Quyết định 20/2013/QĐ-UBND chính sách hỗ trợ sản xuất tại xã nghèo theo Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đến năm 2015 do tỉnh Lâm Đồng ban hành

Số hiệu 20/2013/QĐ-UBND
Ngày ban hành 02/04/2013
Ngày có hiệu lực 12/04/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Nguyễn Xuân Tiến
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 20/2013/QĐ-UBND

Đà Lạt, ngày 02 tháng 04 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ SẢN XUẤT TẠI CÁC XÃ NGHÈO THEO CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ GIẢM NGHÈO NHANH VÀ BỀN VỮNG ĐẾN NĂM 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;

Căn cứ Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh;

Căn cứ Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015;

Căn cứ Thông tư số 08/2009/TT-BNN ngày 26 tháng 02 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ;

Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành một số chính sách hỗ trợ sản xuất tại các xã nghèo do Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư theo Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, cụ thể như sau:

1. Khoán bảo vệ rừng và giao khoán đất lâm nghiệp để trồng rừng sản xuất:

a) Hộ gia đình và cộng đồng dân cư nhận khoán hoặc được giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên là rừng sản xuất có trữ lượng giàu, trung bình nhưng đang đóng cửa rừng được hưởng tiền khoán bảo vệ với mức 300.000 đồng/ha/năm.

Không hỗ trợ cho diện tích rừng được giao quản lý, chăm sóc bảo vệ từ nguồn dịch vụ môi trường rừng, các chương trình, dự án khác có mức chi trả cao hơn 300.000 đồng/ha/năm. Đối với diện tích đã giao khoán từ nguồn dịch vụ môi trường rừng, các chương trình, dự án khác thấp hơn 300.000 đồng/ha/năm thì được cấp bù số chênh lệch để đạt mức 300.000 đồng/ha/năm.

Hộ nhận quản lý, chăm sóc bảo vệ rừng phải thực hiện đúng hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng, nếu để xảy ra cháy rừng, rừng bị phá, khai thác lâm sản trái phép trên diện tích được giao khoán phải hoàn trả một phần hoặc toàn bộ kinh phí giao khoán tùy vào mức độ vi phạm.

b) Hộ gia đình được hỗ trợ 05 triệu đồng/ha để tận dụng tạo đất sản xuất trong khu vực đất rừng nhận khoán, chăm sóc bảo vệ nếu đủ điều kiện sản xuất lương thực và một số cây trồng ngắn ngày khác phù hợp với quy chế quản lý bảo vệ rừng.

c) Hộ gia đình được giao khoán đất lâm nghiệp (theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh) để trồng rừng sản xuất, trồng cây cao su, trồng cây điều cao sản trên diện tích được giao khoán được hỗ trợ mua cây giống, phân bón và công chăm sóc với mức 8 triệu đồng/ha (nhưng không quá 02 ha); được hỗ trợ 02 triệu đồng/ha để chăm sóc rừng trồng năm thứ hai và 01 triệu đồng/ha để chăm sóc rừng trồng năm thứ ba.

Hộ gia đình được hưởng toàn bộ sản phẩm trên diện tích được giao.

d) Đối với diện tích đất quy hoạch cho nông nghiệp nhưng không có khả năng trồng cây nông nghiệp (đất xấu, cằn cỗi, độ dốc cao) chuyển sang trồng cây lâm nghiệp thì hộ gia đình được hỗ trợ như định mức trồng rừng sản xuất quy định tại điểm c, khoản 1 Điều này.

đ) Chi phí lập hồ sơ giao khoán chăm sóc bảo vệ rừng, giao đất trồng rừng cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư: các huyện sử dụng ngân sách sự nghiệp quản lý, bảo vệ rừng đã được tỉnh phân bố trong kế hoạch hàng năm.

2. Ngoài chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng và giao khoán đất lâm nghiệp để trồng rừng sản xuất nêu tại khoản 1 của Điều này; các hộ nghèo và hộ cận nghèo có đăng ký thoát nghèo, thoát cận nghèo còn được hỗ trợ thêm các chính sách sau (nhưng tổng số tiền hỗ trợ từ năm 2009 đến nay không quá 30 triệu đồng/hộ nghèo và 20 triệu đồng/hộ cận nghèo):

a) Hộ có đất sản xuất dưới 01 ha được hỗ trợ kinh phí khai hoang, phục hóa đủ 01 ha đất sản xuất nông nghiệp để đưa vào trồng lúa nước, hoa màu, cây công nghiệp, cây thức ăn gia súc và một số cây trồng khác.

- Mức hỗ trợ khai hoang 10 triệu đồng/ha:

Đất khai hoang là đất đã được quy hoạch cho sản xuất nông nghiệp nhưng đến trước thời điểm lập phương án khai hoang chưa giao cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng.

- Mức hỗ trợ phục hóa 05 triệu đồng/ha:

Đất phục hóa là đất được quy hoạch để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, đã có thời gian được sử dụng để sản xuất nông nghiệp nhưng sau đó diện tích trên không được sản xuất nên đã bị hoang hóa trở lại.

b) Được hỗ trợ thâm canh và chuyển đổi cây trồng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trên đất sản xuất nông nghiệp với mức 10 triệu đồng/ha (diện tích được hỗ trợ không quá 02 ha/hộ) để mua giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, công cụ máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.

c) Hộ không có hoặc có ít đất sản xuất nông nghiệp (dưới 0,5 ha/hộ) được hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ nhưng không quá 80% nhu cầu vốn để chuyển đổi ngành nghề hoặc mua giống vật nuôi, làm chuồng trại, mua giống cỏ, mua thức ăn gia súc, gia cầm.

[...]