Kế hoạch 222/KH-UBND năm 2020 về phát triển điện lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 222/KH-UBND
Ngày ban hành 18/11/2020
Ngày có hiệu lực 18/11/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Văn Sửu
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 222/KH-UBND

Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2021-2025.

Thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Kế hoạch số 206-KH/TU ngày 16/9/2020 của Thành ủy Hà Nội triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị và các văn bản quy định hiện hành, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch phát triển điện lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô và hội nhập kinh tế quốc tế, cung ứng đủ điện cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh và nhu cầu sử dụng điện của nhân dân, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

- Phát triển hệ thống điện Thành phố đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định, chất lượng và tin cậy, đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội; ngành điện Thủ đô được xây dựng theo hướng văn minh, hiện đại, tích cực hội nhập, xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô Hà Nội và nằm trong nhóm những Thành phố có chất lượng và dịch vụ điện năng tốt nhất khu vực ASEAN.

- Kết hợp hài hòa giữa mục tiêu cấp điện phục vụ quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô song hành với bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị xanh và triển khai các chính sách an sinh xã hội phù hợp với từng thời kỳ phát triển; Đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ, tìm tòi, đổi mới sáng tạo trong việc tìm kiếm, sử dụng những nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo phù hợp với đặc thù riêng của Thành phố góp phần đa dạng hóa nguồn cấp điện, giảm thiểu ô nhiễm môi trường hướng đến mục tiêu phát triển nền kinh tế bền vững.

- Tạo mọi điều kiện để các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện, tham gia thị trường bán điện cạnh tranh không phân biệt thành phần kinh tế; Tạo dựng môi trường kinh doanh điện cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, cơ chế giá cả tuân thủ theo sự điều tiết của thị trường có sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.

II. CÁC CHỈ TIÊU CỤ THỂ

1. Phấn đấu đạt các chỉ tiêu về cung cấp điện đến năm 2025 như sau:

- Sản lượng điện thương phẩm: khoảng 29.900 triệu kWh.

- Điện năng thương phẩm bình quân đầu người: khoảng 3.000kWh/người/năm.

- Tỷ lệ tổn thất điện năng: dưới 3,55%.

- Chỉ số thời gian mất điện bình quân lưới điện trung áp: dưới 150 phút.

2. Tỷ lệ các trạm biến áp cấp điện áp 110kV vận hành không người trực điều khiển từ xa đạt 100% và tiếp tục ngầm hóa đường dây điện cao, trung, hạ áp tại các quận nội thành.

3. Thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử tiến tới áp dụng đồng bộ hệ thống đo xa tự động. Bán kính cấp điện tại khu vực đô thị không quá 250m, khu vực nông thôn, vùng núi không quá 600m.

4. Tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch phát triển điện lực đã được phê duyệt giai đoạn 2021-2025 và các công trình chuyển tiếp từ giai đoạn trước đạt mục tiêu lưới điện truyền tải, phân phối vận hành theo tiêu chí mạch vòng (n-1), đối với những phụ tải quan trọng dự phòng (n-2), đường dây mang tải ở mức 60% - 80%.

5. Chuyển đổi cơ bản cấp điện áp trung gian về 22kV để đồng bộ thiết bị vận hành, giảm tổn thất năng lượng. Chú trọng đến chất lượng điện năng khu vực nông thôn không ngừng được cải thiện đạt mức độ an toàn, ổn định phục vụ cuộc sống người dân.

6. Tiếp tục tăng cường các giải pháp quản lý, giảm thiểu các trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, phấn đấu đạt trên 30% hàng năm tỷ lệ giảm thiểu các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, không để tái diễn hay phát sinh mới các vi phạm nhất là tại địa bàn các huyện đang phát triển nhanh chuẩn bị chuyển đổi thành quận trong thời gian sắp tới để đến năm 2025 không còn các điểm vi phạm hành lang lưới điện trên địa bàn Thành phố.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Công tác đầu tư xây dựng phát triển lưới điện:

- Đôn đốc, hướng dẫn Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội và các tổ chức kinh doanh điện khác trên địa bàn Thành phố thực hiện đầu tư xây dựng công trình điện theo Quy hoạch, Kế hoạch phát triển điện lực được phê duyệt có xét đến sự đồng bộ với Kế hoạch đầu tư các dự án sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước đảm bảo cấp điện cho người dân Thủ đô theo nguyên tắc giữ vững an ninh năng lượng là điểm tựa cho sự phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế khác và điện năng luôn đi trước một bước, tuyệt đối không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.

- Tăng cường các giải pháp đảm bảo cấp điện kịp thời để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế sau Covid-19. Giữ vững và tiếp tục cải thiện, các chỉ số cung cấp điện góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố và phục vụ tổ chức thành công các sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa - xã hội trên địa bàn.

- Trên cơ sở Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền để tổ chức triển khai lập nội dung phương án phát triển mạng lưới cấp điện tích hợp trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô giai đoạn tiếp theo dựa trên đánh giá toàn diện, đầy đủ về hiện trạng hệ thống điện và tình hình thực hiện các Quy hoạch phát triển điện lực của Thành phố thời gian qua; kiểm tra, rà soát những yếu tố chính liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng công trình điện lực như địa điểm, quy mô, khối lượng, phương thức đấu nối cho phù hợp, trường hợp cần thiết đề xuất điều chỉnh nhằm bám sát thực tế.

- Đánh giá, rà soát chu kỳ 05 năm “Quy hoạch phát triển điện lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035” theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012, Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực và Thông tư số 43/2013/TT-BCT ngày 31/12/2013 của Bộ Công Thương về việc ban hành quy định về nội dung, trình tự, thủ tục lập và thẩm định quy hoạch phát triển điện lực.

- Đánh giá Quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn hàng năm để tổng kết kết quả, tác động và ảnh hưởng của việc thực hiện Quy hoạch, nhất là nhu cầu cấp điện tại các địa bàn tập trung nhiều khu cụm công nghiệp, khu đô thị, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí,... có mức tiêu thụ năng lượng cao, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động triển khai quy hoạch trong kỳ hoặc kỳ điều chỉnh quy hoạch tiếp theo.

2. Công tác đảm bảo an toàn điện:

- Giám sát, hướng dẫn Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội, các tổ chức kinh doanh bán lẻ điện khác duy trì tốt công tác kiểm tra, rà soát hệ thống lưới điện thuộc phạm vi quản lý nhằm kịp thời phát hiện, khắc phục các điểm vi phạm hành lang lưới điện, những tồn tại kỹ thuật xuất hiện trên lưới và có giải pháp thay thế, sửa chữa trang thiết bị đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện nhất là tại các địa bàn nông thôn, khu vực tiếp nhận lưới điện bàn giao đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong cấp phép thi công đào hè đường, nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng để giảm thiểu suất sự cố điện do vi phạm an toàn điện trong thi công xây dựng, quản lý vận hành chung cư.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ