Pháp lệnh Giám định tư pháp năm 2004

Số hiệu 24/2004/PL-UBTVQH11
Ngày ban hành 29/09/2004
Ngày có hiệu lực 01/01/2005
Loại văn bản Pháp lệnh
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Nguyễn Văn An
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 24/2004/PL-UBTVQH11

Hà Nội, ngày 29 tháng 9 năm 2004

 

PHÁP LỆNH

CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 24/2004/PL-UBTVQH11 NGÀY 29 THÁNG 9 NĂM 2004 VỀ GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Pháp lệnh này quy định về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Giám định tư pháp

Giám định tư pháp là việc sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự (sau đây gọi chung là vụ án) do người giám định tư pháp thực hiện theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nhằm phục vụ cho việc giải quyết các vụ án.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

1. Pháp lệnh này quy định về tiêu chuẩn, quyền, nghĩa vụ của người giám định tư pháp; tổ chức giám định tư pháp; trình tự, thủ tục trưng cầu giám định, thực hiện giám định; phí giám định tư pháp và quản lý nhà nước về giám định tư pháp.

2. Giám định không do cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu và không nhằm phục vụ cho việc giải quyết các vụ án thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh này.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp

1. Tuân thủ pháp luật, tuân theo quy chuẩn chuyên môn.

2. Trung thực, chính xác, khách quan.

3. Chỉ kết luận về chuyên môn những vấn đề liên quan đến vụ án trong phạm vi được yêu cầu.

4. Chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về kết luận giám định.

Điều 4. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với hoạt động giám định tư pháp

Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện để người giám định tư pháp thực hiện giám định theo quy định của Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, cản trở trái pháp luật việc thực hiện giám định của người giám định tư pháp.

Điều 5. Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động giám định tư pháp

Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giám định tư pháp; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và có chính sách đãi ngộ đối với người thực hiện giám định tư pháp; bảo đảm về cơ sở vật chất, kỹ thuật cho tổ chức giám định tư pháp.

Điều 6. Áp dụng điều ước quốc tế

1. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định của Pháp lệnh này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

2. Trong trường hợp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa ký kết hoặc chưa gia nhập điều ước quốc tế có liên quan thì việc hợp tác quốc tế trong hoạt động giám định tư pháp được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại, nhưng không trái pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế.

Chương 2:

NGƯỜI GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

Điều 7. Người giám định tư pháp

Người giám định tư pháp bao gồm:

1. Giám định viên tư pháp;

[...]