Quyết định 2311/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch điểm đấu nối với Quốc lộ qua địa bàn tỉnh Hải Dương

Số hiệu 2311/QĐ-UBND
Ngày ban hành 10/09/2015
Ngày có hiệu lực 10/09/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Nguyễn Mạnh Hiển
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2311/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 10 tháng 9 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CÁC ĐIỂM ĐẤU NỐI VỚI CÁC QUỐC LỘ QUA ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18/5/2011 của Bộ Giao thông vận tải về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Văn bản số 3403/TCĐBVN-ATGT ngày 02/7/2015 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc thoả thuận quy hoạch các điểm đấu nối vào quốc lộ qua địa phận tỉnh Hải Dương;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 1027/TTr-SKHĐT-QHTH ngày 19/8/2015 và Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 1616/TTr-SGTVT ngày 20/7/2015,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt Quy hoạch các điểm đấu nối với các Quốc lộ qua địa bàn tỉnh Hải Dương, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Tên quy hoạch: Quy hoạch các điểm đấu nối với các Quốc lộ qua địa bàn tỉnh Hải Dương.

2. Cơ quan chủ trì lập quy hoạch: Sở Giao thông vận tải Hải Dương

3. Đơn vị tư vấn lập quy hoạch: Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng hạ tầng 808

4. Đối tượng, phạm vi quy hoạch

Quy hoạch các điểm đấu nối và đường gom trên các tuyến Quốc lộ 5, 18, 37, 38 và Quốc lộ 38B đi qua địa bàn tỉnh Hải Dương.

Phạm vi không quy hoạch bao gồm một số đoạn thuộc nội thành, nội thị và Quốc lộ 10 do chiều dài đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh Hải Dương ngắn (1km). Riêng Quốc lộ 38 và 38B hướng tuyến khảo sát, lập quy hoạch theo hướng tuyến mới đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư xây dựng (tránh thị trấn Kẻ Sặt và tránh thị trấn Thanh Miện), cụ thể như sau:

STT

Tên Quốc lộ

Chiều dài Quốc lộ qua địa bàn tỉnh (km)

Chiều dài đoạn quy hoạch (km)

Chiều dài đoạn nội thành, nội thị không quy hoạch (km)

Ghi chú

1

Quốc lộ 5

44,11

30,49

13,620

Nội thành

TP Hải Dương (Km46+000 - Km59+620)

2

Quốc lộ 18

19,87

15,77

4,10

Nội thị thị xã

Chí Linh (Km35+400 - Km39+500)

3

Quốc lộ 37

64,73

50,965

13,765

Nội thành TP Hải Dương (Km54+335 - Km62+000) + nội thị thị xã Chí Linh (Km78+200 - Km84+300)

4

Quốc lộ 38

14,34

14,34

0

 

5

Quốc lộ 38B

19,64

19,64

0

 

Tổng cộng

162,69

131,205

31,485

 

5. Phương án quy hoạch

5.1. Nguyên tắc bố trí đường gom và các vị trí đấu nối vào Quốc lộ

a) Nguyên tắc đấu nối đường nhánh với Quốc lộ

Nguyên tắc đấu nối đường nhánh với Quốc lộ được xác định theo thứ tự ưu tiên cấp đường, các điểm giao cắt đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt làm điểm khống chế để xác định các điểm đầu nối khác và đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các điểm đấu nối theo quy định tại Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18/5/2011 của Bộ Giao thông vận tải; chỉ cho phép đấu nối với khoảng cách nhỏ hơn quy định đối với các điểm giao cắt giữa Quốc lộ với Quốc lộ, đường tỉnh, trạm dừng nghỉ đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, đường vào khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các vị trí đấu nối khác được đấu nối thông qua hệ thống đường gom.

b) Nguyên tắc bố trí đường gom và quy mô đường gom

* Nguyên tắc bố trí đường gom:

- Đường gom các dòng giao thông từ các tuyến nhánh (mà không được phép nối trực tiếp với Quốc lộ) để nhập vào Quốc lộ tại vị trí đấu nối thích hợp đảm bảo an toàn giao thông. Vị trí đường gom bố trí phù hợp với mặt bằng thực tế; khi đủ điều kiện qua các khu vực có đủ quỹ đất thì đường gom hoàn chỉnh phải bố trí nằm ngoài hành lang an toàn giao thông (HLAT) của tuyến chính.

- Trường hợp khó khăn về mặt bằng, phần đất ngoài hành lang, không đảm bảo phạm vi để bố trí đường gom (khối lượng giải phóng mặt bằng lớn; ảnh hưởng đến các công trình tôn giáo, kiến trúc, di tích,…) thì cho phép đặt đường gom nằm trong hành lang an toàn đường bộ hoặc xây dựng đường bên (như là một bộ phận của đường chính và thay thế làn xe thô sơ theo TCVN 4054-2005) sát với mặt đường chính. Khi đó HLAT được tính từ mép ngoài cùng của đường bên này.

* Quy mô đường gom: Tùy theo lưu lượng, đường gom được thiết kế 01đến 02 làn xe cơ giới theo tiêu chuẩn thiết kế công trình giao thông. Trường hợp hạn chế về mặt bằng và lưu lượng xe ít thì có thể thiết kế 1 làn xe và có điểm tránh xe cách nhau không quá 300m. Đường gom kết hợp phục vụ công nghiệp và dân cư phải có hè phố như đường đô thị.

[...]