Quyết định 2466/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng Khu Du lịch Văn hóa - Sinh thái núi Trường Lệ, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020

Số hiệu 2466/QĐ-UBND
Ngày ban hành 16/07/2013
Ngày có hiệu lực 16/07/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Nguyễn Đức Quyền
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2466/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 16 tháng 07 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG RỪNG ĐẶC DỤNG KHU DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA NÚI TRƯỜNG LỆ ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004;

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học năm 2008;

Căn cứ Nghị định 23/2006/NĐ-CP, ngày 03/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về thi hành Luật bảo vệ và Phát triển rừng; Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 về việc ban hành Quy chế quản lý rừng; số 57/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 về “Phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020”; số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ các Quyết định của Bộ Nông nghiệp và PTNT: Số 104/QĐ-BNN ngày 27/12/2007 về việc ban hành Quy chế quản lý các hoạt động du lịch sinh thái tại các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên; số 2370/2008/QĐ-BNN-KL ngày 05/8/2008 về việc phê duyệt Đề án về chương trình đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam giai đoạn 2008-2020; Thông tư số 78/2011/TT-BNNPTNT ngày 11/11/2011 về việc quy định chi tiết thi hành Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ;

Căn cứ các Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa: Số 254/QĐ-UB ngày 24/01/2005 về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu Du lịch Văn hóa - Sinh thái núi Trường Lệ, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa; số 2755/2007/QĐ-UBND ngày 12/09/2007 về việc phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng tỉnh Thanh Hóa; số 3550/QĐ-UBND ngày 27/10/2011 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; số 4364/QĐ-UBND ngày 28/12/2011 về việc phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011-2020; số 2065/QĐ-UBND ngày 04/7/2012 về việc phê duyệt Đề cương Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng Khu Di tích lịch sử văn hóa (DTLSVH) núi Trường Lệ, thị xã Sầm Sơn đến năm 2020;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 99/TTr-SNN&PTNT ngày 12/6/2013 về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng Khu DTLSVH núi Trường Lệ, thị xã Sầm Sơn đến năm 2020. Kèm theo Văn bản số 762/TCLN-BTTN ngày 28/5/2013 của Tổng cục Lâm nghiệp về việc góp ý báo cáo quy hoạch các khu rừng đặc dụng tỉnh Thanh Hóa; Biên bản họp Hội đồng thẩm định, ngày 11/4/2013 và hồ sơ liên quan,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng Khu DTLSVH núi Trường Lệ, thị xã Sầm Sơn đến năm 2020, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Tên dự án: Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng Khu DTLSVH núi Trường Lệ, thị xã Sầm Sơn đến năm 2020.

2. Chủ quản đầu tư: UBND tỉnh Thanh Hóa.

3. Chủ đầu tư: Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Dịch vụ du lịch Sầm Sơn.

4. Phạm vi xây dựng quy hoạch: Phạm vi rừng đặc dụng Khu DTLSVH núi Trường Lệ, thị xã Sầm Sơn, diện tích 138,91 ha (được xác định tại Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 13/6/2012 của UBND tỉnh).

5. Mục tiêu quy hoạch:

5.1. Mục tiêu chung.

Quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng Khu DTLSVH núi Trường Lệ gắn với việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, lịch sử văn hóa, cảnh quan và môi trường; làm cơ sở cho việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng rừng đặc dụng; huy động sự tham gia rộng rãi của cộng đồng, các tổ chức trong và ngoài nước vào hoạt động bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng, góp phần tạo cho Khu du lịch Sầm Sơn một sức thu hút mới để phát triển thành một đô thị du lịch biển hoạt động bốn mùa.

5.2. Mục tiêu cụ thể.

a. Giai đoạn 2013-2015.

- Quản lý, bảo vệ Khu DTLSVH núi Trường Lệ đảm bảo phát triển bền vững, bảo tồn di tích, phát triển du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án đầu tư bảo vệ rừng, bảo tồn và tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử, các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với không gian và cảnh quan; tăng cường nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu cho các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn di tích.

- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng.

- Thực hiện các chính sách về đầu tư phát triển rừng đặc dụng; tạo sinh kế nâng cao đời sống của người dân; thực hiện liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về nghiên cứu, bảo vệ và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

- Phát huy thế mạnh, tiềm năng của tài nguyên rừng và cảnh quan thiên nhiên, lợi thế về vị trí địa lý, các di tích văn hóa lịch sử trong vùng để phát triển các điểm du lịch sinh thái, tạo việc làm, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân.

[...]