Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 2088/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án “Bảo đảm an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”

Số hiệu 2088/QĐ-UBND
Ngày ban hành 26/07/2023
Ngày có hiệu lực 26/07/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nguyễn Thị Hạnh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2088/QĐ-UBND

Quảng Ninh, ngày 26 tháng 7 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN “BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức Chính quyền địa phương năm 2019;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010;

Căn cứ Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới;

Căn cứ Quyết định số 426/QĐ - TTg ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới;

Căn cứ Quyết định số 1384/QĐ-BNN-QLCL ngày 15/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc Phê duyệt Đề án “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2025”;

Theo đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 2125/TTr-SYT ngày 29/5/2023, ý kiến thống nhất của các Thành viên Ban cán sự đảng UBND tỉnh, ý kiến thống nhất của các Thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Đề án “Bảo đảm an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Bảo đảm an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (sau đây gọi tắt là Đề án) bao gồm các nội dung sau:

I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG

- Bảo đảm ATTP chính là bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân, là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng cần tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả của các cấp chính quyền; là trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân sản xuất, KDTP và của mỗi người dân;

- Bảo đảm ATTP, nâng cao chất lượng gắn với truy xuất nguồn gốc theo chuẩn mực Quốc tế, được thực hiện từ gốc, tại từng công đoạn và trong toàn bộ trong chuỗi giá trị ngành hàng nông lâm thủy sản;

- Huy động các nguồn lực xã hội nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản;

- Tập trung nguồn lực hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật; tăng cường năng lực thực thi pháp luật; đổi mới, chuẩn hóa, đẩy mạnh áp dụng biện pháp quản lý tiên tiến phù hợp tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành, hội nhập kinh tế quốc tế.

- Phải xác định an ninh, ATTP là vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài; tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân dân, chất lượng giống nòi dân tộc. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý ATTP; tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kể cả về hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về ATTP, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý ATTP

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu chung

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về ATTP từ tuyến tỉnh đến tuyến xã đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm kiểm soát tốt hơn, toàn diện hơn công tác bảo đảm ATTP phù hợp với các điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.

Phát triển liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tập trung phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm lợi thế của tỉnh nhằm thiết lập các liên kết bền vững từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến lưu thông, tiêu thụ, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; kiểm soát chất lượng, ATTP tại tất cả các công đoạn trên cơ sở phân tích và quản lý nguy cơ.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Giai đoạn đến năm 2025.

2.1.1. Tăng cường năng lực hệ thống quản lý ATTP

- 100 % Ban Chỉ đạo các cấp được kiện toàn, bổ sung đầy đủ các thành viên, Chủ tịch UBND làm trưởng Ban Chỉ đạo, có xây dựng quy chế hoạt động có phân công rõ trách nhiệm các thành viên Ban Chỉ đạo.

- 100% các địa phương kiện toàn hệ thống nguồn nhân lực tại các cơ quản lý nhà nước về ATTP phù hợp với phân công, phân cấp;

- 100% cán bộ làm công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra về ATTP; cán bộ quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản từ tỉnh đến địa phương được đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật hàng năm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và quản lý về ATTP.

- Kiểm tra công tác quản lý nhà nước về ATTP của 13 địa phương trên địa bàn tỉnh.

[...]