ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2475/QĐ-UBND
|
Yên Bái, ngày 19 tháng 11 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT HỢP PHẦN II: QUY HOẠCH CHI TIẾT PHÁT TRIỂN LƯỚI ĐIỆN TRUNG VÀ
HẠ ÁP SAU CÁC TRẠM 110KV THUỘC DỰ ÁN “QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC TỈNH YÊN
BÁI GIAI ĐOẠN 2016-2025, CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2035”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương số 77/2015/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Điện lực số
28/2004/QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20
tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Điện lực;
Căn cứ Thông tư số 43/2013/TT-BCT
ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định nội dung, trình
tự, thủ tục, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực;
Căn cứ Quyết định số 3858/QĐ-UBND
ngày 30 tháng 12 năm 2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề cương và Dự toán kinh phí lập Quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh Yên
Bái giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035;
Căn cứ Quyết định số 3016/QĐ-BCT
ngày 23 tháng 8 năm 2018 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Quy hoạch phát
triển điện lực tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2025,
có xét đến năm 2035 - Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110kV (Hợp phần I);
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công
Thương tại Tờ trình số 2487 /TTr- SCT ngày 19 tháng 10 năm 2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Hợp phần II: Quy hoạch chi tiết phát
triển lưới điện trung và hạ áp sau các trạm 110kV thuộc dự án Quy hoạch phát
triển điện lực tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035 với các
nội dung chính sau:
I. MỤC TIÊU, ĐỊNH
HƯỚNG PHÁT TRIỂN LƯỚI ĐIỆN
1. Mục tiêu
1.1. Mục tiêu chung
Mục tiêu của quy hoạch phát triển điện
lực tỉnh Yên Bái để đảm bảo sự phát triển cân đối, hài hòa, đồng bộ giữa phát
triển nguồn và lưới điện nhằm cung cấp cho phụ tải với chất lượng tốt nhất, tin
cậy, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quy
hoạch đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, độ tin cậy, tính kinh tế trong công tác
thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo vệ, bảo dưỡng hệ thống;
phù hợp với hiện tại và định hướng phát triển lâu dài.
1.2. Mục tiêu cụ thể
a. Phát triển đồng bộ lưới điện truyền
tải và phân phối trên địa bàn tỉnh đáp ứng mục tiêu phát
triển kinh tế xã hội của địa phương với tốc độ tăng trưởng GRDP trong giai đoạn
2016 - 2020 là 7,5%/năm, giai đoạn 2021 - 2025 là 8%/năm.
b. Cung cấp điện an toàn, tin cậy để
đảm bảo phát triển kinh tế, chính trị và an sinh xã hội của địa phương; hoàn
thiện hệ thống lưới điện; giảm bán kính cấp điện và giảm tổn thất điện năng,
nâng cao chất lượng điện áp.
2. Định hướng phát triển lưới điện
- Phát triển lưới điện phân phối phải
gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của vùng và của từng địa phương
trong vùng, đảm bảo chất lượng điện và độ tin cậy cung cấp điện ngày càng được
nâng cao.
- Phát triển lưới điện phân phối phù
hợp với lưới điện truyền tải 220kV và 110kV; hoàn thiện mạng lưới điện khu vực
nhằm nâng cao độ ổn định, tin cậy cung cấp điện, giảm thiểu tổn thất điện năng.
- Từng bước hiện đại hóa lưới điện, cải
tạo, nâng cấp các thiết bị đóng cắt, bảo vệ và tự động hóa của lưới điện để
nâng cao giới hạn truyền tải; từng bước hiện đại hóa hệ thống điều khiển lưới
điện.
II. NỘI DUNG HỢP
PHẦN II CỦA QUY HOẠCH
1. Các tiêu chuẩn thiết kế
1.1. Tiêu chuẩn thiết kế lưới
điện trung áp
a. Cấu trúc lưới điện
- Lưới trung áp được thiết kế mạch
vòng, vận hành hở. Mạch vòng được cấp điện từ 2 trạm 110kV,
từ 2 thanh cái phân đoạn của 1 trạm 110kV có 2 máy biến áp
hoặc từ 2 thanh cái trạm biến áp 110kV. Đối với khu vực có mật độ phụ tải thấp,
khu vực phụ tải phát triển đơn lẻ hoặc không yêu cầu cấp điện đặc biệt lưới điện
được thiết kế hình tia.
- Các đường trục trung áp ở chế độ làm
việc bình thường mang tải từ (60÷70)% công suất so với công suất mang tải cực đại
cho phép để đảm bảo an toàn cấp điện khi sự cố.
- Để đảm bảo độ tin cậy, tăng cường lắp
đặt các thiết bị đóng lại (Recloser) trên các tuyến trung áp quan trọng và các
nhánh nhằm phân đoạn sự cố. Tăng cường bổ sung cầu dao phân đoạn ở đầu các
nhánh rẽ để phân đoạn lưới điện nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
- Tăng cường phân đoạn sự cố các đường
trục, các nhánh rẽ lớn bằng các thiết bị Recloser, LBS, DS, LBFCO, FCO...; khu vực
thành phố trang bị hệ thống thiết bị bảo vệ, điều khiển hiện đại.
- Xây dựng hệ thống cáp ngầm cho khu
vực trung tâm đô thị và các khu đô thị mới để đảm bảo mỹ quan đô thị.
b. Tiết diện dây dẫn
- Cáp ngầm trung áp xây dựng mới đường
trục sử dụng cáp có tiết diện ≥ 240mm2, các nhánh rẽ có khả năng
phát triển phụ tải sử dụng dây dẫn có tiết diện từ 70÷120mm2.
- Cáp ngầm sử dụng cáp khô 3 pha,
cách điện XLPE có đặc tính chống thấm dọc và ngang.
- Đường dây trên không có tiết diện
đường trục ≥ 120mm2, tiết diện đường nhánh có khả năng phát triển phụ
tải ≥ 70mm2.
- Nhánh đường dây cấp điện cho phụ tải
cụ thể căn cứ vào công suất phụ tải để lựa chọn tiết diện dây dẫn cho phù hợp.
c. Gam máy biến áp phụ tải
- Đối với trạm biến áp công cộng,
công suất trạm được tính toán theo nguyên tắc đủ khả năng cung
cấp điện cho các phụ tải dân sinh trong vòng bán kính đã được quy định: Khu vực
thành phố, thị xã, đô thị mới, thị trấn sử dụng các máy biến áp ba pha có gam
công suất từ 250 kVA÷630 kVA; Khu vực nông thôn, sử dụng các máy biến áp ba pha
có gam công suất từ 50 kVA÷400 kVA.
- Đối với các khách hàng là tổ chức,
cá nhân có sử dụng trạm biến áp riêng, phải đăng ký biểu đồ phụ tải và đặc tính
kỹ thuật công nghệ của dây chuyền sản xuất và phải đảm bảo cosφ ≥ 0,9. Trường hợp
cosφ ≤ 0,9, bên mua phải lắp đặt thiết bị bù công suất phản
kháng hoặc mua thêm công suất phản kháng trên hệ thống điện của bên bán để nâng
công suất cosφ đạt từ 0,9 trở lên.
d. Tiêu chuẩn về tổn thất điện áp khi thiết kế
- Các đường dây trung áp mạch vòng,
khi vận hành hở thiết kế sao cho tổn thất điện áp lớn nhất ≤ 5% ở chế độ vận
hành bình thường và ≤ 10% ở chế độ sau sự cố.
- Các đường dây trung áp hình tia,
cho phép tổn thất điện áp lớn nhất ≤ 10% ở chế độ vận hành
bình thường.
e. Điện áp lưới điện trung áp
Cấp điện áp 35, 22 kV được chuẩn hóa
cho phát triển lưới điện trung áp trên địa bàn toàn tỉnh. Phát
triển lưới 35kV để cấp điện cho các huyện miền núi. Phát triển lưới 22kV ở
thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và các thị trấn có nguồn 22kV. Các trạm phân
phối 10kV xây dựng mới phải có đầu phân áp 22kV và chỉ xây
dựng ở những nơi chưa có nguồn 22kV.
1.2. Tiêu chuẩn thiết kế lưới
điện hạ áp
- Áp dụng hệ thống hạ áp 220/380V ba
pha 4 dây trung tính nối đất trực tiếp.
- Lưỡi hạ áp được xây dựng theo cấu trúc mạch vòng vận hành hở, trong đó mỗi lộ ra hạ
áp được liên kết với một nhánh khác tại tủ hạ áp để dự phòng cho trường hợp sự
cố. Trong điều kiện bình thường, tải
mỗi nhánh bằng 50% tải định mức dây dẫn để có thể hỗ trợ nhánh khác trong trường
hợp sự cố.
- Lưới hạ áp nổi sử dụng cáp vặn xoắn ABC, cáp bọc đường trục có tiết diện ≥ 4x120mm2,
đường nhánh có tiết diện ≥ 4x50mm2.
- Lưới hạ áp ngầm sử dụng cáp ngầm,
đường trục có tiết diện ≥ 4x120mm2, đường nhánh có tiết diện ≥ 4x50mm2.
- Bán kính cấp điện lưới hạ áp ≤ 300m
đối với khu vực nội thị, khu đô thị mới, khu du lịch với các phụ tải quan trọng;
bán kính cấp điện ≤ 800m đối với khu vực ngoại thành, nông thôn.
- Đồng thời với việc xây dựng mới các
trạm biến áp phân phối, xây dựng mới các đường trục, đường nhánh tới các hộ
tiêu thụ, kết hợp ngầm hóa đường dây trung hạ áp trên các
tuyến phố để cải thiện mỹ quan đô thị, giảm bán kính cấp điện và tổn thất kỹ
thuật lưới hạ áp sao cho tổn thất điện áp ≤ 5% trong trường hợp vận hành bình
thường và ≤ 10% trong trường hợp sự cố.
- Đường dây hạ áp ngầm được đặt trong
ống nhựa ruột gà PVC xuất phát từ trạm hạ áp đi ngầm trên vỉa hè hoặc sát bó vỉa
lề đường dọc trước nhà của hộ phụ tải. Trên trục chính lắp tủ phân phối hạ áp đặt
trên nền gạch, mỗi tủ được sử dụng cho từ 8÷10 hộ sử dụng
điện 1 pha và từ 2÷4 hộ 3 pha tùy theo loại tủ.
- Dây dẫn vào hộ sử dụng điện cho mục
đích sinh hoạt dùng cáp có tiết diện ≥ 4mm2, chiều dài từ công tơ
vào nhà dân không quá 30m.
2. Quy hoạch phát triển chi tiết lưới
điện trung, hạ áp sau các trạm biến áp 110kV giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035
Khối lượng xây dựng mới lưới điện
trung và hạ áp toàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2025 như sau :
a) Lưới điện phân phối trung áp
- Giai đoạn 2016-2020
+ Xây dựng mới 384 trạm biến áp
35/0,4 kV với tổng công suất 93.730 kVA;
+ Xây dựng mới 78 trạm biến áp
22(10)/0,4kV với tổng công suất 36.060 kVA;
+ Cải tạo nâng điện áp, công suất 134
trạm biến áp với tổng công suất 31.515 kVA.
+ Xây dựng mới 245 km đường dây 35
kV; 54 km đường dây 22 kV; cải tạo 177 km đường dây trung
áp;
- Giai đoạn 2021-2025:
+ Xây dựng mới 415 trạm biến áp
35/0,4 kV với tổng công suất 103.615 kVA;
+ Xây dựng mới 102 trạm biển áp
22(10)/0,4 kV với tổng công suất 54.440 kVA;
+ Cải tạo nâng điện áp, công suất 36
trạm biến áp với tổng công suất 6.760 kVA;
+ Xây dựng mới 182 km đường dây 35
kV; 38 km đường dây 22 kV; cải tạo 58 km đường dây trung áp;
b) Lưới điện phân phối hạ áp và công
tơ
- Giai đoạn 2016-2020
+ Xây dựng mới 586 km; cải tạo 67 km
đường dây hạ áp;
+ Lắp mới 15.000 công tơ.
- Giai đoạn 2021-2025:
+Xây dựng mới 569 km; cải tạo 88 km
đường dây hạ áp;
+ Lắp mới 18.000 công tơ.
III. CƠ CHẾ VÀ NGUỒN
VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG LƯỚI ĐIỆN
1. Cơ chế
huy động vốn đầu tư
a) Tổng công ty Điện lực miền Bắc,
Công ty Điện lực Yên Bái đầu tư lưới điện 110kV, lưới điện trung áp, hạ áp đến
công tơ cho các khách hàng sử dụng điện; Đầu tư lưới điện đến chân hàng rào đối
với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch, các trung tâm thương mại
dịch vụ tổng hợp quy mô lớn.
b) Lưới hạ áp được huy động một phần
từ các nguồn vốn hợp pháp khác.
c) Đường dây ra sau công tơ cấp điện
đến từng hộ do vốn đóng góp của khách hàng.
2. Tổng hợp vốn đầu tư
Theo tính toán tổng vốn đầu tư cho việc xây dựng và cải tạo lưới điện trung và hạ áp tỉnh
Yên Bái đến năm 2025 là 1.490 tỷ đồng.
Trong đó:
- Vốn đầu tư cải tạo và phát triển lưới
điện trung áp là: 1.033 tỷ đồng;
- Vốn đầu tư cải tạo và phát triển lưới
điện hạ áp là: 457 tỷ đồng;
IV. GIẢI PHÁP QUẢN
LÝ, THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Quản lý quy hoạch
a) Sở Công Thương chủ trì, thực hiện
chức năng quản lý nhà nước về Quy hoạch phát triển các công trình điện trên địa
bàn theo Luật Điện lực, Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Công Thương và
các văn bản hiện hành.
b) Sở Tài nguyên và Môi trường bố trí
dự trữ quỹ đất và tiến hành thủ tục bổ sung quy hoạch sử dụng đất đối với phần đất để xây dựng các công trình lưới điện trung, hạ áp
đến năm 2025 đã được phê duyệt.
c) Sở Tài chính phối hợp với các đơn
vị có liên quan xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ bù chênh lệch lãi suất để
ngành điện vay vốn đầu tư phát triển lưới điện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt
khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, vùng khuyến khích chăn nuôi tập trung, vùng sản
xuất nông nghiệp tập trung được cấp thẩm quyền phê duyệt.
2. Thực hiện quy hoạch
a) Sở Công Thương phối hợp với Công
ty Điện lực Yên Bái tiến hành các thủ tục công bố Quy hoạch phát triển điện lực
tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035 (Hợp phần II: Quy hoạch
chi tiết lưới điện trung và hạ áp sau các trạm 110kV) đã được phê duyệt theo
các quy định hiện hành.
b) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố: Quản lý và tổ chức thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt, bố trí
quỹ đất cho các công trình điện theo quy hoạch.
c) Công ty Điện lực Yên Bái căn cứ
vào nội dung quy hoạch được duyệt, cân đối nguồn vốn và đưa vào kế hoạch hàng
năm để triển khai thực hiện quy hoạch.
d) Sở Công Thương có trách nhiệm theo
dõi, kiểm tra, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện quy hoạch.
Trong quá trình thực hiện có vướng mắc,
giao Sở Công Thương tổng hợp, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh xem
xét, xử lý.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế
hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND các huyện,
thị xã, thành phố; Giám đốc Công ty Điện lực Yên Bái và các tổ chức, cá nhân có
liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Công Thương;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Chánh, phó Văn phòng UBND tỉnh;
- Báo Yên Bái, đài PT-TH tỉnh,
CTTĐT tỉnh;
- Lưu: VT
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Tạ Văn Long
|