Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Quyết định 1976/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1976/QĐ-TTg
Ngày ban hành 30/10/2013
Ngày có hiệu lực 30/10/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Thiện Nhân
Lĩnh vực Thương mại,Thể thao - Y tế

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1976/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN DƯỢC LIỆU ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật dược ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM QUY HOẠCH

1. Phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu ở Việt Nam trên cơ sở sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng về điều kiện tự nhiên và xã hội để phát triển các vùng trồng dược liệu, gắn với bảo tồn và khai thác hợp lý nguồn dược liệu tự nhiên; bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.

2. Phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng trồng dược liệu gắn với công nghiệp chế biến, cơ cấu sản phẩm đa dạng bảo đảm an toàn và chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và xuất khẩu.

3. Nhà nước hỗ trợ đầu tư về nghiên cứu và ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong việc bảo tồn nguồn gen, khai thác dược liệu tự nhiên, trồng trọt, chế biến dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu.

4. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển trồng dược liệu, đẩy mạnh xuất khẩu dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu, góp phần tăng dần tỷ trọng của ngành công nghiệp dược trong tổng sản phẩm nội địa (GDP).

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Phát triển dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới trang thiết bị trong nghiên cứu chọn tạo giống, trồng trọt, chế biến, chiết xuất, chuyển giao công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới.

b) Quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu phục vụ cho mục tiêu phát triển y tế và kinh tế; chú trọng bảo hộ, bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu quý, có giá trị; giữ gìn, phát huy và tăng cường bảo hộ vốn tri thức truyền thống về sử dụng cây thuốc của cộng đồng các dân tộc.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Bảo tồn và khai thác dược liệu tự nhiên

- Quy hoạch các vùng rừng, các vùng có dược liệu tự nhiên ở 8 vùng dược liệu trọng điểm bao gồm Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ để lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu (Phụ lục I), đạt khoảng 2.500 tấn dược liệu/năm.

- Xây dựng 05 vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia đại diện cho các vùng sinh thái, là nơi tập trung, bảo tồn và trồng mới nhiều loài cây thuốc được thu thập ở các địa phương khác nhau, đại diện cho vùng khí hậu đặc trưng để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và phát triển dược liệu. Phấn đấu đến năm 2020 bảo tồn được 50% và năm 2030 là 70% tổng số loài dược liệu của Việt Nam.

- Tập trung bảo hộ, bảo tồn nguồn gen đặc hữu, bản địa, có giá trị và có nguy cơ bị tuyệt chủng cao. Từng bước bảo vệ an toàn số loài cây thuốc đang có nguy cơ tuyệt chủng để phát triển bền vững trong tự nhiên.

- Ngăn chặn hiệu quả nguồn gen bản địa bị đánh cắp và đưa ra nước ngoài trái pháp luật.

b) Phát triển trồng cây dược liệu

- Quy hoạch phát triển 54 loài dược liệu thế mạnh của 8 vùng sinh thái (Phụ lục II) phù hợp với điều kiện sinh trưởng và phát triển của cây thuốc để đến năm 2020 đáp ứng được 60% và đến năm 2030 là 80% tng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước, tăng cường khả năng xuất khẩu dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu trong nước.

- Xây dựng các vùng trồng dược liệu tập trung phù hợp với từng vùng sinh thái, có quy mô đáp ứng nhu cầu thị trường; phấn đấu đến năm 2020 xây dựng quy trình và trồng 60 loài dược liệu và đến năm 2030 là 120 loài dược liệu tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO).

c) Phát triển nguồn giống dược liệu

- Phấn đấu cung cấp đủ giống dược liệu cho nhu cầu trồng và phát triển dược liệu ở quy mô lớn. Đến năm 2020 cung ứng được 60% và đến năm 2030 là 80% giống dược liệu sạch bệnh, có năng suất, chất lượng cao.

[...]