Quyết định 248/2007/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án Xuất khẩu lao động do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Số hiệu 248/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 30/01/2007
Ngày có hiệu lực 09/02/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Ngô Hòa
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 248/2007/QĐ-UBND

Huế, ngày 30 tháng 01 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 81/2003/NĐ-CP ngày 17/7/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ Luật Lao động về người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài;

Căn cứ Nghị định số 141/2005/NĐ-CP ngày 11/11/2005 của Chính phủ về quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án "Xuất khẩu lao động tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2006-2010" (kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực thực hiện Đề án, giúp UBND tỉnh phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức triển khai, kiểm tra thực hiện Đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 4. Trưởng Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động tỉnh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Bộ LĐ-TB&XH;
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các thành viên BCĐ XKLĐ tỉnh;
- VP: LĐ và CVXH;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Hòa

 

ĐỀ ÁN

XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 248/2007/QĐ - UBND ngày 30/01/2007 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

I. CÔNG TÁC XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG TRONG NHỮNG NĂM QUA

Xuất khẩu lao động và chuyên gia là một hoạt động kinh tế - xã hội góp phần phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập và nâng cao trình độ tay nghề, tác phong công nghiệp cho người lao động, tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Công tác xuất khẩu lao động được Đảng và Nhà nước ta quan tâm từ những năm 1980, tại Đại hội Đảng lần thứ V đã xác định “... mở rộng đưa lao động ra nước ngoài bằng nhiều hình thức thích hợp, coi đó là một bộ phận hữu cơ của chương trình lao động việc làm nói chung”. Chỉ thị số 41/CT-TW ngày 22/9/1998 của Bộ Chính trị đã khẳng định : “Cùng với các giải pháp giải quyết việc làm trong nước là chính, xuất khẩu lao động và chuyên gia là một chiến lược quan trọng, lâu dài, góp phần xây dựng đội ngũ lao động cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Để cụ thể hóa chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế, chính sách xuất khẩu lao động và chuyên gia; Chính phủ đã ban hành một số Nghị định, Thông tư kịp thời điều chỉnh những phát sinh trong quan hệ liên quan đến xuất khẩu lao động như Nghị định số 81/2003/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2003 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động về người Việt Nam làm việc ở nước ngoài; Nghị định số 141/2005/NĐ-CP ngày 11/11/2005 về quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài, Thông tư Liên tịch số 03/2006/TTLT/BLĐTBXH-BNG ngày 31/3/2006 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Ngoại giao hướng dẫn thực hiện Nghị định số 141/2005/NĐ-CP nêu trên...

Xuất khẩu lao động là một giải pháp quan trọng trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người lao động.

II. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG TRONG CÁC NĂM QUA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ.

Dân số Thừa Thiên Huế đến cuối năm 2005 có 1.134.480 người, trong đó dân số trong độ tuổi lao động 661.543 người, chiếm 58,31% tổng dân số; tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị chiếm 5,67 %, hằng năm có gần một vạn lao động thuộc lực lượng sinh viên, học sinh ra trường, bộ đội xuất ngũ, bổ sung vào lực lượng lao động của tỉnh nhà, một bộ phận lao động mất việc làm do sắp xếp lại doanh nghiệp theo chủ trương của Nhà nước làm tăng áp lực về giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Trung bình mỗi năm tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 1,4 vạn lao động đi làm việc trong và ngoài tỉnh, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 500 LĐ/năm. Xuất khẩu lao động là một giải pháp quan trọng trong hoạt động kinh tế xã hội nhằm giải quyết việc làm trước mắt cho người lao động, nhưng xét về lâu dài đây cũng là đội ngũ lao động sau khi về nước có kỹ năng lao động, tác phong công nghiệp và lao động có tay nghề.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 10 đơn vị trong và ngoài tỉnh tham gia tuyển lao động xuất khẩu trên địa bàn, trong đó Công ty Cổ phần Cơ khí và xuất khẩu lao động Thừa Thiên Huế là đơn vị duy nhất thuộc tỉnh quản lý có chức năng tuyển lao động xuất khẩu trực tiếp, các đơn vị còn lại ở ngoài tỉnh lập văn phòng đại diện, hoặc cử cán bộ trực tiếp tuyển lao động ở địa phương, hoặc thông qua các Trung tâm Dịch vụ việc làm, Trường Kỹ nghệ, các phòng Nội vụ Lao động - Thương binh và Xã hội để phối hợp tổ chức tuyển chọn lao động và đào tạo nghề, giáo dục định hướng; một số địa phương đã thực hiện mô hình liên kết trách nhiệm giữa chính quyền cơ sở với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong việc triển khai xuất khẩu lao động tại địa phương.

Từ năm 2001 đến 2005 đã đưa 2.845 lao động đi làm việc ở nước ngoài, cụ thể như sau:

Năm

Lao động trên các thị trường

Đài Loan

Nhật Bản

Hàn Quốc

Malaysia

Lào

Tổng cộng

1

2

3

4

5

6

7

2001

72

 

 

 

103

1175

2002

85

 

 

31

 

116

2003

138

24

 

344

 

506

2004

86

 

 

214

 

300

2005

48

2

42

1.356

 

1.448

Tổng

429

26

42

1.954

103

2.845

Nhận thức của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, đã xem công tác xuất khẩu lao động là một nhiệm vụ chính trị, kinh tế trọng tâm, là giải pháp giải quyết lao động thất nghiệp, xóa đói giảm nghèo, có 8/9 huyện đã đưa chỉ tiêu về XKLĐ được thể hiện cụ thể trong Nghị quyết của các cấp ủy Đảng và Hội đồng nhân dân cấp huyện; Huyện uỷ A Lưới đã ban hành Chỉ thị về công tác Lao động việc làm và Xuất khẩu lao động. Trong năm 2006, Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) đã tổ chức 2 hội nghị về công tác XKLĐ trên địa bàn cho các huyện, thành phố và một số xã, phường, thị trấn. 8/9 huyện, thành phố Huế đã cử cán bộ lãnh đạo huyện và phòng Nội vụ - Lao động Thương binh Xã hội khảo sát, thăm lao động tại thị trường Malaysia.

Nhìn chung, đa số lao động đi làm việc ở nước ngoài đều có việc làm ổn định, có thu nhập khá cao, thường xuyên gửi tiền về trả tiền vay trước khi đi và giúp gia đình, ổn định cuộc sống. Bản thân người lao động từng bước thích nghi dần với môi trường sống mới, có tác phong công nghiệp, có ý thức kỷ luật, lao động có kỹ thuật, năng suất, trình độ chuyên môn tay nghề ngày được nâng cao, khi hoàn thành hợp đồng, lao động trở về địa phương sẽ có tay nghề, có vốn tạo điều kiện để đầu tư, giải quyết việc làm cho bản thân và thu hút lao động tại địa phương.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ