẫn về giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng.

2.1.2. Về tổ chức

Hệ thống tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự ở trung ương và địa phương đã được củng cố, kiện toàn một bước, nhất là hệ thống tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần trong ngành y tế. Cụ thể như Viện Pháp y quốc gia, Viện Giám định pháp y tâm thần thuộc Bộ Y tế, 33 Trung tâm pháp y và 16 Phòng giám định pháp y ở cấp tỉnh, 11 Trung tâm Giám định pháp y tâm thần cấp tỉnh đã được thành lập. Viện Khoa học hình sự ngày càng phát triển và là tổ chức đầu ngành trong cả nước về lĩnh vực kỹ thuật hình sự, đạt tiêu chuẩn khu vực. Năm 2008, Viện Khoa học hình sự đã tham gia mạng lưới các Viện Khoa học hình sự Châu Á với tư cách là đồng sáng lập. Các Phòng kỹ thuật hình sự ở công an cấp tỉnh được củng cố, kiện toàn, đặc biệt bộ phận giám định kỹ thuật hình sự đang được triển khai thành lập ở công an cấp huyện; Phòng Giám định kỹ thuật hình sự trong Bộ Quốc phòng đã được thành lập.

2.1.3. Về đội ngũ người giám định tư pháp

Tính đến tháng 9 năm 2009, Bộ Tư pháp cấp 2.461 thẻ giám định viên tư pháp, trong đó có 844 giám định viên pháp y, 517 giám định viên kỹ thuật hình sự, 152 giám định viên pháp y tâm thần, 486 giám định viên tài chính – kế toán, 179 giám định viên văn hóa, 81 giám định viên xây dựng, 33 giám định viên tài nguyên môi trường, 43 giám định viên giao thông vận tải, 47 giám định viên Nông lâm nghiệp, 65 giám định viên khoa học kỹ thuật, 14 giám định viên ở các lĩnh vực khác.

Bên cạnh đó, có 237 người giám định tư pháp theo vụ việc ở các lĩnh vực cũng đã được các Bộ, ngành và địa phương đề nghị Bộ Tư pháp lập danh sách và công bố.

Nhìn chung, đội ngũ giám định viên tư pháp đã được các Bộ, ngành và địa phương rà soát, tăng cường, củng cố một bước. Chất lượng đội ngũ giám định viên tư pháp cũng được nâng lên.

[...]