Quyết định 2182/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2015 do tỉnh Thanh Hoá ban hành

Số hiệu 2182/QĐ-UBND
Ngày ban hành 07/07/2011
Ngày có hiệu lực 07/07/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Vương Văn Việt
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HOÁ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2182/QĐ-UBND

Thanh Hoá, ngày 07 tháng 7 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH THANH HOÁ GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HOÁ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 73/QĐ-UBND ngày 10/01/2011 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành Chương trình công tác năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá tại văn bản số: 418/TTr-SVHTTDL ngày 23/03/2011 về việc trình duyệt Chương trình phát triển Du lịch Thanh Hoá giai đoạn 2011 - 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển du lịch Thanh Hoá giai đoạn 2011 - 2015 với các nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN DU LỊCH.

1. Mục tiêu tổng quát:

- Phát triển du lịch Thanh Hóa trở thành một ngành kinh tế quan trọng, làm động lực thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh, phấn đấu để Thanh Hoá trở thành địa bàn trọng điểm du lịch quốc gia vào năm 2015.

- Phát triển mạnh du lịch biển với sản phẩm chủ yếu là du lịch nghỉ dưỡng, nhanh chóng khai thác tài nguyên văn hoá với các giá trị di sản văn hoá thế giới và văn hoá đặc trưng để phát triển du lịch văn hoá lịch sử thành sản phẩm du lịch mũi nhọn, đồng thời với phát triển du lịch văn hoá tâm linh và văn hoá sinh thái cộng đồng.

- Xây dựng được hình ảnh đậm nét về Du lịch Thanh Hoá trong phạm vi quốc gia, thị trường du lịch các nước trong khu vực và thế giới, trước mắt là thị trường các nước Nhật Bản, Trung Quốc, các nước ASEAN…. Tổ chức thành công “Năm Du lịch quốc gia –Thanh Hoá, 2015”.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Phấn đấu năm 2015 đạt các chỉ tiêu: đón 5.000.000 lượt khách nội địa, mức tăng trưởng bình quân 10,8%/năm; 110.000 lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng bình quân 25,8%/năm; doanh thu đạt 3.300 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 22,8%/năm; nộp ngân sách khoảng 264.000 triệu đồng.

- Tập trung đầu tư cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch tại các khu du lịch trọng điểm: Sầm Sơn, thành nhà Hồ, Lam Kinh, suối cá Cẩm Lương, Hải Hoà.

- Đẩy nhanh tốc độ đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động du lịch, phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh có trên 650 cơ sở lưu trú du lịch, với trên 22.000 phòng nghỉ du lịch; trong đó có trên 130 khách sạn đạt hạng từ 1-5 sao, với trên 7.000 phòng.

- Nâng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực du lịch, phấn đấu năm 2015, có trên 26 ngàn lao động du lịch trực tiếp, với tỷ lệ được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đạt trên 75%; mỗi khu du lịch, điểm du lịch trọng điểm có ít nhất 2 thuyết minh viên chuyên nghiệp; 100% lao động tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch tại các khu du lịch trọng điểm được bồi dưỡng về văn hoá giao tiếp; các địa phương có điều kiện phát triển du lịch được tổ chức bồi dưỡng kiến thức kinh doanh du lịch cộng đồng.

II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH.

1. Chương trình 1: Quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch.

1.1 Qui hoạch phát triển du lịch:

- Qui hoạch, điều chỉnh qui hoạch phát triển du lịch cụ thể các khu, điểm du lịch trọng điểm theo qui hoạch phát triển du lịch Thanh Hoá đến năm 2020, phù hợp với tiêu chí của Luật Du lịch về công nhận khu, tuyến, điểm du lịch địa phương, quốc gia gồm thành nhà Hồ, Lam Kinh, Cẩm Lương, Hải Hòa, Nam Sầm Sơn, quần thể chùa Tiên – hồ Đồng Vụa (huyện Nga Sơn và một số di tích danh thắng giá trị có liên quan đến tuyến du lịch sông Mã như: núi, đền Đồng cổ danh thắng núi Vồm, khu di tích và danh thắng Hàm Rồng ...)

- Qui hoạch làng nghề du lịch trình diễn: nghề đúc đồng tại xã Thiệu Trung (huyện Thiệu Hoá); nghề cói tại xã Nga Liên, Nga Thanh (huyện Nga Sơn); nghề dệt thổ cẩm tại xã Cẩm Lương (huyện Cẩm Thuỷ) và bản dân tộc Thái tại Hồi Xuân (huyện Quan Hoá)

- Qui hoạch một số loại hình dịch vụ du lịch tại thành phố Thanh hóa và thị xã Sầm Sơn: Khách sạn 3-5 sao, khu resort, nhà hàng, làng nghề, vui chơi giải trí, mua sắm…

1.2 Đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch.

- Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị du lịch Sầm Sơn theo hướng mở rộng không gian theo qui hoạch điều chỉnh tạo điều kiện phát triển các dịch vụ du lịch chất lượng cao; chú trọng đầu tư các công trình trực tiếp phục vụ du lịch như: bến tàu du lịch, bãi đỗ xe, khuôn viên, khu vệ sinh công cộng, hệ thống xử lý rác, nước thải, …

- Đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất tại các khu du lịch trọng điểm: thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Cẩm Lương, Hải Hoà; ưu tiên đầu tư các hạng mục trực tiếp phục vụ du lịch như: hệ thống đường nội bộ, khu đón tiếp, nhà trưng bầy hiện vật, vệ sinh công cộng, bãi đỗ xe, hệ thống xử lý rác, nước thải, hệ thống điện, nước…

- Chuẩn bị các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển sản phẩm du lịch trên sông Mã; du lịch cộng đồng văn hoá sinh thái miền núi Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên, động Bo Cúng – cửa khẩu Na Mèo…

[...]