Quyết định 2094/QĐ-BGTVT năm 2020 về Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 05 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 2094/QĐ-BGTVT
Ngày ban hành 06/11/2020
Ngày có hiệu lực 06/11/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Nguyễn Văn Thể
Lĩnh vực Thương mại,Tài nguyên - Môi trường

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2094/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TỔNG THỂ VÀ KẾ HOẠCH 05 NĂM CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 36-NQ/TW NGÀY 22 THÁNG 10 NĂM 2018 CỦA HỘI NGHỊ LẦN THỨ TÁM BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XII VỀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ BIỂN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 05 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 05 năm của Bộ Giao thông vận tải thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ; Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư; Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Như Điều 3;
- Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Ban Kinh tế Trung ương;
- Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP;
- Bộ trưởng và các Thứ trưởng;
- Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương;
- Các Bộ: Quốc phòng; KH&ĐT; Công an; TN&MT; KH&CN; Tài chính: VH, TT và Du lịch; NN&PTNT; TT&TT;
- Các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương;
- Đảng ủy cơ quan Bộ GTVT;
- Các cơ quan trực thuộc Bộ;
- Lưu VT, KHĐT (05).

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Thể

 

KẾ HOẠCH TỔNG THỂ VÀ KẾ HOẠCH 05 NĂM CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 36-NQ/TW NGÀY 22 THÁNG 10 NĂM 2018 CỦA HỘI NGHỊ LẦN THỨ TÁM BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XII VỀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ BIỂN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2094/QĐ-BGTVT ngày 06 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

I. MỤC TIÊU

Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 05 năm này xác định nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị thuộc ngành giao thông vận tải thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm phát huy vai trò, vị trí ngành giao thông vận tải đối với kinh tế biển nói riêng và nền kinh tế cả nước nói chung; góp phần xây dựng Việt Nam trở thành một nước mạnh về biển, làm giàu từ biển, phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, hải đảo, ven biển và hội nhập với kinh tế quốc tế; góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia có biển, đảo, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của đất nước; xây dựng vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. NHIỆM VỤ CHUNG

Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 05 năm của Bộ Giao thông vận tải thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa đặc biệt với ngành giao thông vận tải nói chung và ngành hàng hải nói riêng do đây là một ngành kinh tế - vận tải đặc thù, có vai trò và tiềm năng rất lớn trong việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải cần nghiên cứu kỹ lưỡng để nắm vững, quán triệt nội dung Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trên cơ sở các mục tiêu, yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 nêu trên, ngành giao thông vận tải cần chủ động, tích cực xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các hoạt động trong mọi lĩnh vực của ngành, đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế hàng hải: Khai thác cảng biển, cảng cạn; vận tải biển; dịch vụ hàng hải và logistics; đầu tư có hiệu quả tăng cường kết nối giữa đường biển với các loại hình vận tải đường sắt, đường bộ, hàng không, đường thủy nội địa; chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng (luồng hàng hải, đê chắn sóng, các đèn biển, trạm hải đăng, phao tiêu báo hiệu...); kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa đầu tư bến cảng biển theo quy hoạch; chú trọng công tác đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường; phát triển đội tàu biển, tàu ven biển hiện đại và thân thiện môi trường; phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các Bộ ngành trong tìm kiếm cứu nạn trên biển và trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

2. KẾ HOẠCH TỔNG THỂ ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

2.1. Hoàn thiện thể chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch ngành:

- Tiếp tục tập trung xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành hàng hải theo nguyên tắc phát triển bền vững, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với chuẩn mực luật pháp và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; tạo hành lang pháp lý thuận lợi để hỗ trợ, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực và chuyển giao tri thức về biển; tích cực tham gia và chủ động thúc đẩy hình thành cơ chế toàn cầu và khu vực liên quan đến biển và đại dương.

- Xây dựng Quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch đối với các lĩnh vực: Hàng hải (lưu ý nghiên cứu Quy hoạch phát triển cảng Sóc Trăng và bến cảng Trần Đề), hàng không; đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt; đảm bảo tính kết nối thuận lợi giữa các loại hình vận tải nhằm nâng cao năng lực vận tải hàng hóa; phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương tổ chức thực hiện quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch được duyệt, đảm bảo phát triển đồng bộ các loại hình vận tải; hỗ trợ thủ tục các doanh nghiệp cảng biển đầu tư và khai thác bến cảng theo quy hoạch.

- Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý chuyên ngành hàng hải, góp phần duy trì an toàn, an ninh hàng hải trong vùng biển Việt Nam.

[...]