Quyết định 1976/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1976/QĐ-TTg
Ngày ban hành 30/10/2014
Ngày có hiệu lực 30/10/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Hoàng Trung Hải
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1976/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH HỆ THỐNG RỪNG ĐẶC DỤNG CẢ NƯỚC ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;

Căn cứ Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 07 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch hệ thống rừng, đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu quy hoạch

a) Mục tiêu tổng thể

Bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, giá trị cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các loài sinh vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm trong hệ thống rừng đặc dụng.

b) Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2020, đưa diện tích hệ thống rừng đặc dụng hiện có từ 2,2 triệu ha lên 2,4 triệu ha phù hợp với mục tiêu Chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 tại Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 07 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ;

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng theo tiêu chí quy định tại Điều 5 Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng (dưới đây viết tắt là Nghị định 117/2010/NĐ-CP);

- Hoàn thành xác định ranh giới, cắm mốc các phân khu chức năng và vùng đệm của các khu rừng đặc dụng; phân định rõ ràng diện tích đất quy hoạch cho các mục đích khác với diện tích quy hoạch cho hệ thống rừng đặc dụng nhằm phát triển hài hòa công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và bảo tồn các loài sinh vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

2. Nội dung quy hoạch

a) Rà soát, điều chỉnh quy hoạch đối với 164 khu rừng đặc dụng phù hợp với kết quả rà soát quy hoạch lại 03 loại rừng theo Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ; thống nhất với phân hạng các khu rừng đáp ứng tiêu chí theo quy định. Hoàn thiện hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020 đạt 2,4 triệu ha, bao gồm 176 khu: 34 Vườn quốc gia, 58 Khu bảo tồn thiên nhiên, 14 Khu bảo tồn loài/sinh cảnh, 61 Khu bảo vệ cảnh quan và các Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học thuộc 09 đơn vị (Phụ lục I đính kèm).

b) Quy hoạch theo vùng, cụ thể như sau:

- Vùng Tây Bắc: Bảo vệ các hệ sinh thái rừng vùng núi thấp và trung bình, các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm như: Hổ (Panthera tigris corbetti), Voi (Elephas maximus), Pơ mu (Fokienia hodginsii), Sam lạnh (Abies delavayi var. nuliangensis), Thông Pà Cò (Pinus kwangtungensis) và một số loài quý, hiếm khác trong các khu rừng đặc dụng với tổng diện tích khoảng 222.000 ha, bao gồm:

+ Chuyển tiếp 10 khu bảo tồn thiên nhiên, 01 khu bảo vệ cảnh quan; điều chỉnh giảm diện tích 1.114 ha của Vườn quốc gia Ba Vì giao lại cho Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình quản lý sử dụng; quy hoạch khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học của Trung tâm khoa học lâm nghiệp Tây Bắc là 332,7 ha;

+ Thành lập mới khu bảo tồn thiên nhiên Mường La với diện tích khoảng 17.000 ha, nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học, bảo vệ lưu vực cho thủy điện Sơn La;

+ Loại bỏ 01 Khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học của Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp tại tỉnh Hòa Bình với diện tích 150 ha;

- Vùng Đông Bắc: Bảo vệ vùng sinh thái chuyển tiếp từ thềm lục địa ven biển, qua đồng bằng, đồi núi thấp tới núi trung bình và núi cao. Bảo tồn hệ sinh thái rừng gắn với những địa danh nổi tiếng như vịnh Hạ Long, núi Tam Đảo, hồ Ba Bể, dãy núi Hoàng Liên Sơn - Sa Pa,... và nhiều loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu như: Hoàng đàn (Cupressus torulosa), Lát hoa (Chukrasia tabularis), Đinh (Markhamia stipulata), Nghiến (Burretiodendron hsienmu), Trai (Garcinia fagraeoides), Voọc mũi hếch (Rhenopithecus avunculus), Voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus poliocephalus), Hươu xạ (Moschus berezovxki), cá Cóc Tam Đảo (Paramesotriton deloustali) với tổng diện tích khoảng 400.000 ha, bao gồm:

+ Chuyển tiếp 37 khu rừng đặc dụng hiện có, bao gồm: 05 Vườn quốc gia, 13 khu bảo tồn thiên nhiên, 03 khu bảo tồn loài sinh cảnh và 14 khu bảo vệ cảnh quan, 02 khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học;

+ Thành lập mới 03 khu bảo tồn thiên nhiên (Bát Xát tỉnh Lào Cai, Hồ Núi Cốc tỉnh Thái Nguyên và Chí Sán tỉnh Hà Giang); 02 khu bảo tồn loài và sinh cảnh (Mẫu Sơn, Bắc Sơn tỉnh Lạng Sơn); 05 khu bảo vệ cảnh quan (Mã Pì Lèng tỉnh Hà Giang, Suối Mỡ tỉnh Bắc Giang, Rừng văn hóa, lịch sử thành phố Hạ Long, khu rừng văn hóa lịch sử Yên Lập, khu văn hóa lịch sử Đông Triều tỉnh Quảng Ninh) và 01 khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học cho Trung tâm khoa học Lâm nghiệp vùng Trung tâm Bắc Bộ;

+ Chuyển hạng khu bảo tồn thiên nhiên Pia Oắc - Phia Đén thành Vườn quốc gia Pia Oắc - Phia Đén tỉnh Cao Bằng. Sáp nhập khu bảo tồn thiên nhiên Du Già với khu bảo tồn loài Khau Ca chuyển hạng thành Vườn quốc gia Du Già - Cao nguyên đá Đồng Văn, nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng núi đá vôi với các loài quý hiếm đặc biệt loài Voọc mũi hếch và di sản thiên nhiên Cao nguyên đá Đồng Văn;

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ