Quyết định 22/2004/QĐ-BCN phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng trồng cây thuốc lá đến năm 2010 do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành

Số hiệu 22/2004/QĐ-BCN
Ngày ban hành 02/04/2004
Ngày có hiệu lực 02/05/2004
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công nghiệp
Người ký Hoàng Trung Hải
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ CÔNG NGHIỆP
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22/2004/QĐ-BCN

Hà Nội, ngày 02 tháng 04 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VÙNG TRỒNG CÂY THUỐC LÁ ĐẾN NĂM 2010

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 76/2001/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2001 của Chính phủ về hoạt động sản xuất và kinh doanh thuốc lá;
Căn cứ ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (công văn số 6212 BKH/KTNN ngày 10 tháng 10 năm 2003) và của các Bộ, ngành liên quan góp ý về Quy hoạch phát triển vùng trồng cây thuốc lá đến năm 2010;
Căn cứ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thẩm định và phê duyệt Dự án Quy hoạch phát triển vùng trồng cây thuốc lá đến năm 2010 (Công văn số 5558/VPCP-NN ngày 11 tháng 11 năm 2003 của Văn phòng Chính phủ);
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Tiêu dùng và Thực phẩm,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng trồng cây thuốc lá đến năm 2010 với những nội dung chính như sau:

1. Mục tiêu

Đẩy mạnh phát triển sản xuất cây thuốc lá có năng suất, chất lượng cao theo hướng chuyên canh, sản phẩm mang tính hàng hóa cao, phấn đấu hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh, giảm thiểu độc hại cho người tiêu dùng, hội nhập vững chắc kinh tế khu vực và thế giới.

Quy hoạch các vùng chuyên canh, vùng trồng cây thuốc lá chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu sản xuất nguyên liệu thuốc lá chất lượng cao thay thế nhập khẩu và tăng xuất khẩu.

Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam giữ vai trò chủ đạo trong việc đầu tư phát triển vùng trồng cây thuốc lá, có trách nhiệm thực hiện các chương trình nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật canh tác để đạt hiệu quả cao trong việc trồng và sản xuất nguyên liệu thuốc lá, sử dụng tối đa nguyên liệu trong nước để sản xuất sản phẩm thuốc lá chất lượng cao và chế biến xuất khẩu.

Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển trồng và chế biến nguyên liệu thuốc lá chất lượng cao theo quy hoạch.

2. Định hướng phát triển

a) Về nghiên cứu khoa học, công nghệ, giống, kỹ thuật canh tác

- Đầu tư cho Viện Kinh tế-Kỹ thuật Thuốc lá cả về cơ sở vật chất và cán bộ nghiên cứu, tạo điều kiện đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong việc tạo giống, trồng và chế biến nguyên liệu thuốc lá. Quy hoạch và xây dựng các phòng thí nghiệm đủ điều kiện giám sát chất lượng nguyên liệu thuốc lá theo tiêu chuẩn nhằm nâng cao chất lượng của nguyên liệu thuốc lá.

- Coi trọng việc nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại trong việc trồng và sản xuất nguyên liệu thuốc lá, làm chủ và cải tiến công nghệ nhập từ nước ngoài cho phù hợp để sản xuất thuốc lá nguyên liệu đạt năng suất, chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và giảm thiểu độc hại cho người tiêu dùng.

- Sử dụng giống thuốc lá có chất lượng cao, thích hợp với từng vùng trồng. Áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong việc lai tạo giống thuốc lá, đầu tư cơ sở vật chất cho các trại giống thuốc lá đủ điều kiện tiếp thu tiến bộ khoa học công nghệ của nước ngoài, nghiên cứu sản xuất hạt giống chất lượng cao cung cấp cho vùng trồng thuốc lá ở hai miền Nam, Bắc.

- Nâng cao trình độ kỹ thuật canh tác (gieo trồng, thu hoạch, hái, sấy); cơ giới hoá đạt mức tiên tiến so với thế giới. Đảm bảo 100 % diện tích được trồng đúng quy trình kỹ thuật.

b) Về đầu tư

- Tập trung đầu tư vùng chuyên canh, vùng trồng cây thuốc lá chất lượng cao để sản xuất nguyên liệu thay thế nhập khẩu và phục vụ xuất khẩu.

- Đầu tư mới các nhà máy chế biến nguyên liệu có công nghệ và thiết bị tiên tiến phù hợp, đồng thời đầu tư mở rộng năng lực chế biến nguyên liệu của các nhà máy hiện có.

- Đa dạng hoá hình thức đầu tư, tranh thủ cơ hội thu hút Dự án đầu tư nước ngoài, hợp tác liên doanh với các hãng thuốc lá nước ngoài trong lĩnh vực trồng nguyên liệu, chế biến sợi thuốc lá để tiếp thu công nghệ mới. Khuyến khích huy động nguồn vốn của các thành phần kinh tế, đẩy mạnh việc cổ phần hoá các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu thuốc lá.

c) Về đào tạo nguồn nhân lực

- Đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có đủ trình độ và khả năng trong việc triển khai công tác nghiên cứu, quản lý khoa học kỹ thuật và chuyển giao kỹ thuật cho người trồng và chế biến nguyên liệu thuốc lá.

- Chú trọng đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật có khả năng tiếp thu công nghệ mới đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành.

3. Các chỉ tiêu chủ yếu

a) Diện tích, năng suất, sản lượng và xuất khẩu

 

Năm 2005

Năm 2010

Diện tích (ha)

29.950

39.150

Năng suất bình quân (tấn/ha)

1,76

1,96

Sản lượng (tấn)

52.575

76.710

Xuất khẩu nguyên liệu (tấn)

6.000

10.500

b) Quy hoạch vùng trồng cây thuốc lá

[...]