ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH AN GIANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2281/QĐ-UBND
|
An Giang, ngày
28 tháng 7 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT NUÔI, CHẾ BIẾN CÁ TRA TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương
ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày
07/9/2006 và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi,
bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ
về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ
trình số 150/TTr-SKHĐT ngày 24 tháng 7 năm 2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chi tiết nuôi, chế biến cá tra trên địa
bàn tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, với những nội dung
chủ yếu sau:
1. Quan điểm
1.1. Phát triển nuôi, chế biến cá tra trên cơ sở quán triệt các chủ trương, định hướng của Trung ương, của tỉnh,
phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của các địa
phương, phù hợp với Nghị định số 55/2017/NĐ-CP và quy hoạch nuôi, chế biến cá
tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 (Quyết định số
3885/QĐ-BNN-TCTS). Phát triển nuôi,
chế biến cá tra theo định hướng thị trường, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất
với chế biến và tiêu thụ theo hướng hiện đại hóa tạo sản phẩm có khả
năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất
khẩu.
1.2. Phát triển
nuôi, chế biến cá tra phải trên cơ sở áp dụng công nghệ cao, trước hết
phải thực hiện quy trình sản xuất theo hướng thực hành nuôi tốt (GAP,
VietGAP), tạo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. Gắn phát triển nuôi,
chế biến cá tra với việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về điều
kiện nuôi, chất lượng, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường, đảm bảo
hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, cá nhân, tổ chức nuôi cá, doanh
nghiệp chế biến xuất khẩu và Nhà nước.
2. Mục tiêu
2.1. Mục
tiêu chung: Nhằm khai thác và sử
dụng hiệu quả một phần tài nguyên đất đai, mặt nước của tỉnh, đặc biệt là tận dụng tối đa những diện tích đã
đào ao sẵn để khôi phục và phát
triển nghề nuôi, chế biến cá tra thành ngành sản xuất hàng hóa lớn,
theo hướng tập trung, được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, đảm bảo hiệu quả, bền vững và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất
nguồn gốc, giải quyết thêm công
ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương.
2.2. Mục
tiêu cụ thể
- Diện tích mặt
nước nuôi cá tra đến năm 2025 đạt 1.000 ha (công nghệ cao 30 ha), tăng lên đạt
1.430 ha (180 ha nuôi công nghệ cao vào năm 2030). Tốc độ tăng bình quân diện
tích đạt 4,1%/năm giai đoạn 2017-2025 và đạt 3,6% giai đoạn 2026-2030;
- Tổng sản lượng
cá tra nuôi đến năm 2025 đạt 300.960 tấn, đến năm 2030 đạt 472.500 tấn. Tốc độ
tăng trưởng bình quân sản lượng cá tra nuôi trong giai đoạn 2017-2025 là
1,7%/năm và giai đoạn 2026-2030 là 9,4%/năm;
- Sản lượng chế
biến cá tra năm 2020 đạt 170.000 tấn, năm 2030 đạt 220.000 tấn, trong đó xuất
khẩu chiếm 95% sản lượng.
- Kim ngạch xuất
khẩu cá tra đến năm 2025 đạt 380 triệu USD và năm 2030 đạt 600 triệu USD, với tốc
độ tăng bình quân giai đoạn 2017-2025 là 4,6%/năm và giai đoạn 2026-2030 là
9,6%/năm.
- Thu hút một
lực lượng lao động nuôi và chế biến cá tra đạt 28.500 lao động năm 2025 và năm
2030 là khoảng 38.000 lao động.
3. Định hướng phát triển
3.1. Định
hướng quy hoạch nuôi cá tra
a) Diện
tích, sản lượng và giá trị sản xuất nuôi cá tra
- Tổng diện tích mặt nước nuôi cá tra thương
phẩm trên địa bàn tỉnh An Giang đến
năm 2025 là 1.000 ha, và đạt 1.430 ha vào
năm 2030 tập trung ven
sông Hậu và sông Tiền, cù lao thuộc các huyện: Chợ Mới, Châu Phú, Thoại Sơn,
Châu Thành, Phú Tân, An Phú, Châu Đốc, Tân Châu và thành phố Long Xuyên. (không
quy hoạch các vùng nuôi huyện Tri Tôn và Tịnh Biên). Diện tích nuôi
cá tra ứng dụng công nghệ cao phát triển thử nghiệm 30 ha mặt nước nuôi công
nghệ cao vào năm 2025 và phấn đấu đạt chỉ tiêu 180 ha vào năm 2030, tại thành
phố Long xuyên, thị xã Tân Châu và các huyện Châu Thành, Châu Phú, Chợ Mới, Phú
Tân và Thoại Sơn.
- Tổng sản lượng
cá tra nuôi đến năm 2025 đạt 300.960 tấn, đến năm 2030 đạt 472.500 tấn. Tốc độ
tăng trưởng bình quân sản lượng cá tra nuôi trong giai đoạn 2017-2025 là
1,7%/năm và giai đoạn 2026-2030 là 9,4%/năm; Giá trị sản xuất cá tra nuôi
thương phẩm theo giá hiện hành đạt 7.073 tỷ đồng vào năm 2025 và tăng lên đạt
13.703 tỷ đồng vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3,1% trong
giai đoạn 2017-2030.
b) Lao động nuôi
cá tra
Đến năm 2025,
tổng nhu cầu lao động nuôi cá tra cần 2.500 người và tăng lên 4.000 người vào
năm 2030; phấn đấu trung bình cứ 10 ha
có một cán bộ kỹ thuật trình độ trung cấp trở lên; lao động kỹ thuật làm nhiệm
vụ tư vấn, kiểm tra, kiểm soát thực hiện các quy trình nuôi theo tiêu chuẩn, và
đề xuất xử lý kịp thời các sự cố về môi trường, dịch bệnh.
c) Quy
hoạch diện tích nuôi cá tra theo địa phương
- Thành phố
Long Xuyên: Diện tích nuôi cá tra Thành phố Long Xuyên đạt 340 ha
mặt nước năm 2030, tại các phường Bình Đức, Mỹ Thới, Mỹ Thạnh, Mỹ Hòa và xã Mỹ
Hòa Hưng (có 30 ha mặt nước nuôi công nghệ cao vào năm 2030).
- Huyện Châu
Thành: Đến năm 2025, diện tích mặt nước nuôi cá tra huyện Châu
Thành đạt 155 ha với 5 ha mặt nước nuôi công nghệ cao và tăng lên đạt 30 ha
nuôi vào năm 2030.
- Huyện Châu
Phú: Diện tích mặt nước nuôi cá tra trên địa bàn huyện Châu Phú đạt 190 ha vào
năm 2025 với 5 ha mặt nước nuôi công nghệ cao tại xã Bình Thủy. Và tăng lên đạt
200 ha mặt nước nuôi với 30 ha nuôi công nghệ cao vào năm 2030.
- Huyện Chợ Mới:
Đến năm 2025, diện tích mặt nước nuôi cá tra trên địa bàn huyện đạt 215 ha với
5 ha mặt nước nuôi công nghệ cao và tăng lên đạt 290 ha với 30 ha mặt nước nuôi
công nghệ cao.
- Huyện Phú Tân:
Diện tích mặt nước nuôi cá tra trên địa bàn huyện đạt 110 ha năm 2025 (với 2 ha
nuôi công nghệ cao) và tăng lên đạt 180 ha vào năm 2030 (có 5 ha mặt nước nuôi
công nghệ cao).
- Huyện Thoại
Sơn: Diện tích mặt nước nuôi cá tra huyện Thoại Sơn đạt 125 ha với 3 ha nuôi
công nghệ cao vào năm 2025 và tăng lên đạt 135 ha vào năm 2030 với 5 ha nuôi
công nghệ cao.
- Thành phố
Châu Đốc: Đến năm 2025, diện tích mặt nước nuôi cá tra trên địa bàn thành phố đạt
20 ha và tăng lên đạt 25 ha vào năm 2030, không phát triển diện tích nuôi công
nghệ cao.
- Huyện An
Phú: Đến năm 2025, diện tích mặt nước nuôi cá tra trên địa bàn huyện An Phú đạt
30 ha và duy trì đến năm 2030, không phát triển diện tích nuôi công nghệ cao.
- Thị xã Tân
Châu: Đến năm 2025, diện tích mặt nước nuôi cá tra trên địa bàn thị xã đạt 25
ha với 5 ha mặt nước nuôi công nghệ cao, tập trung chủ yếu ở xã Vĩnh Hòa và
tăng lên đạt 75 ha mặt nước (với 30 ha nuôi công nghệ cao) vào năm 2030.
3.2. Định
hướng quy hoạch chế biến và tiêu thụ cá tra
a) Sản
lượng chế biến và cơ cấu mặt hàng
Tổng sản lượng
chế biến năm 2025 đạt 170 ngàn tấn, năm 2030 đạt 220 ngàn tấn. Cơ cấu sản lượng
chế biến hướng mạnh vào xuất khẩu với tỷ trọng trên 95%, tiêu thụ nội địa từ
10-15 ngàn tấn mỗi năm. Giá trị xuất khẩu năm 2025 đạt 380 triệu USD và con số
này năm 2030 là khoảng 600 triệu USD. Việc tăng giá trị xuất khẩu dựa trên gia
tăng tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng cũng như đơn giá bán bình quân các mặt
hàng. Theo đó, tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng đạt từ 8-10% năm 2025 và từ
15-20% vào năm 2030.
b) Cơ cấu
thị trường và giá trị xuất khẩu cá tra
- ASEAN: Đến
năm 2025, giá trị xuất khẩu cá tra của tỉnh vào ASEAN đạt 64 triệu USD, năm
2030 là 89 triệu USD;
- Trung
Quốc: Dự báo xuất khẩu cá tra của
An Giang sang thị trường này đạt 14 ngàn tấn (31 triệu USD) năm 2025 và đạt 25
ngàn tấn (60 triệu USD) năm 2030;
- EU:
Phấn đấu xuất khẩu vào EU đạt
23.000 tấn (60 triệu USD) năm 2025 và đạt 26 ngàn tấn (91 triệu USD) năm 2030;
- Braxin:
Thị trường này có thể đạt được 18 triệu USD năm 2025 và đạt 30 triệu USD năm
2030; Mỹ:
- Phấn đấu thị
trường Mỹ đạt 3 ngàn tấn (9 triệu USD) năm 2025 và đạt 5 ngàn tấn (18
triệu USD) vào năm 2030;
- Nga,
Ucraina: Nhu cầu nhập khẩu cá tra của thị trường Nga và Ucraina được dự
báo chiếm tỷ trọng xuất khẩu chỉ ở mức từ 0,6-0,7%;
- Thị
trường khác: Đến năm 2030, dự báo tỷ trọng xuất khẩu cá tra của
tỉnh vào thị trường khác chiếm khoảng trên 50%.
c) Quy
hoạch lao động chế biến cá tra
Căn cứ trên
nhu cầu phát triển năng lực chế biến, nhu cầu về lao động đến năm 2025 là khoảng
26 ngàn người, năm 2030 là 34 ngàn người. Để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành
chế biến cá tra theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi đội ngũ lao động
phải được đào tạo chính quy (50-80%) thay vì chỉ tập huấn ngắn hạn hoặc truyền
nghề tại chỗ như hiện nay, nhằm trang bị cả về kiến thức chuyên môn, nâng cao kỹ
năng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vì đây là điều kiện sống còn của doanh
nghiệp khi mà đòi hỏi chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập
khẩu ngày càng cao, đặc biệt là thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản.
3.3. Định
hướng dịch vụ trong nuôi, chế biến cá tra
a) Quy hoạch diện tích các vùng ương dưỡng giống cá
tra tập trung đạt 735 ha năm 2030. Diện tích mặt nước ương dưỡng giống trong
giai đoạn 2017 - 2030 sẽ chuyển đổi diện tích nuôi rải rác vào các vùng nuôi
thương phẩm tập trung nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ. Trong khi đó,
các vùng có truyền thống ương dưỡng giống hoặc nuôi nhỏ lẻ được quy hoạch thành
các vùng sản xuất, ương dưỡng giống tập trung.
b) Xây dựng và hình thành vùng sản xuất, ương dưỡng
giống cá tra công nghệ cao tại xã Vĩnh Hòa (Tân Châu) với tổng diện tích đến
năm 2020 đạt 100 ha và tăng dần đạt 160 ha vào năm 2030. Áp dụng các công nghệ
tiên tiến trong sản xuất, đảm bảo nguồn gốc, chất lượng giống sạch bệnh cung cấp
cho các vùng nuôi công nghệ cao trên địa bàn tỉnh cũng như cung cấp giống chất
lượng cao phục vụ sản xuất trong và ngoài tỉnh.
3.4. Định
hướng quy hoạch cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi, chế biến cá tra
a) Tổng khối lượng nước cần thay cho ao nuôi cá tra
thịt và ương dưỡng giống của tỉnh giai đoạn 2017-2030 khoảng 544 triệu m3,
trong đó nhu cầu nước phục vụ nuôi cá tra đến năm 2025 khoảng 380,42 triệu m3.
b) Để có thể bơm lượng nước như đã tính toán, nhu cầu
điện năm 2025 cần khoảng 10.915 MWh, năm 2030 khoảng 15.608 MWh. Với sản lượng điện thương phẩm của tỉnh (năm 2013) đạt 1.609,8 triệu MWh hoàn toàn đáp ứng
nhu cầu điện sản xuất.
c) Ngành chế biến thủy sản được kêu gọi đầu tư vào 3 khu: Bình Long, Mỹ
Quý và An Phú. Trong thời gian tới, với việc hình thành các Khu, Cụm công nghiệp
trên địa bàn (Khu công nghiệp Vàm Cống; Cụm công nghiệp Long An, Hòa An, Tân
Thành, Vĩnh Trạch, Núi Sập), cần giành quỹ đất để thu hút đầu tư lĩnh vực chế
biến thủy sản cũng như di dời các nhà máy còn nằm phân tán trong các khu dân cư
vào các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp.
4. Các giải
pháp thực hiện quy hoạch:
4.1. Giải pháp tổ chức sản xuất
trong nuôi, chế biến cá tra
a) Tham gia chuỗi liên kết doanh nghiệp chế biến thủy sản, người nuôi
cá, trung tâm giống thuỷ sản, doanh nghiệp cung ứng thức ăn chăn nuôi, thuốc
thú y thủy sản. Khuyến khích các doanh nghiệp thủy sản thực hiện dự án liên kết
chuỗi sản xuất tiêu thụ với nông dân và dự án chuỗi khép kín của doanh nghiệp từ
sản xuất giống đến chế biến tiêu thụ xuất khẩu, sử dụng nguồn vốn từ Chương
trình tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch”.
b) Tăng cường liên kết với các tỉnh cùng tham gia chuỗi sản xuất ngành
hàng cá tra trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long để kết nối và chia sẻ thông tin
về thị trường, giá cả, cơ chế, chính sách, về mùa vụ nuôi, diện tích, sản lượng
nuôi cá tra nhằm phát huy tính liên kết trong sản xuất và tiêu thụ cá Tra với
các tỉnh trong vùng sản xuất cá tra của Đồng bằng sông Cửu Long, hướng đến phát
triển bền vững.
4.2. Giải pháp cơ chế, chính
sách
a) Tiếp tục thực hiện các cơ chế quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản
phẩm cá Tra; Hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản áp dụng các tiêu chuẩn
chất lượng sản phẩm nông nghiệp, thủy sản được hỗ trợ; chính sách khuyến khích
phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông thủy sản. Thực hiện
miễn thuế môn bài đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng, đánh bắt thủy,
hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.
b) Vận dụng tốt các cơ chế chính sách đã ban hành để thu hút vốn đầu tư,
đồng thời tỉnh cần tạo cơ chế thu hút nông dân tham gia vào các mô hình liên kết
trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như ngân hàng sẽ tăng định mức cho hợp tác
xã vay với lãi suất ưu đãi. Tăng cường phối hợp với các tỉnh có tham gia chuỗi
sản xuất, tiêu thụ cá tra của vùng Đồng bằng sông Cửu Long để có cơ chế phối hợp,
chia sẻ thông tin về quản lý sản xuất, quy hoạch với các địa phương khác. Tạo
điều kiện cho người nuôi tiếp cận khoa học công nghệ, vốn tín dụng ưu đãi để
phát triển.
4.3. Giải pháp vốn đầu tư
a) Vốn ngân sách: Ngoài nguồn vốn Trung ương đầu tư, tỉnh ưu tiên nguồn vốn ngân sách địa
phương để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng nuôi theo hướng đồng bộ, từ hệ
thống thủy lợi, điện đến giao thông thủy và bộ, tạo môi trường thuận lợi để thu
hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nuôi, chế biến cá tra trên địa bàn.
b) Vốn huy động từ các thành
phần kinh tế: Thực hiện
chính sách khuyến khích đầu tư theo quy định của pháp luật để thu hút vốn của
các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, chế biến tiêu thụ cá tra, đặc biệt là
các dự án thuộc danh mục ưu tiên kêu gọi đầu tư được đề xuất trong quy hoạch,
trong đó:
c) Vốn trong nhân dân: Thực hiện các chính sách khuyến khích người
dân tham gia sản xuất như: miễn thuế đất, hỗ trợ đào tạo lao động, hỗ trợ kỹ
thuật nuôi nhằm thu hút vốn đầu tư trong nhân dân.
d) Vốn doanh nghiệp đầu tư: Tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế chính
sách như giảm giá cho thuê đất, miễn giảm một số thuế, hỗ trợ đào tạo lao động,
xúc tiến thương mại,..v..v… nhằm thu hút nguồn vốn từ doanh nghiệp.
đ) Vốn tín dụng: Các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho
người dân và doanh nghiệp nuôi cá tra tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi theo Quyết
định số 540/QĐ-TTg và các dự án phát triển nuôi cá tra thuộc danh mục dự án ưu
tiên kêu gọi đầu tư theo quy hoạch.
e) Vốn đầu tư nước ngoài: Thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
và các tổ chức hợp tác quốc tế ở địa phương để tranh thủ các nguồn vốn viện trợ,
tài trợ của các tổ chức quốc tế để hỗ trợ thực hiện các dự án tăng cường năng lực
quản lý ngành, đào tạo và khuyến ngư, xây dựng các mô hình thí điểm trong nuôi
cá tra thân thiện với môi trường.
4.4. Giải pháp khoa học công
nghệ
a) Tăng cường phối hợp với các Viện nghiên cứu, Trường đại học trong
nghiên cứu chuyển giao, nhận chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản
xuất giống, nuôi thương phẩm, xử lý môi trường, chế biến và dịch vụ thương mại
cá Tra. Ưu tiên xây dựng các vùng nuôi an toàn, đảm bảo chế độ cấp thoát nước
riêng biệt, nghiên cứu các quy trình nuôi theo quy chuẩn thực hành nuôi tốt như
GAP, VietGAP, ASC,... phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh.
b) Trong sản xuất giống, hàng năm phải ưu tiên nghiên cứu khoa học công
nghệ nâng cao chất lượng giống, tiếp nhận đàn cá bố mẹ hậu bị từ dự án “sản xuất
cá tra giống chất lượng cao” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để khuếch
tán cung cấp cho các cơ sở sản xuất cá tra giống trong tỉnh, tiếp nhận 15.000
con giai đoạn từ 2017-2020.
c) Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ chế biến các sản phẩm
từ phụ phẩm (đầu, xương, da, mỡ, nội tạng) cá tra như dầu cá, bột cá, gelatin,
colagen,... rất có giá trị ứng dụng trong thực tế. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ
xử lý và bảo quản thủy sản sau thu hoạch, công nghệ chế biến các sản phẩm truyền
thống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nghiên cứu và hỗ trợ các doanh nghiệp
trong vùng ứng dụng để phát triển sản phẩm giá trị gia tăng, đặc biệt cho các
doanh nghiệp quy mô nhỏ.
4.5. Giải pháp cơ sở hạ tầng và
dịch vụ hậu cần
a) Đầu tư nâng cấp, xây dựng hệ thống giao thông nông thôn đảm bảo việc
đi lại, vận chuyển hàng hóa, sản phẩm tới khu nuôi một cách thuận lợi; đồng thời,
kết hợp kéo điện trung thế, hạ thế 3 pha tới các khu nuôi để hỗ trợ hộ nuôi bơm
nước vào ao nuôi được thuận tiện và giảm chi phí sản xuất. Kiểm tra, giám sát
việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu nuôi, hệ thống xử lý nước, bùn thải đáy
ao theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02-20: 2014/BNN&PTNT.
b) Đầu tư vùng sản xuất giống tập trung ứng dụng công nghệ cao, sản xuất
theo quy mô công nghiệp, sử dụng đàn cá tra bố mẹ chất lượng, ứng dụng quy
trình sản xuất giống đáp ứng các tiêu chuẩn quy chuẩn Việt Nam. Xây dựng hệ
thống giống cá tra 3 cấp (cấp 1 là các viện trường Đại học làm công
tác tuyển chọn cá bố mẹ hàng năm cung cấp cho cấp 2 là các Trung tâm
giống và các cơ sở đủ điều kiện làm công tác sản xuất cá bột và
cấp 3 là các cơ sở, vùng ương giống tập trung).
4.6. Giải pháp phát triển nguồn
nhân lực
a) Định
kỳ mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật cho
người sản xuất thông qua tổ chức khuyến ngư, Viện, Trường,...Tăng cường đào
tạo cán bộ quản lý, đội ngũ thanh tra, kiểm soát viên cho từng khâu từ kiểm
soát giống, thức ăn đến vệ sinh an toàn thực phẩm có đủ trình độ giám sát,
hướng dẫn và quản lý quy hoạch.
b) Tăng cường các hình thức đào tạo, tập huấn trong và ngoài nước cho đội
ngũ quản lý, nghiên cứu phát triển sản phẩm và thị trường. Quan tâm tổ chức các
khoá đào tạo ngắn hạn, các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, các nhà
doanh nghiệp, hộ nuôi, am hiểu về luật lệ và các chính sách kinh tế, thương mại
của các nước và quốc tế.
4.7. Giải pháp thị trường và
xúc tiến thương mại
a)
Châu Âu: Đẩy mạnh
các hoạt động nghiên cứu đặc điểm tiêu dùng của thị trường để chế biến ra các sản
phẩm phù hợp cho từng đối tượng khách hàng. Các doanh nghiệp tăng cường liên kết
với các nhà phân phối và bán lẻ ở Châu Âu để đưa các sản phẩm giá trị gia tăng
đến với người tiêu dùng.
b) Châu Mỹ: Tăng cường mối liên kết để đấu tranh với các
vụ kiện chống bán phá giá của Mỹ. Không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hoá
sản phẩm chế biến để có thể đưa thẳng vào các nhà hàng, quán ăn nhanh phục vụ
nhu cầu tiêu dùng của người Mỹ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến
thương mại đưa sản phẩm cá tra vào các thị trường như Brazin, Argentina, và các
nước khác.
c) Châu Á: Hướng tiếp thị vào các nước Châu Á nói chung
là các sản phẩm được chế biến sơ bộ phù hợp với thói quen chế biến tại nhà, tuy
nhiên nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm chế biến sẵn cũng sẽ gia tăng trong thời
gian tới.
d) Thị trường khác: Bên cạnh các thị trường truyền thống, các
doanh nghiệp cần tăng cường tìm kiếm kênh thông tin, nghiên cứu nhu cầu và thị
hiếu tiêu dùng của các thị trường khác nhằm đa dạng hoá xuất khẩu cá tra của tỉnh,
giảm rủi ro khi phải tập trung vào một số thị trường truyền thống đang có xu hướng
suy giảm.
4.8. Giải pháp môi trường, dịch
bệnh
a) Xây dựng một số trạm quan trắc môi trường nước tự động trên tuyến
sông Tiền, sông Hậu, kênh trục chính để kiểm soát và cảnh báo chất lượng môi
trường cho các vùng sản xuất cá tra tập trung lớn, dân sinh và các sản xuất
khác tác động liên quan. Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất cá tra hình
thành các điểm quan trắc môi trường tự động tại vùng nuôi. Thực hiện tốt công
tác quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Nâng
cao trình độ, năng lực cán bộ chuyên trách quan trắc về thủy sản. Phát triển
các vùng nuôi theo hướng áp dụng quy trình nuôi tiên tiến, thực hành nuôi tốt
(VietGAP, BMP,…).
b) Tăng cường thanh tra, giám sát việc xả thải của các nhà máy chế biến
cá tra. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến cá tra đầu tư đổi mới máy móc thiết
bị chế biến mặt hàng giá trị gia tăng, đặc biệt là các sản phẩm từ phụ phẩm để
giảm lượng chất thải ra môi trường. Hướng dẫn, hỗ trợ một phần kinh phí cho
doanh nghiệp xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn.
5. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư (Phụ lục kèm theo)
Điều 2.
Tổ chức thực
hiện Quy hoạch
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối
hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm tham mưu trực tiếp cho
UBND tỉnh liên quan đến ban hành các chủ trương, chính sách quản lý phát triển
nuôi, chế biến cá tra. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tiến
hành tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch để sớm phổ biến triển khai quy hoạch. Đồng
thời, tổ chức xây dựng các chương trình, đề án, dự án ưu tiên đầu tư nhằm triển
khai thực hiện hiệu quả các nội dung trong quy hoạch.
2. Sở
Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cân đối, bố trí
nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng các công trình dự án đầu tư phát triển nuôi, chế biến cá tra trình UBND tỉnh xét duyệt.
3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối bố trí nguồn vốn
ngân sách tỉnh đầu tư cho các dự án hạ tầng kỹ thuật và chương trình phát triển
nuôi, chế biến cá tra đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
4. Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất chính sách đổi mới công nghệ, sản phẩm
chế biến cá tra, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp
chế biến mặt hàng giá trị gia tăng, sản phẩm chế biến từ phụ phẩm cá tra. Tổ chức
thực hiện và kiểm tra, giám sát việc đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương
mại, khuyến mại cho các thương nhân.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với
các sở, ngành, đơn vị liên quan quản lý môi trường đối với các vùng nuôi, chế
biến cá tra, đồng thời trách nhiệm này cũng được phân cấp đến Phòng Tài nguyên
và Môi trường của các xã/phường/thị trấn có vùng nuôi.
6. Sở Khoa học và công nghệ: Chủ trì, phối hợp với Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường nghiên cứu khoa học công nghệ
trong sản xuất cá tra cả giống và nuôi thương phẩm. Hỗ trợ cơ sở nuôi, chế biến
xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo các quy chuẩn thực hành nuôi trồng thủy
sản tốt như GlobalGAP, VietGAP, ASC,…
7. Các Sở, ngành có liên quan: Trong phạm vi chức
năng của mình, phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện
thành công quy hoạch cũng như công tác quản lý nuôi, chế biến cá tra.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thủ trưởng các Sở, ngành tỉnh có liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- TT TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Các Sở, ngành, đoàn thể tỉnh,
- Lãnh đạo VP.UBND tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- P.KTN, P.HCTC.
Đính kèm phụ lục
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lâm Quang Thi
|
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU
TƯ THỜI KỲ 2020 - 2030 CỦA QUY HOẠCH CHI TIẾT NUÔI, CHẾ BIẾN CÁ TRA
(Kèm theo Quyết định số 2281/QĐ-UBND ngày 28 tháng 7 năm 2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
An Giang)
TT
|
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ
|
1
|
Dự án đào tạo nhân lực: Kỹ năng
quản lý, vận hành và kiểm soát hệ thống HACCP, SQF, GlobalGAP.
|
2
|
Dự án đào tạo nhân lực: Kỹ năng
nuôi thuỷ sản an toàn và chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế SQF,
GlobalGAP.
|
3
|
Dự án xây dựng hệ thống quan trắc
cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi thủy sản.
|
4
|
Dự án xây dựng hệ thống giám sát
dịch bệnh tại các vùng nuôi thủy sản
|
5
|
Đào tạo cán bộ quản lý, truy xuất
dữ liệu mã số nguồn gốc
|
6
|
Xây dựng cơ sở dữ liệu truy xuất
nguồn gốc sản phẩm cá tra
|
7
|
Đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng
nuôi cá tra thương phẩm
|
8
|
Đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng sản
xuất, ương dưỡng giống cá tra
|
9
|
Đầu tư hệ thống điện trung thế
các vùng nuôi cá tra thương phẩm tập trung
|
10
|
Đầu tư xây dựng hệ thống trạm bơm
điện
|
11
|
Đầu tư nạo vét hệ thống kênh, nâng cấp đê bao các cống dưới đê
|
12
|
Nạo vét lòng kênh Đòn Dông
|
13
|
Nạo vét kênh Ba Thê Mới
|
14
|
Nạo vét kênh Mạc Cần Dưng
|
15
|
Nạo vét kênh Đào
|
16
|
Nạo vét kênh
Tròn
|
17
|
Nạo vét kênh
Rạch Giá - Long Xuyên
|
18
|
Nạo vét kênh
Kiên Hảo - Chắc Năng Gù
|
19
|
Nạo vét kênh
cầu Số 2
|
20
|
Nạo vét kênh
Cần Thảo
|
21
|
Dự án nạo
vét thông luồng Xép Cỏ Găng
|
22
|
Nạo vét kênh ranh Long Xuyên - Cần Thơ
|
23
|
Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng các
vùng nuôi cá tra (1.250 ha mặt nước)
|
24
|
Dự án nuôi cá Tra công nghệ cao
(180 ha mặt nước)
|
25
|
Dự án các vùng sản xuất giống tập
trung (735 ha mặt nước)
|
26
|
Dự án đầu tư cơ sở sản xuất giống
công nghệ cao
|
27
|
Nâng cấp các nhà máy chế biến hiện
có theo hướng chế biến sản phẩm giá trị gia tăng
|
28
|
Đầu tư mới 5-7 nhà máy chế biến
phụ phẩm cá tra
|
29
|
Hỗ trợ quảng bá thương hiệu, xúc
tiến thương mại
|
30
|
Hỗ trợ nghiên cứu phát triển sản
phẩm mới từ cá tra
|
* Ghi chú: Về vị trí, quy mô, diện tích đất sử dụng
và tổng mức đầu tư của các công trình, dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn
và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự
án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy
động vốn đầu tư cho từng thời kỳ./.