Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 2311/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt đề án củng cố, khôi phục và phát triển làng nghề, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh Quảng Trị đến năm 2020

Số hiệu 2311/QĐ-UBND
Ngày ban hành 27/11/2012
Ngày có hiệu lực 27/11/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Trị
Người ký Nguyễn Đức Cường
Lĩnh vực Thương mại,Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2311/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 27 tháng 11 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CỦNG CỐ, KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ, NGÀNH NGHỀ TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TỈNH QUẢNG TRỊ ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 14 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công;

Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 911/QĐ-UBND ngày 18 tháng 5 năm 2011 của UBND tỉnh về việc công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 780/TTr-SCT ngày 30 tháng 10 năm 2012 về việc phê duyệt Đề án củng cố, khôi phục và phát triển làng nghề, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh Quảng Trị đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án củng cố, khôi phục và phát triển làng nghề, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

- Củng cố, khôi phục và phát triển làng nghề, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn; khai thác các tiềm năng sẵn có nhằm ổn định và phát triển các làng nghề, ngành nghề TTCN theo cơ chế thị trường, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế;

- Phát triển làng nghề, ngành nghề TTCN phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các địa phương; phù hợp với phát triển nông nghiệp, nông thôn Quảng Trị theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần nâng cao đời sống nhân dân khu vực nông thôn;

- Khôi phục, phát triển làng nghề, ngành nghề TTCN phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới; bảo tồn, phát huy các truyền thống văn hóa của từng địa phương;

- Nâng cao năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa sản phẩm, kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ truyền thống và tiên tiến, gắn hoạt động sản xuất của làng nghề, ngành nghề TTCN với hoạt động du lịch - dịch vụ;

- Huy động mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề TTCN;

- Nghiên cứu du nhập các ngành nghề TTCN phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa và con người của địa phương;

- Phát triển làng nghề, ngành nghề TTCN gắn với các hoạt động xúc tiến thương mại và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu đến năm 2015

- Tỷ trọng kinh tế làng nghề, ngành nghề nông thôn đạt 25 - 30% trong kinh tế nông thôn;

- Tổng giá trị sản xuất làng nghề, ngành nghề TTCN đạt 300 - 350 tỷ đồng;

- Tạo việc làm cho trên 10.000 lao động nông thôn, nâng thu nhập bình quân cho lao động ngành nghề nông thôn đạt 20 - 25 triệu đồng/người/năm;

- Tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 30 - 33%;

- Đến năm 2015, tỷ lệ cơ giới hóa (đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị phục vụ một số khâu sản xuất) đạt 25 - 30%;

- Xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường các cơ sở sản xuất, làng nghề (đặc biệt là các ngành nghề chế biến nông - lâm - thủy sản và thực phẩm);

[...]