Quyết định 2027/QĐ-BNN-BVTV năm 2015 phê duyệt Đề án Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2015 - 2020 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 2027/QĐ-BNN-BVTV
Ngày ban hành 02/06/2015
Ngày có hiệu lực 02/06/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Đức Phát
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2027/QĐ-BNN-BVTV

Hà Nội, ngày 02 tháng 06 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG QUẢN LÝ DỊCH HẠI TỔNG HỢP (IPM) TRÊN CÂY TRỒNG GIAI ĐOẠN 2015 - 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và PTNT;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25/11/2013;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 ngày 29/11/2005;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng giai đoạn 2015 - 2020 (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM

- Mở rộng ứng dụng IPM trên cây trồng nhằm góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ môi trường; tăng hiệu quả sản xuất và phát triển nông nghiệp bền vững.

- Ứng dụng IPM ở Việt Nam dựa trên nguyên tắc hài hòa với các nước trong khu vực và trên thế giới;

- Trên cơ sở tiếp cận sinh thái để quản lý dịch hại và bảo tồn thiên địch, thông qua áp dụng hài hòa các biện pháp canh tác, tăng khả năng chống chịu của cây trồng, giảm sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật.

- Phát huy mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế hộ gia đình và hỗ trợ của nhà nước trong áp dụng IPM.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường, an toàn thực phẩm; góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành trồng trọt trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn xa hơn.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

- Trên 90% số xã có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả về IPM.

- Đối với cây lúa: Có 80% diện tích ứng dụng IPM đầy đủ; trên 70% số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; lượng thuốc hóa học trừ sâu, bệnh giảm trên 50%, lượng phân đạm giảm trên 10%, lượng giống giảm trên 30%, lượng nước tưới giảm trên 20%, phát thải khí nhà kính giảm trên 20% và tăng hiệu quả sản xuất trên 10%.

- Đối với cây ngô, màu: Có 70% diện tích ứng dụng IPM đầy đủ; trên 70% số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; lượng thuốc hóa học trừ sâu, bệnh giảm trên 30%, lượng giống giảm trên 20% và tăng hiệu quả sản xuất trên 50%.

- Đối với cây rau: Có 70% diện tích ứng dụng IPM đầy đủ; trên 70% số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; lượng thuốc hóa học trừ sâu, bệnh giảm trên 50%, lượng phân đạm giảm trên 20%, lượng giống giảm trên 20% và tăng hiệu quả sản xuất trên 30%.

- Đối với cây ăn quả: 80% diện tích ứng dụng IPM đầy đủ; trên 70% số hộ nông dân sản xuất cây ăn quả hiểu biết và áp dụng IPM; lượng thuốc hóa học trừ sâu, bệnh giảm trên 30%, tăng hiệu quả sản xuất trên 20%.

- Đối với cây công nghiệp dài ngày: 85% diện tích ứng dụng IPM đầy đủ; trên 80% số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; lượng thuốc hóa học trừ sâu, bệnh giảm trên 50% và tăng hiệu quả sản xuất trên 15%.

III. NHIỆM VỤ

1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sản xuất và cộng đồng

- Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động cộng đồng áp dụng IPM trên cơ sở kết hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên,...), các cơ quan thông tin đại chúng.

- Tổ chức thực hiện đồng bộ kế hoạch tuyên truyền, bao gồm: In ấn tờ rơi, pano-apphic, bản tin, câu chuyện truyền thanh, băng đĩa hình...; xây dựng ô trình diễn “không dùng thuốc trừ sâu sớm, giảm đạm, giảm mật độ”; tuyên truyền trên truyền hình, báo, đài phát thanh, truyền thanh.

[...]