Quyết định 201/QĐ-HĐLSTQ năm 2019 về Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam do Hội đồng Luật sư toàn quốc ban hành

Số hiệu 201/QĐ-HĐLSTQ
Ngày ban hành 13/12/2019
Ngày có hiệu lực 13/12/2019
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Hội đồng Luật sư toàn quốc
Người ký Đỗ Ngọc Thịnh
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý,Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG LUẬT SƯ TOÀN QUỐC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 201/QĐ-HĐLSTQ

Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH BỘ QUY TẮC ĐẠO ĐỨC VÀ ỨNG XỬ NGHỀ NGHIỆP LUẬT SƯ VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG LUẬT SƯ TOÀN QUỐC

Căn cứ Luật Luật sư;

Căn cứ Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt tại Quyết định số 1573/QĐ-BTP ngày 28 tháng 8 năm 2015;

Căn cứ Quy chế làm việc của Hội đồng Luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ Liên đoàn, các cơ quan giúp việc và đơn vị trực thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 27/QĐ-HĐLSTQ ngày 4/02/2016 của Hội đồng luật sư toàn quốc);

Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-HĐLSTQ ngày 9/10/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc nhiệm kỳ II, phiên họp thứ IX; Kết quả lấy ý kiến của Hội đồng Luật sư toàn quốc thông qua Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam theo Tờ trình số 06/TTr-BTV ngày 13/11/2019 của Ban Thường vụ Liên đoàn;

Xét đề nghị của Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam gồm Lời nói đầu, 06 Chương và 32 Quy tắc. Bộ Quy tắc này thay thế Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam được Hội đồng luật sư toàn quốc thông qua và ban hành ngày 20 tháng 7 năm 2011.

Điều 2. Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam là cơ sở để xây dựng các giá trị chuẩn mực của nghề luật sư; thực hiện việc giám sát, xem xét khen thưởng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật đối với luật sư trong phạm vi tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư.

Điều 3. Luật sư thành viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam có nghĩa vụ tuân thủ và thực hiện Bộ Quy tắc này.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam giải thích, hướng dẫn chi tiết các quy tắc trong Bộ Quy tắc này.

Điều 5. Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, Ủy viên Ban Thường vụ, các Ủy ban, Đơn vị trực thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ban Chủ nhiệm các Đoàn Luật sư, các luật sư thành viên Liên đoàn, Tổng thư ký Liên đoàn và các cá nhân, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Các Đoàn luật sư;
- Bộ Tư pháp (để b/c);
- Cục Bổ trợ tư pháp - BTP;
- Lưu: VPLĐ.

TM. HỘI ĐỒNG LUẬT SƯ TOÀN QUỐC
CHỦ TỊCH




LS.TS Đỗ Ngọc Thịnh

 

BỘ QUY TẮC

ĐẠO ĐỨC VÀ ỨNG XỬ NGHỀ NGHIỆP LUẬT SƯ VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng luật sư toàn quốc)

LỜI NÓI ĐẦU

Nghề luật sư ở Việt Nam là một nghề cao quý, bởi hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm mục đích góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp là nền tảng cơ bản của nghề luật sư. Luật sư phải có bổn phận tự mình nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn; nêu gương trong việc tôn trọng, chấp hành pháp luật; tự giác tuân thủ các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động hành nghề, trong lối sống và giao tiếp xã hội.

Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư quy định những chuẩn mực về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, là thước đo phẩm chất đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư. Mỗi luật sư phải lấy Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư làm khuôn mẫu cho sự ứng xử và tu dưỡng, rèn luyện để giữ gìn uy tín nghề nghiệp, thanh danh của luật sư, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội.

Chương I.

QUY TẮC CHUNG

Quy tắc 1. Sứ mệnh của luật sư

Luật sư có sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

[...]