THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
22/2021/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 02 tháng 7 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ TIÊU CHÍ PHÂN LOẠI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC,
DOANH NGHIỆP CÓ VỐN NHÀ NƯỚC THỰC HIỆN CHUYỂN ĐỔI SỞ HỮU, SẮP XẾP LẠI, THOÁI VỐN
GIAI ĐOẠN 2021-2025
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày
17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vốn
nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26
tháng 11 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế
hoạch và Đầu tư,
Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà
nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025.
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Quyết định này quy định Tiêu chí
phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện
chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi là Tiêu
chí phân loại) làm cơ sở rà soát Kế hoạch duy trì công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên, chuyển đổi sở hữu (bao gồm hình thức cổ phần hóa, bán toàn bộ doanh
nghiệp, chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên), sắp xếp
lại (bao gồm hình thức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản),
thoái vốn đối với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn
2021-2025 (sau đây gọi chung là Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn
2021-2025).
Công ty nông, lâm nghiệp; doanh
nghiệp quốc phòng, an ninh; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước,
Công ty mua bán nợ Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty
Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực
hiện sắp xếp theo quy định khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
1. Cơ quan đại diện
chủ sở hữu, bao gồm: các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi
là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) và tổ chức được thành lập theo quy định của pháp
luật.
2. Doanh
nghiệp nhà nước theo quy định tại Điều 88 Luật Doanh nghiệp số
59/2020/QH14, bao gồm:
a) Công ty mẹ
của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước,
công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ-công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (sau đây gọi là Công ty mẹ);
b) Công ty
trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
c) Doanh nghiệp
do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết,
trừ doanh nghiệp quy định tại điểm a, b khoản này.
3. Người đại
diện phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn
hai thành viên trở lên (sau đây gọi là Người đại diện phần vốn nhà nước).
4. Công ty
trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều
lệ; Người đại diện phần vốn góp của doanh nghiệp nhà nước tại công ty cổ phần,
công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do doanh nghiệp
nhà nước góp vốn, mua cổ phần.
5. Cơ
quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc phân loại, chuyển đổi sở hữu,
sắp xếp lại và thoái vốn.
Điều 3. Tiêu chí phân loại
1. Tiêu chí phân
loại theo ngành, lĩnh vực đối với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn
nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn được ban hành kèm
theo Quyết định này.
2. Đối với các
doanh nghiệp không hoạt động trong ngành, lĩnh vực thuộc Tiêu chí phân loại nêu
tại khoản 1 Điều này thì sử dụng một trong các tiêu chí sau để thực hiện chuyển
đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn:
a) Sản xuất xi măng chiếm thị phần
từ 30% trở lên, trong đó có khai thác các mỏ nguyên liệu thuộc địa bàn trọng yếu
về an ninh quốc phòng;
b) Trồng và chế biến cao su hoặc
cà phê tại các địa bàn chiến lược; miền núi; vùng sâu; vùng xa gắn với quốc
phòng, an ninh;
c) Các doanh nghiệp sản xuất, cung
ứng sản phẩm, dịch vụ công ích có tỷ trọng doanh thu từ hoạt động công ích trên
tổng doanh thu của doanh nghiệp 03 năm liên tiếp liền kề trước thời điểm xem
xét chuyển đổi đạt từ 50% trở lên;
d) Các doanh nghiệp có giá trị văn
hóa; giá trị lịch sử; giá trị kiến trúc; có vai trò quan trọng đối với quốc
phòng, an ninh; thực hiện nhiệm vụ chính trị hoặc phát triển
kinh tế - xã hội của ngành, địa phương trong từng thời kỳ.
Điều 4. Trách
nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
1. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày
Quyết định này có hiệu lực, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm rà
soát, xây dựng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp Kế hoạch sắp
xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Quyết
định này với các nội dung như sau:
a) Các doanh nghiệp
nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước đáp ứng tiêu chí phân loại quy định tại khoản
1 Điều 3 Quyết định này thực hiện theo các hình thức: tiếp tục duy trì là công
ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; cổ phần hóa; chuyển thành công ty trách
nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; thoái vốn nhà nước.
b) Các doanh nghiệp nhà nước, doanh
nghiệp có vốn nhà nước đáp ứng tiêu chí phân loại quy định tại khoản 2 Điều 3
Quyết định này đề xuất chủ trương chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái
vốn và tỷ lệ vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp cho phù hợp với thực tế hoạt
động của doanh nghiệp.
c) Các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước không đáp ứng quy định
Tiêu chí phân loại tại Điều 3 Quyết định này thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp
lại, thoái vốn theo hướng Nhà nước không nắm giữ cổ phần, vốn góp.
2. Cơ quan đại diện chủ sở hữu có
trách nhiệm chỉ đạo Hội đồng thành viên, Người đại diện phần vốn nhà nước
tại Công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - công ty con thực hiện sắp xếp các
doanh nghiệp có vốn góp của Công ty mẹ theo quy định tại Điều 5 Quyết định này.
3. Cơ quan đại diện chủ sở hữu
có trách nhiệm triển khai thực hiện Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn
2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; báo cáo Thủ tướng Chính phủ
xem xét, quyết định bằng văn bản cá biệt đối với các trường hợp không thực hiện
được theo Quyết định này.
Điều 5. Trách nhiệm Hội đồng
thành viên, Chủ tịch Công ty mẹ, Người đại diện phần vốn nhà nước trong mô hình
công ty mẹ-công ty con.
1. Hội đồng thành
viên, Chủ tịch công ty của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
xây dựng Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước gồm nội
dung sắp xếp doanh nghiệp có vốn góp của Công ty mẹ, trình cấp có thẩm quyền
phê duyệt theo các quy định sau:
a) Công ty mẹ nắm giữ tỷ lệ vốn tương ứng với tỷ
lệ vốn Nhà nước tại các ngành, lĩnh vực quy định tại Tiêu chí phân loại đối với
các doanh nghiệp có vốn góp của Công ty mẹ hoạt động trong ngành, lĩnh vực này.
b) Công ty mẹ quyết định nắm giữ
trên 50% vốn điều lệ đối với các doanh nghiệp có vốn góp của Công ty mẹ không thuộc ngành, lĩnh vực quy định tại Tiêu chí phân loại theo một
trong các nguyên tắc sau:
- Có ngành, lĩnh vực kinh doanh
thuộc ngành, lĩnh vực kinh doanh chính hoặc có liên quan phục vụ trực tiếp
ngành, lĩnh vực kinh doanh chính của Công ty mẹ;
- Hoạt động kinh doanh hiệu quả
và có vai trò quan trọng hoặc quy mô cần thiết cho sự phát triển
của các doanh nghiệp trong mô hình công ty mẹ - công ty con.
2. Người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại
công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có trách nhiệm báo cáo, xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu về
phương án sắp xếp các doanh nghiệp có vốn góp của Công ty mẹ trên cơ sở các nguyên tắc quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều
này.
Điều 6. Trách
nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
1. Tổng hợp, có ý kiến, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh
nghiệp giai đoạn 2021-2025 trong Quý III năm 2021 trên cơ sở đề nghị của cơ
quan đại diện chủ sở hữu và ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp và Bộ quản lý ngành.
2. Thực hiện rà soát và kiến nghị
Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Tiêu chí phân loại phù hợp với từng
giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội.
3. Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc bộ ngành, địa
phương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty thực hiện Quyết định này.
Điều 7. Điều
khoản chuyển tiếp
1. Các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực
hiện chuyển đổi sở hữu, thoái vốn trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực
thì thực hiện như sau:
a) Đối với các doanh nghiệp chưa
được cấp có thẩm quyền phê duyệt Phương án chuyển đổi sở hữu, thoái vốn, cơ
quan đại diện chủ sở hữu chủ động điều chỉnh lại tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ
khi xây dựng Phương án chuyển đổi, thoái vốn theo Tiêu chí phân loại quy định tại
Quyết định này và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để theo dõi, tổng
hợp.
b) Đối với các doanh nghiệp đã được
cấp có thẩm quyền phê duyệt Phương án chuyển đổi, thoái vốn thì tiếp tục thực
hiện theo Phương án đã được phê duyệt. Trường hợp không thực hiện theo Phương án
đã được phê duyệt thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh cho phù hợp
với thực tiễn.
2. Đối với các doanh nghiệp
đã hoàn thành chuyển đổi sở hữu, thoái vốn theo Quyết định số
58/2016/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng
Chính phủ thì không thực hiện tăng tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp để phù hợp
với Tiêu chí phân loại kèm theo Quyết định này, trừ trường hợp do Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt hoặc pháp luật chuyên ngành quy định khác.
Điều 8. Hiệu lực
thi hành và tổ chức thực hiện
1. Quyết định này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 19 tháng 8 năm 2021. Quyết định này thay thế Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12
năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp
nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước
thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020.
Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày
15 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục
doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 và Quyết định số 908/QĐ-TTg
ngày 29 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp
có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 được tiếp tục thực hiện
cho đến khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch sắp xếp lại
doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025.
2. Trong chức năng, nhiệm vụ được phân công, các
Bộ có trách nhiệm chủ động sửa đổi hoặc đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi
các quy định có liên quan nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá
trình thực hiện Quyết định này.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng
cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh và doanh nghiệp nhà nước, Người đại diện phần vốn
nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp;
- Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, ĐMDN (2b).
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Lê Minh Khái
|
PHỤ LỤC
TIÊU CHÍ PHÂN LOẠI THEO NGÀNH, LĨNH VỰC ĐỐI
VỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC, DOANH NGHIỆP CÓ VỐN NHÀ NƯỚC THỰC HIỆN CHUYỂN ĐỔI SỞ
HỮU, SẮP XẾP LẠI, THOÁI VỐN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02 tháng 7 năm 2021
của Thủ tướng Chính phủ)
I. NHỮNG DOANH NGHIỆP DO NHÀ NƯỚC NẮM GIỮ 100% VỐN
ĐIỀU LỆ HOẠT ĐỘNG TRONG CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC SAU:
1.
Đo đạc bản đồ phục vụ quốc phòng, an ninh.
2. Sản
xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp và cung ứng dịch
vụ nổ mìn có phạm vi hoạt động trên toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ
nghĩa Việt Nam.
3. Truyền tải, điều độ hệ
thống điện quốc gia và quản lý lưới điện phân phối, xây dựng và vận hành các
nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc
phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về điện lực.
4.
Quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị
do Nhà nước đầu tư; điều hành giao thông vận tải đường sắt quốc gia, đường sắt
đô thị do Nhà nước đầu tư.
5. Dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ
tìm kiếm, cứu nạn.
6. Bảo
đảm hàng hải (không bao gồm nạo vét, duy tu luồng hàng hải công cộng).
7.
Bưu chính công ích và hoạt động duy trì, quản lý mạng bưu chính công cộng.
8.
Kinh doanh xổ số.
9.
Xuất bản (không bao gồm lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm); sản xuất phim
khoa học, thời sự phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền, thông tin đối ngoại và
nhiệm vụ an ninh tư tưởng, văn hóa.
10.
In, đúc tiền, sản xuất vàng miếng và các vật phẩm lưu niệm bằng vàng.
11.
Quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện.
12.
Tín dụng chính sách phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo hiểm tiền gửi và mua
bán, xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.
13. Ứng
dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành,
lĩnh vực khác và nền kinh tế; tìm kiếm thăm dò, phát triển
mỏ và khai thác dầu khí.
II. NHỮNG DOANH NGHIỆP THỰC HIỆN CHUYỂN ĐỔI SỞ HỮU,
THOÁI VỐN, NHÀ NƯỚC NẮM GIỮ TỪ 65% VỐN ĐIỀU LỆ TRỞ LÊN, HOẠT ĐỘNG TRONG CÁC
NGÀNH, LĨNH VỰC SAU:
1. Quản lý khai thác các cảng hàng
không, sân bay; dịch vụ khai thác khu bay.
2. Dịch vụ thông tin dẫn đường,
giám sát, dịch vụ khí tượng hàng không.
3. Quản lý, khai thác các bến cảng
tại cảng biển đặc biệt theo quy định về phân loại cảng biển Việt Nam.
4. Khai thác khoáng sản quy mô lớn
theo quy định hiện hành về phân loại quy mô mỏ khoáng.
5. Sản xuất phim hoạt hình phục vụ
thiếu nhi do Nhà nước đặt hàng hoặc tài trợ.
6. Tài chính, ngân hàng (không bao
gồm bảo hiểm, chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty tài chính và công ty
cho thuê tài chính).
7. Bán buôn lương thực có vai trò
đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, bình ổn thị trường
và thực hiện nhiệm vụ chính trị.
III. NHỮNG DOANH NGHIỆP THỰC HIỆN CHUYỂN ĐỔI SỞ HỮU,
THOÁI VỐN, NHÀ NƯỚC NẮM GIỮ TRÊN 50% ĐẾN DƯỚI 65% VỐN ĐIỀU LỆ, HOẠT ĐỘNG TRONG
CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC SAU:
1. Khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch và thoát nước đô thị,
nông thôn.
2.
Sản xuất hóa chất cơ bản.
3. Vận
chuyển hàng không.
4. Đầu
mối nhập khẩu xăng dầu chiếm thị phần từ 30% trở lên, có
vai trò đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, bình ổn thị trường.
5. Sản
xuất thuốc lá điếu.
6. Cung
cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng có tầm quan trọng đặc biệt đối với hoạt
động của toàn bộ cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia và ảnh hưởng trực tiếp đến
phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh theo Quyết định của
Thủ tướng Chính phủ.
7. Những doanh nghiệp đảm bảo nhu cầu thiết
yếu cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng
bào dân tộc ở miền núi, vùng sâu, vùng xa./.