Quyết định 2140/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Quy hoạch phát triển chăn nuôi tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020

Số hiệu 2140/QĐ-UBND
Ngày ban hành 17/09/2010
Ngày có hiệu lực 17/09/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Nguyên
Người ký Đặng Viết Thuần
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2140/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 17 tháng 09 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI TỈNH THÁI NGUYÊN ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP, ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 58/2007/QĐ-TTg, ngày 04/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BKH, ngày 07/02/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 92/2007/NĐ-CP;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 1165/TTr-SNN ngày 23/7/2010 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển chăn nuôi tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển chăn nuôi tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

I. Mục tiêu phát triển

1. Đến năm 2015

Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng sản xuất ngành chăn nuôi bình quân thời kỳ 2011 - 2015 là 12%/năm. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi (giá TT) năm 2015 đạt 4.096.968 triệu đồng, chiếm 37,2% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Nâng cao chất lượng đàn vật nuôi: tỷ lệ lợn nái ngoại và nái lai chiếm 50%; sử dụng giống bò được cải tạo 43,8% tổng đàn; gia cầm giống mới 50%.

Phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại. Tỷ lệ chăn nuôi tập trung: 14,5% đàn lợn, 6% đàn trâu, 10,3% đàn bò; 24,4% đàn gia cầm.

Năm 2015 đàn lợn 883 nghìn con; đàn bò 66,7 nghìn con, đàn trâu 105 nghìn con và đàn gia cầm 7.500 nghìn con (gà: 6.227 nghìn con; vịt: 1.273 nghìn con).

SL thịt hơi các loại 107,7 nghìn tấn (Thịt lợn 92,5 nghìn tấn; thịt bò 2,55 nghìn tấn; thịt trâu 3,3 nghìn tấn; thịt gia cầm 9,4 nghìn tấn; trứng 104 triệu quả).

2. Đến năm 2020

Tốc độ tăng trưởng GTSX ngành chăn nuôi 2016 - 2020 là 9,0%/năm. GTSX ngành chăn nuôi (giá TT) đến năm 2020 đạt khoảng 7.390.054 triệu đồng, chiếm 44,9% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Tổng đàn: lợn 1.105 nghìn con; trâu: 106 nghìn con; bò 80,8 nghìn con; gia cầm 8.850 nghìn con (gà: 7.347 nghìn con; vịt: 1.503 nghìn con).

SL thịt hơi các loại 140,21 nghìn tấn (Lợn 122 nghìn tấn; gia cầm 11,3 nghìn tấn; trâu 3,36 nghìn tấn; bò 3,5 nghìn tấn, trứng 135 triệu quả).

Tiếp tục phát triển chăn nuôi hàng hoá theo hướng trang trại tập trung với phương thức chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp. Tỷ lệ chăn nuôi tập trung: đàn lợn 35,0%; trâu 25,0%; bò thịt 25,0%; gia cầm 55,0% tổng đàn.

Nâng cao chất lượng: tỷ lệ giống nạc 85% tổng đàn; bò lai Zebu 57,4% tổng đàn; gia cầm 90% tổng đàn.

II. Nội dung Quy hoạch phát triển các loại vật nuôi

1. Chăn nuôi gia súc:

a. Chăn nuôi lợn:

Tốc độ tăng trưởng đàn giai đoạn 2011 - 2015 là 8,32 %/năm; 2016 - 2020 là 4,6%/năm. Dự kiến tổng đàn năm 2015 có 883 nghìn con và năm 2020 là 1.105 nghìn con. Tỷ lệ đàn lợn chất lượng cao năm 2015 là 30% và năm 2020 là 50%.

Dự kiến năm 2015 đàn lợn nái là 153.640 con; đàn lợn thịt là 729.360 con. Năm 2020 đàn nái là 192.270 con; đàn lợn thịt 912.730 con. Trong nội bộ đàn nái sinh sản: tỷ lệ lợn nái nội giảm từ 91,6% năm 2009 xuống 50% năm 2015 và 20% năm 2020, đàn nái ngoại sinh sản tăng từ 4,5% năm 2009 lên 40% năm 2015 và 65% năm 2020; đàn nái lai sinh sản tăng từ 3,9% năm 2009 lên 15% năm 2020.

[...]