QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÀNH PHỐ CẦN THƠ
ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Căn cứ Luật Tổ chức
Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 17 tháng 02 năm
2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần
thứ XI về việc thực hiện 10 chương trình và 4 đề án phát triển kinh tế - xã hội
của thành phố;
Căn cứ Kế hoạch số 10-KH/TU, ngày 05 tháng 3 năm
2005 của Ban Thường vụ Thành ủy lâm thời thành phố Cần Thơ về việc triển khai
thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị;
Căn cứ Biên bản số 16/BB-UBND ngày 28 tháng 6
năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc họp Hội đồng thẩm định Chương
trình xây dựng và phát triển du lịch thành phố Cần Thơ đến năm 2010 và tầm nhìn
đến năm 2020;
Căn cứ Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy tại
cuộc họp ngày 20 tháng 9 năm 2006 về việc đóng góp ý kiến cho Chương trình xây
dựng và phát triển du lịch thành phố Cần Thơ đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm
2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Du lịch tại Công văn
số 386/SDL ngày 24 tháng 10 năm 2006 và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ
trình số 208/TTr-SKHĐT ngày 14 tháng 5 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình xây dựng và phát triển du lịch
thành phố Cần Thơ đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020
với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Mục tiêu:
1.1. Mục tiêu dài hạn đến 2020
Phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của thành phố
trung tâm khu vực, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư phát
triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, xứng
đáng là trung tâm du lịch của đồng bằng sông Cửu Long. Đến năm 2020, du lịch
Cần Thơ phát triển ngang tầm yêu cầu của một thành phố đồng bằng cấp quốc gia,
văn minh, hiện đại. Phấn đấu để Cần Thơ thực sự là “Điểm đến du lịch lý tưởng -
an toàn - thân thiện”, nơi hội tụ của “Văn minh sông nước Mekong”.
1.2. Đến năm 2010:
Tăng tốc phát triển, tạo đột phá trong hoạt động
du lịch và tạo đà cho những năm tiếp theo. Huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật
chất làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt du lịch thành phố, đưa du lịch thành ngành
kinh tế có tốc độ phát triển cao và bền vững, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng
chung của nền kinh tế, góp phần để thành phố Cần Thơ đạt tiêu chí đô thị loại I
trước năm 2010.
2. Định hướng phát triển
2.1. Đến năm 2020:
- Xây dựng hoàn chỉnh các khu du lịch sinh thái,
khu vui chơi giải trí tổng hợp, Trung tâm văn hóa Tây Đô, Trung tâm hội nghị quốc
tế và nhiều khách sạn cao cấp hiện đại trong khu vực nội thị; mở rộng không
gian du lịch ngoại thành với nhiều nhà hàng - khách sạn mới và hệ thống du lịch
vườn, du lịch nông thôn phục vụ ăn uống tại chỗ;
- Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, các loại hình
ẩm thực, tham quan mua sắm, giải trí cuối tuần... đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du
khách;
- Mở nhiều tuyến điểm du lịch mới, các tour du lịch
liên vùng, du lịch quốc tế và phát triển du lịch đường thủy dọc tuyến sông
Mekong;
- Đào tạo đội ngũ nhân viên du lịch chuyên nghiệp,
phong cách phục vụ văn minh, lịch sự.
2.2. Đến năm 2010:
- Sớm hoàn thành các khu du lịch, khu vui chơi giải
trí lớn và nhiều khách sạn cao cấp, hoàn thành một số hạng mục của Trung tâm
văn hóa Tây Đô;
- Tập trung đầu tư tạo ra sản phẩm du lịch mới, đẩy
mạnh các hoạt động lữ hành trong nước và quốc tế để phục vụ du khách khi sân
bay quốc tế Trà Nóc và cầu Cần Thơ hoàn thành. Tăng cường đầu tư, hoàn thành cơ
bản cơ sở hạ tầng du lịch theo quy hoạch và có chính sách hấp dẫn để thu hút
mạnh đầu tư du lịch.
- Phối hợp với Tổng cục Du lịch xây dựng và đưa vào
hoạt động Trường Trung cấp Du lịch Cần Thơ.
3. Nhiệm vụ chủ yếu:
- Nhận thức đúng mức vị trí, tầm quan trọng của du
lịch trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đô thị hóa của thành phố
trực thuộc Trung ương và trung tâm khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tăng cường
đầu tư cả nhân lực, tài lực, cơ chế chính sách hữu hiệu để thu hút mạnh mẽ các
thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch, đưa du lịch
thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố;
- Phát triển du lịch bền vững, đúng qui hoạch, bảo
đảm hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển theo hướng du lịch
sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch hội nghị hội thảo, đi đôi với phát
triển nhanh chóng các sản phẩm và dịch vụ du lịch hiện đại, hấp dẫn để thu hút
du khách;
- Không ngừng phấn đấu để thành phố Cần Thơ trở thành
trung tâm du lịch đồng bằng sông Cửu Long;
- Đến năm 2010 tập trung thực hiện các nhiệm vụ cụ
thể sau:
+ Phát triển theo hướng du lịch xanh, du lịch sinh
thái với các sản phẩm dịch vụ du lịch đa dạng, đặc thù dựa vào tiềm năng, lợi
thế của vùng đồng bằng sông nước, hệ thống cồn trên sông Hậu kết hợp với tham
quan di tích lịch sử văn hóa.
+ Phối hợp với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông
Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong cả nước để khai
thác tốt nhất vị trí trung tâm trung chuyển du khách, hình thành các tuyến du
lịch sinh thái, du khảo văn hóa hấp dẫn, an toàn; phát triển các tour du lịch
liên vùng và quốc tế.
+ Đầu tư xây dựng từ 1 đến 2 khu du lịch tầm cỡ và
hiện đại gắn với du lịch sông nước miệt vườn, xúc tiến kêu gọi đầu tư khu resort
nghỉ dưỡng tiến tới xây dựng khi có điều kiện.
+ Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình cầu đường
qua cồn Khương, thúc đẩy hình thành khu du lịch cồn Khương.
+ Đầu tư xây dựng 1 đến 2 khách sạn từ 4 đến 5 sao
gắn với hội nghị, hội thảo.
+ Đưa Trường Trung cấp du lịch Cần Thơ đi vào hoạt
động đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bằng sông Cửu Long.
+ Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đẩy nhanh
xã hội hóa du lịch.
+ Xây dựng một số nhà hàng có qui mô phục vụ từ 500
khách trở lên, tăng cường các dịch vụ và đầu tư thêm các tuyến điểm tham quan
như: Lộ Vòng Cung - phố đi bộ dọc Bến Ninh Kiều - chợ đêm Tây Đô, du lịch đường
thủy dọc sông Mekong.
+ Xây dựng khu Trung tâm văn hóa Tây Đô đáp ứng yêu
cầu là nơi giáo dục truyền thống, tổ chức lễ hội, du lịch vui chơi, giải trí
cho cả vùng và giữ gìn bản sắc văn hóa miền Tây Nam Bộ.
4. Các chỉ tiêu chủ yếu:
4.1. Khách du lịch:
- Khách quốc tế: năm 2010 sẽ thu hút trên 220.000
lượt khách, năm 2015 là 440.000 lượt khách và năm 2020 là 800.000 lượt khách;
- Khách nội địa có lưu trú: năm 2010 đón 800.000
lượt khách, năm 2015 là 1,6 triệu lượt khách và đến năm 2020 là 2,6 triệu lượt
khách;
- Khách không lưu trú: năm 2010 phục vụ 1 triệu lượt
khách, và năm 2020 phục vụ 1,4 triệu khách.
4.2. Doanh thu du lịch và tỷ trọng trong
cơ cấu GDP:
- Doanh thu: năm
2010: 1.072 tỷ; năm 2015: 3.160 tỷ và đến năm 2020: 8.638 tỷ;
- Tỷ trọng trong cơ cấu GDP: năm 2010 đạt 3,83%;
năm 2015 đạt 4,08% và năm 2020 đạt 9,64%.
4.3. Nhu cầu phòng lưu trú và nhu cầu lao
động:
- Nhu cầu phòng lưu trú: năm 2010 cần 4.330 phòng,
năm 2015 cần 10.360 phòng và năm 2020 là 21.430 phòng với công suất sử dụng đạt
70%.
- Nhu cầu lao động:
+ Lao động trực tiếp: năm 2010: 6.930 lao động, năm
2015: 16.570 lao động, năm 2020: 38.600 lao động
+ Lao động gián tiếp: năm 2010: 12.470 lao động,
năm 2015: 29.840 lao động, năm 2020: 77.180 lao động.
5. Đầu tư phát triển du lịch (có phụ lục đính kèm):
Tổng vốn đầu tư đến năm 2020 là 4.973 tỷ đồng,
trong đó:
5.1. Nguồn vốn đầu tư:
- Vốn Trung ương hỗ trợ 712 tỷ đồng, chiếm 14,32%
tổng vốn đầu tư;
- Vốn ngân sách địa phương 426 tỷ đồng, chiếm
8,57%;
- Vốn huy động 2.695 tỷ đồng, chiếm 54,19%;
- Vốn nước ngoài (ODA, FDI) 1.140 tỷ đồng, chiếm
22,92%.
5.2. Hạng mục đầu tư:
- Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch: 993 tỷ
đồng, chiếm 19,97%.
- Các dự án đầu tư phát triển du lịch: 3.980 tỷ đồng,
chiếm 80,03%
5.3. Phân kỳ đầu tư:
- Giai đoạn 2006 - 2010: 2.603 tỷ đồng, chiếm 52,34%
tổng vốn đầu tư
- Giai đoạn 2011 - 2015: 1.410 tỷ đồng, chiếm
28,35%
- Giai đoạn 2016 - 2020: 960 tỷ đồng, chiếm
19,31%.
6. Các chính sách và giải pháp thực hiện:
6.1. Các chính sách:
- Chính sách về thuế: trên cơ sở các chính sách thuế
của Nhà nước, kiến nghị thực hiện một số cơ chế đặc thù của địa phương như: ưu
tiên miễn giảm thuế sử dụng đất, giá thuê đất… ở những khu vực có điều kiện
phát triển không thuận lợi, hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém, miễn giảm thuế
trong những năm đầu đối với một số lĩnh vực kinh doanh du lịch còn mới, các
hoạt động du lịch mang tính cộng đồng;
- Chính sách về
huy động vốn đầu tư: cải cách và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, có cơ chế
khuyến khích đầu tư và tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư trong và ngoài
nước, nhất là ở khu du lịch quốc gia “Hệ thống cồn dọc sông Hậu”, các dự án đầu
tư phát triển du lịch lớn và một số khách sạn có quy mô từ 4 - 5 sao, khu
resort;
- Về thị trường: thực hiện các cơ chế, chính sách
phù hợp cho từng thị trường kể cả thị trường trong nước và nước ngoài; chú ý
thị trường khách du lịch lễ hội, hội chợ triển lãm và hội nghị, hội thảo, khách
nghỉ dưỡng cuối tuần và quá cảnh;
- Chính sách đối với doanh nhân và doanh nghiệp du
lịch: tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động, cạnh tranh lành mạnh;
các doanh nghiệp chủ động xây dựng chương trình mục tiêu cụ thể để thực hiện
chính sách thị trường, thu hút khách, nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, thúc đẩy
doanh nhân, doanh nghiệp hoạt động du lịch trực tiếp hoặc gián tiếp mở rộng qui
mô hoạt động theo yêu cầu phát triển;
- Chính sách về khoa học kỹ thuật: đầu tư thích đáng
cho nghiên cứu khoa học; khuyến khích các nhà khoa học, các chuyên gia trong
ngành, các nhà chuyên môn tham gia nghiên cứu, xây dựng các chuyên đề khoa học
công nghệ trong lĩnh vực du lịch; sử dụng và đãi ngộ hợp lý nhân tài, đội ngũ
nhân lực có nghiệp vụ tốt tham gia và phục vụ sự nghiệp phát triển du lịch
thành phố.
6.2. Các giải pháp thực hiện:
- Triển khai thực hiện và cụ thể hóa qui hoạch phát
triển không gian du lịch, các điểm, cụm du lịch chủ yếu;
- Đầu tư phát triển du lịch: hằng năm, ngân sách
cần dành một tỉ lệ thích đáng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch; đầu tư có
trọng tâm, trọng điểm và theo đúng qui hoạch làm cơ sở thúc đẩy phát triển du
lịch trên địa bàn; thực hiện có hiệu quả xã hội hóa, huy động mọi nguồn vốn để
giải quyết về nhu cầu đầu tư, phát triển du lịch, khuyến khích các thành phần
kinh tế tham gia thông qua các nguồn vốn của doanh nghiệp, vốn vay ngân hàng,
vốn đầu tư nước ngoài, cổ phần hóa. . .;
- Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút và mở rộng
thêm thị trường: đẩy mạnh khai thác các sản phẩm du lịch truyền thống, đầu tư
phát triển loại hình du lịch dịch vụ MICE; đầu tư thêm nhiều dịch vụ hỗ trợ và
không ngừng nâng cao chất lượng để phục vụ tốt nhất nhu cầu khách du lịch. Tổ
chức và khai thác có hiệu quả các dịch vụ tham quan, lưu trú, ăn uống, vui chơi
giải trí tại các hệ thống các điểm, khu du lịch…;
- Tăng cường mối quan hệ liên ngành và liên vùng
được coi là chiến lược lâu dài và cơ bản để phát triển du lịch. Chủ động đẩy mạnh
quan hệ liên kết, hợp tác với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng, coi
tài nguyên du lịch của các tỉnh là tài nguyên du lịch của cả vùng để cùng tổ
chức và khai thác, tạo thế và lực mới để cùng nhau phát triển;
- Đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch,
quảng bá hình ảnh du lịch Cần Thơ - nơi hội tụ “văn minh sông nước Cửu Long”, xây
dựng thương hiệu du lịch Cần Thơ trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế;
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông
tin vào công tác quảng bá xúc tiến du lịch, nâng cấp website du lịch Cần Thơ,
giới thiệu sản phẩm du lịch qua mạng. Tranh thủ sự hỗ trợ của các cá nhân và tổ
chức quốc tế, Tổng cục Du lịch cho các chương trình quảng bá xúc tiến du lịch
Cần Thơ đạt hiệu quả tốt hơn và xa hơn;
- Tăng cường tính chủ động trong việc
hội nhập và hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ nguồn lực bên ngoài, tăng nguồn khách,
nguồn vốn đầu tư và kinh nghiệm phát triển du lịch của cả nước để khai thác tốt
nhất tiềm năng du lịch của khu vực lưu vực sông Mekong;
- Đầu tư, nâng cao năng lực đào tạo cho Trường Trung
cấp Du lịch Cần Thơ, đủ sức đảm nhận công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực,
trình độ chuyên môn cho thành phố Cần Thơ và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đẩy
mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường năng lực hệ thống quản lý phát triển nguồn
nhân lực du lịch;
- Nâng cao nhận thức toàn diện về du lịch, bảo
vệ môi trường du lịch, xây dựng phong trào toàn dân nhận thức đầy đủ về du lịch
và làm du lịch. Nâng cao trách nhiệm của các cấp các ngành và nhân dân thành phố
về năng lực giao tiếp, tinh thần mến khách để góp phần xây dựng con người Cần
Thơ “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch”;
- Kiện toàn bộ máy tổ chức nhà nước về du lịch địa
phương theo hướng tinh gọn, thực hiện luân chuyển cán bộ phù hợp năng lực và
trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Phát huy vai trò tham mưu của Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch giúp Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng
quản lý nhà nước đối với tất cả đối tượng, thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt
động kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố. Tiếp tục cải
cách hành chính, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường phòng chống tệ nạn
xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách và bảo vệ môi trường du
lịch trên địa bàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển du
lịch và Hiệp hội du lịch thành phố Cần Thơ;
- Thành lập các bộ phận chuyên trách tại các địa
bàn trọng điểm du lịch. Đối với các dự án phát triển khu du lịch, công trình du
lịch quan trọng cần thành lập bộ phận kêu gọi, xúc tiến đầu tư để khi dự án đi vào
hoạt động sẽ trở thành Ban quản lý để quản lý và điều hành dự án;
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao
và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, quận, huyện triển khai
thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các dự án cụ thể phù hợp với nội dung đã được
phê duyệt. Chỉ đạo đầu tư tập trung, có trọng điểm, nhất là các công trình đầu
tư cơ sở hạ tầng, tạo động lực cho phát triển du lịch bền vững. Đổi mới tổ chức,
quản lý và cải cách hành chính phù hợp với quy định pháp luật, tạo môi trường
thuận lợi khuyến khích thu hút đầu tư các dự án du lịch trọng điểm.
Điều 3. Các sở, ban, ngành thành phố có trách
nhiệm phối hợp, hỗ trợ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quá trình thực
hiện chương trình để đạt được mục tiêu đề ra. Trong quá trình thực hiện, Giám
đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi để báo
cáo và đề xuất giải pháp điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phù hợp với điều kiện
thực tế của địa phương trình Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ xem xét quyết
định.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, giám đốc
các sở, thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận,
huyện và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.