Quyết định 2374/QĐ-BNN-QLCL ban hành Đề án tăng cường quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 2374/QĐ-BNN-QLCL
Ngày ban hành 21/08/2009
Ngày có hiệu lực 21/08/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Đức Phát
Lĩnh vực Thương mại,Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------

Số: 2374/QĐ-BNN-QLCL

Hà Nội, ngày 21 tháng 08 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM THỦY SẢN ĐẢM BẢO VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án tăng cường quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Quan điểm và mục tiêu phát triển

1.1. Quan điểm

1.1.1. Đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và hội nhập kinh tế quốc tế.

1.1.2. Quản lý chất lượng, VSATTP là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thông qua phối hợp liên ngành và tổ chức chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, sự tham gia tích cực của người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.

1.1.3. Quản lý chất lượng, VSATTP nông lâm thủy sản phải thực hiện theo nguyên tắc kiểm soát toàn bộ quá trình “từ trang trại tới bàn ăn”; kiểm soát chặt chẽ công đoạn có nguy cơ, nguy cơ cao trong toàn bộ quy trình sản xuất và cung cấp nông lâm thủy sản.

1.1.4. Hệ thống cơ quan quản lý chất lượng, VSATTP đảm bảo tính chuyên trách, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Chuyển hướng mạnh mẽ từ quản lý – tác nghiệp sang quản lý vĩ mô ở cấp Trung ương; đẩy mạnh phân công, phân cấp và nâng cao vai trò quản lý cấp địa phương.

1.1.5. Huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế. Phát huy vai trò của khu vực tư nhân và các hiệp hội ngành, nghề tham gia công tác hoạt động đảm bảo chất lượng, VSATTP. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động dịch vụ kỹ thuật, tư vấn, đánh giá, chứng nhận chất lượng, VSATTP nông lâm thủy sản.

1.2. Mục tiêu

1.2.1. Mục tiêu chung:

Hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật tăng cường năng lực thực thi pháp luật của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước đảm bảo hiệu lực và hiệu quả quản lý chất lượng, VSATTP nông lâm thủy sản nhằm góp phần phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, cung cấp nguồn thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn cho thị trường nội địa và xuất khẩu, thực hiện đúng các cam kết về TBT/SPS trong quá trình gia nhập WTO của Việt Nam.

1.2.2. Mục tiêu cụ thể đến 2015:

(1) Hoàn thiện cơ bản hệ thống văn bản QPPL quản lý chất lượng, đảm bảo VSATTP nông lâm thủy sản theo hướng hài hòa với quy định quốc tế.

(2) Hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy và đầu tư năng lực cho cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng, VSATTP nông lâm thủy sản cấp trung ương, cấp tỉnh và một số huyện thí điểm.

(3) Tăng cường quản lý chất lượng, đảm bảo VSATTP ở tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất:

- 80% các tỉnh, thành phố phê duyệt và triển khai quy hoạch và đảm bảo điều kiện cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất thực phẩm an toàn (tập trung vào đối tượng rau, chè, thịt và thủy sản tiêu thụ nội địa).

- 40 – 50% cơ sở nuôi/vùng nuôi thâm canh, 15% cơ sở nuôi/vùng nuôi quảng canh được công nhận BMP/GaqP/CoC (Quy chuẩn thực hành quản lý tốt/Quy phạm thực hành nuôi thủy sản tốt/Quy tắc nuôi thủy sản có trách nhiệm). 100% vùng nuôi thủy sản chủ lực, tập trung có sản lượng hàng hóa lớn phục vụ cho chế biến công nghiệp; 70% vùng nuôi nhỏ lẻ được giám sát dư lượng hóa chất độc hại. 45 – 50% diện tích sản xuất rau, chè áp dụng ViệtGAP (Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt).

- 80% cảng cá, tàu cá từ 90CV trở lên, cơ sở sản xuất nước đá độc lập phục vụ chế biến thủy sản cơ sở thu mua nguyên liệu, cơ sở sơ chế nông lâm thủy sản đạt tiêu chuẩn TCVN về ATVS thú y, VSAT thực phẩm và áp dụng các chương trình đảm bảo ATVSDB (GMP, SSOP) (Quy phạm thực hành sản xuất tốt, Quy phạm vệ sinh chuẩn).

- 70% cơ sở chế biến nông sản, 100% cơ sở chế biến thủy sản thực phẩm quy mô công nghiệp áp dụng quản lý chất lượng theo HACCP (Chương trình Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn), GMP, GHP (Quy phạm thực hành vệ sinh tốt), đáp ứng TCVN về vệ sinh an toàn thực phẩm.

(4) Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của tất cả các đối tượng liên quan, từ người quản lý, nhà sản xuất (lưu thông phân phối, buôn bán nông sản phẩm), đến người tiêu dùng về tầm quan trọng, kiến thức, phương pháp luận và thông tin đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. 90% cán bộ quản lý và kỹ thuật được tuyển dụng, đào tạo đạt tiêu chuẩn chức danh. 90% cơ sở sản xuất kinh doanh, 80-90% nông dân, ngư dân tham gia sản xuất hàng hóa thực phẩm nông lâm thủy sản được cập nhật các thông tin, kiến thức về đảm bảo chất lượng và VSATTP.

(5) Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế và đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động tổng thể các nguồn lực cho công tác quản lý chất lượng, VSATTP.

1.2.3. Định hướng đến 2020:

(1) Hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL quản lý chất lượng, đảm bảo VSATTP nông lâm thủy sản đồng bộ và hài hòa với quy định quốc tế.

[...]