Quyết định 2166/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật” do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Số hiệu 2166/QĐ-UBND
Ngày ban hành 08/11/2010
Ngày có hiệu lực 08/11/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Văn Cao
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2166/QĐ-UBND

Huế, ngày 08 tháng 11 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÔNG TÁC THEO DÕI TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT” CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 1987/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật”;

Căn cứ Thông tư số 03/2010/BTP ngày 03 tháng 3 năm 2010 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 113/STP-KTTDTHPL ngày 09 tháng 8 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật” của Thủ tướng Chính phủ và kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch (có kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Hương Thuỷ, thành phố Huế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cao

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÔNG TÁC THEO DÕI THI HÀNH PHÁP LUẬT” CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
(Kèm theo Quyết định số 2166 /QĐ-UBND ngày 08 tháng 11 năm 2010 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

I. SỰ CẤN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN

Xây dựng và thi hành pháp luật luôn là những vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo cho pháp luật được thi hành một cách nghiêm minh, phát huy tốt vai trò là công cụ quản lý nhà nước và xã hội. Đến nay, nước ta đã có một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, đồng bộ, điều chỉnh một cách toàn diện các lĩnh vực của đời sống đất nước. Tuy nhiên, pháp luật chỉ thực sự phát huy được vai trò của mình trong quản lý nhà nước và xã hội khi được thi hành một cách đầy đủ và nghiêm minh trên thực tế. Thi hành pháp luật là hoạt động có ý nghĩa quyết định hiệu lực, hiệu quả của các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Song, trên thực tế, công tác thi hành pháp luật còn có những khiếm khuyết nhất định. Vẫn còn tình trạng pháp luật không được thi hành nghiêm minh, đồng bộ.

Theo quy định tại Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, thì một trong những chức năng mà Bộ Tư pháp được giao thực hiện là chức năng quản lý nhà nước về công tác thi hành pháp luật. Để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật ở địa phương, ngày 16/02/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 8 Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, Sở Tư pháp có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn cấp tỉnh.

Các văn bản pháp luật nêu trên là những cơ sở pháp lý quan trọng bước đầu để Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật. Tuy nhiên, theo dõi tình hình thi hành pháp luật là nhiệm vụ mới, rất quan trọng và chưa có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện, đây cũng là nhiệm vụ có ý nghĩa xã hội lớn và có liên quan đến tổ chức và hoạt động của tất cả các cơ quan tổ chức từ Trung ương đến địa phương. Trong khi đó, các văn bản nêu trên mới chỉ giao nhiệm vụ chung cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, chưa quy định cụ thể về nội dung, phương thức cũng như trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện và phối hợp thực hiện.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục đích.

a) Đánh giá thực trạng và hiệu quả thi hành pháp luật; kịp thời thay thế, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và huỷ bỏ những văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.

b) Quán triệt nội dung, đôn đốc chỉ đạo việc tổ chức thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

c) Xác định rõ những nội dung cụ thể đối với các hoạt động để thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc triển khai công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

d) Thay đổi thể chế về công tác theo dõi thi hành pháp luật tại địa phương.

2. Yêu cầu.

a) Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, toàn diện và kịp thời trên mọi lĩnh vực thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.

[...]