BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 1952/QĐ-TCHQ
|
Hà Nội, ngày 10
tháng 09 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ GIÁM SÁT, KIỂM TRA ĐỘT XUẤT TRONG NGÀNH HẢI QUAN
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13/11/2008 và
các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức;
Căn cứ Luật Phòng chống tham nhũng ngày 29/11/2005
và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tham nhũng;
Căn cứ Luật Hải quan ngày 29/6/2001, Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Hải quan ngày 14/6/2005 và các văn bản hướng dẫn
thi hành Luật Hải quan;
Căn cứ Quyết định số 02/2010/QĐ-TTg ngày
15/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và
cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;
Căn cứ Chỉ thị số 04/CT-BTC ngày 20/12/2011 của
Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương khi thi hành công vụ
trong ngành Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 2981/QĐ-BTC ngày 15/9/2004
của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức
hành chính, sự nghiệp Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế giám sát, kiểm tra
đột xuất trong ngành Hải quan.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế
các Quyết định số 1099/QĐ-TCHQ ngày 01/6/2009 về ban hành Quy chế giám sát, kiểm
tra đột xuất trong ngành Hải quan và Quyết định số 1743/QĐ-TCHQ ngày 07/9/2009
về sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 1099/QĐ-TCHQ ngày
01/6/2009.
Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan
có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Tài chính:
+ Lãnh đạo Bộ: để b/c;
+ Vụ TCCB, Thanh tra;
- Lãnh đạo TCHQ;
- Lưu: VT, TCCB (5b).
|
TỔNG CỤC TRƯỞNG
Nguyễn Ngọc Túc
|
QUY CHẾ
GIÁM
SÁT, KIỂM TRA ĐỘT XUẤT TRONG NGÀNH HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1952/QĐ-TCHQ ngày 10/9/2012 của Tổng cục
trưởng Tổng cục Hải quan)
Thời gian qua, việc triển khai hoạt động thanh tra,
kiểm tra của Tổng cục Hải quan và việc tự thanh tra, kiểm tra của các Cục Hải
quan tỉnh, thành phố chủ yếu theo chương trình, kế hoạch được lập sẵn; nội
dung, thời kỳ thanh tra, kiểm tra được thông báo công khai trước.
Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng ngừa, ngăn
chặn, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý sai phạm đối với công chức, viên chức Hải
quan khi đang thi hành công vụ, Tổng cục Hải quan ban hành Quy chế giám sát, kiểm
tra đột xuất trong ngành Hải quan như sau:
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng điều chỉnh
và phạm vi áp dụng
1. Đối tượng điều chỉnh: Công chức, viên chức trong
ngành Hải quan (gọi chung là công chức Hải quan) đang thực hiện quy trình, quy
chế, quy định về pháp luật Hải quan theo chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được
giao.
2. Phạm vi: Giám sát, kiểm tra đột xuất trong phạm
vi địa bàn hoạt động của Hải quan.
Chương 2.
QUY ĐỊNH GIÁM SÁT, KIỂM
TRA ĐỘT XUẤT
Điều 2. Căn cứ để tiến hành
giám sát, kiểm tra đột xuất
1. Theo thông tin phản ánh của cơ quan, tổ chức,
đơn vị, cá nhân; đơn thư tố cáo về sai phạm, tiêu cực, tham nhũng của công chức
Hải quan trong thực hiện thủ tục Hải quan.
2. Theo chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của công chức
Hải quan trong thực hiện quy trình, quy chế, quy định về pháp luật Hải quan.
3. Có dấu hiệu, hành vi gây phiền hà, sách nhiễu,
làm trái, nhận tiền, vật chất ngoài quy định của công chức Hải quan (gọi chung
là sai phạm của công chức Hải quan).
Điều 3. Phương thức hoạt động
giám sát, kiểm tra đột xuất
1. Không thông báo trước, không theo quy luật, bảo
đảm bí mật, bất ngờ nhằm phát hiện quả tang các hành vi sai phạm của công chức
Hải quan.
2. Kết hợp giữa giám sát với kiểm tra: Tiến hành
các biện pháp nghiệp vụ để giám sát, phát hiện, xác định những công chức Hải
quan có dấu hiệu, hành vi sai phạm để tiến hành kiểm tra;
3. Xâm nhập và thông qua chủ hàng, khách hàng, chủ
phương tiện khi làm thủ tục Hải quan để nắm thông tin, xác định vụ việc sai phạm
tại các khâu nghiệp vụ liên quan đến công chức Hải quan.
4. Phối hợp với lực lượng liên quan (Công an, Quản
lý thị trường, Thuế...) để thu thập tài liệu, xác minh làm rõ vụ việc sai phạm
liên quan đến công chức Hải quan.
Điều 4. Lực lượng giám sát, kiểm
tra đột xuất
1. Tiêu chuẩn của lực lượng giám sát, kiểm tra đột
xuất:
1.1. Là công chức ở ngạch Kiểm tra viên Hải quan và
tương đương trở lên;
1.2. Có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, vì quyền
lợi, uy tín của ngành Hải quan; có bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp vững vàng và
quyết tâm đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng; coi trọng nhân phẩm, danh
dự bản thân và ngành Hải quan.
1.3. Nắm vững nghiệp vụ, thủ tục Hải quan; có năng
lực, kinh nghiệm thu thập thông tin, giám sát, kiểm tra, xác minh và khả năng
phát hiện sai phạm.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng giám sát, kiểm
tra đột xuất:
2.1. Trực tiếp giám sát tại địa điểm, khu vực, nơi
công chức Hải quan thực hiện quy trình, quy chế, quy định về pháp luật Hải quan
theo chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để phát hiện sai phạm của công
chức Hải quan.
2.2. Khi phát hiện sai phạm phải khẩn trương, kịp
thời thu thập hồ sơ, tài liệu, chứng cứ và phối hợp với Thủ trưởng đơn vị quản
lý trực tiếp công chức sai phạm để tiến hành kiểm tra, xác minh, kết luận làm
rõ sai phạm của công chức Hải quan.
2.3. Được yêu cầu công chức sai phạm cung cấp hồ
sơ, tài liệu liên quan, tang vật (nếu có), lập biên bản ghi nhận lại vụ việc
sai phạm xảy ra và báo cáo giải trình.
2.4. Được yêu cầu Thủ trưởng quản lý trực tiếp công
chức sai phạm, cùng phối hợp củng cố hồ sơ, tài liệu, chứng cứ và tiến hành kiểm
tra, xác minh, kết luận làm rõ sai phạm.
2.5. Kiến nghị với cấp có thẩm quyền: Tạm đình chỉ
công tác (xét thấy vụ việc phức tạp, nghiêm trọng, nếu để công chức tiếp tục
công tác gây khó khăn cho kiểm tra, xác minh hoặc gây bức xúc dư luận); kiến
nghị xử lý kỷ luật đối với công chức Hải quan sai phạm.
2.6. Kiến nghị với cấp có thẩm quyền tiến hành
thanh tra vụ việc sai phạm nghiêm trọng, phức tạp mà vụ việc đó vượt thẩm quyền
của lực lượng giám sát, kiểm tra đột xuất hoặc không có điều kiện, khả năng kiểm
tra, xác minh, kết luận.
2.7. Được phối hợp với doanh nghiệp XNK, hành khách
XNC, lực lượng chức năng liên quan (cơ quan Công an, Quản lý thị trường, Thuế...)
để xác minh làm rõ sai phạm của công chức Hải quan.
2.8. Khi tiến hành kiểm tra, xác minh, kết luận làm
rõ sai phạm của công chức Hải quan hoặc khi phối hợp với tổ chức, cá nhân liên
quan để thu thập hồ sơ, tài liệu, chứng cứ, lực lượng giám sát, kiểm tra đột xuất
phải xuất trình Giấy Chứng minh Hải quan kèm Quyết định giám sát, kiểm tra đột
xuất cho Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp công chức sai phạm hoặc tổ chức,
cá nhân liên quan.
3. Yêu cầu và những điều nghiêm cấm đối với lực lượng
giám sát, kiểm tra đột xuất:
3.1. Thực hiện theo đúng nhiệm vụ, quyền hạn theo
quy định tại khoản 2, Điều 4 của Quy chế này. Kết quả giám sát, kiểm tra, xác
minh, kết luận phải đúng sự thật, khách quan, trung thực. Thông tin, hồ sơ giám
sát, kiểm tra, xác minh, kết luận phải được quản lý theo chế độ mật.
3.2. Không tiết lộ danh sách, kế hoạch triển khai của
lực lượng giám sát, kiểm tra đột xuất với bất cứ tổ chức, đơn vị, cá nhân nào.
3.3. Không lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao để
làm trái quy định, bao che hành vi sai phạm của cá nhân, gây khó khăn, phiền
hà, cản trở đến việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị và cá nhân.
3.4. Không được gợi ý, yêu cầu đơn vị, cá nhân -
nơi đến công tác để nhận lợi ích bất hợp pháp.
Điều 5. Cơ cấu tổ chức của lực
lượng giám sát, kiểm tra đột xuất
1. Lực lượng giám sát, kiểm tra đột xuất được tổ chức
thành một số Tổ và gọi là Tổ giám sát, kiểm tra đột xuất của Tổng cục Hải quan.
Căn cứ vào tình hình thực tế về phạm vi, địa bàn khi triển khai, Tổ giám sát,
kiểm tra đột xuất có Tổ trưởng và một số thành viên.
2. Tiêu chuẩn của Tổ trưởng:
2.1. Như tiêu chuẩn của lực lượng giám sát, kiểm
tra đột xuất.
3.2. Ngoài ra: Tổ trưởng là cấp Trưởng phòng hoặc
Lãnh đạo cấp Vụ, Cục thuộc Cơ quan Tổng cục Hải quan và có khả năng tổ chức quản
lý, chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Tổ.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ trưởng:
3.1. Có nhiệm vụ như nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng
giám sát, kiểm tra đột xuất.
3.2. Ngoài ra, Tổ trưởng phải:
- Nắm vững các quy định của pháp luật và nhiệm vụ, quyền
hạn của lực lượng giám sát, kiểm tra đột xuất.
- Sau khi có Quyết định thành lập Tổ giám sát, kiểm
tra đột xuất, Tổ trưởng xây dựng kế hoạch triển khai trình Tổng cục trưởng phê
duyệt; phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Tổ; tổ chức, chỉ đạo, điều
hành các thành viên trong Tổ thực hiện nhiệm vụ được giao theo đúng nội dung,
chương trình đã được phê duyệt.
- Thông tin, báo cáo Tổng cục trưởng về kết quả
giám sát, kiểm tra đột xuất và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực,
khách quan của nội dung báo cáo đó.
4. Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Tổ giám sát,
kiểm tra đột xuất:
- Thực hiện nhiệm vụ theo phân công và chấp hành sự
quản lý, chỉ đạo điều hành của Tổ trưởng trong quá trình giám sát, kiểm tra đột
xuất.
- Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với
Tổ trưởng và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của nội
dung báo cáo đó.
Điều 6. Trách nhiệm của cá nhân
và đơn vị liên quan
1. Đối với công chức Hải quan liên quan:
1.1. Thực hiện yêu cầu của lực lượng giám sát, kiểm
tra đột xuất: Cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan, tang vật (nếu có); báo cáo giải
trình ngay bằng văn bản về vụ việc sai phạm do mình gây ra gửi lực lượng giám
sát, kiểm tra đột xuất và Thủ trưởng quản lý trực tiếp mình.
1.2. Tạo điều kiện để lực lượng giám sát, kiểm tra
đột xuất thu thập hồ sơ, tài liệu và kiểm tra, xác minh, kết luận.
1.3. Chấp hành Quyết định của cấp có thẩm quyền về
tạm đình chỉ công tác (nếu có).
1.4. Nghiêm cấm hành vi mua chuộc, trả thù lực lượng
giám sát, kiểm tra đột xuất; tác động, nhờ người can thiệp gây phức tạp tình
hình, làm sai lệch bản chất sự việc.
2. Đối với Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp công
chức sai phạm:
2.1. Cung cấp thông tin về công chức Hải quan sai
phạm (sơ yếu lý lịch) cho lực lượng giám sát, kiểm tra đột xuất.
2.2. Phối hợp, tạo điều kiện cùng với lực lượng
giám sát, kiểm tra đột xuất tiến hành thu thập, củng cố hồ sơ, tài liệu, chứng
cứ và kiểm tra, xác minh, kết luận làm rõ sai phạm.
2.3. Chấp hành Quyết định của cấp có thẩm quyền về
tạm đình chỉ công tác đối với công chức Hải quan thuộc quyền quản lý của mình
(nếu có).
2.4. Nghiêm cấm việc bao che, tác động làm sai lệch
hoặc thiếu khách quan bản chất sự việc.
2.5. Tổ chức, triển khai công tác bảo đảm an toàn
tính mạng, tài sản của thành viên đang thực hiện giám sát, kiểm tra tại đơn vị
mình khi có yêu cầu hoặc khi có thông tin thấy cần phải triển khai.
Điều 7. Điều kiện bảo đảm để lực
lượng giám sát, kiểm tra đột xuất khi triển khai thực hiện nhiệm vụ
1. Mang mặc thường phục và sử dụng các biện pháp
nghiệp vụ để tiến hành giám sát, kiểm tra đột xuất tại cơ sở.
2. Được sử dụng phương tiện ô tô của cơ quan, đơn vị
hoặc thuê phương tiện xe máy, taxi, ô tô bên ngoài (nếu xét thấy cần bảo đảm
tính bí mật của lực lượng) để thực hiện nhiệm vụ.
3. Ngoài chế độ công tác phí theo quy định, còn được
hỗ trợ thêm cho mỗi người (trong thời gian công tác thực tế) theo mức quy định
tại Quyết định ban hành về cơ chế quản lý tài chính và định mức chi tiêu nội bộ
của ngành Hải quan.
Điều 8. Khen thưởng, kỷ luật
1. Các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan
phải coi việc giám sát, kiểm tra đột xuất trong đơn vị mình là một trong những
nội dung quan trọng thường xuyên trong công tác quản lý công chức để giữ nghiêm
kỷ luật, kỷ cương khi thi hành công vụ. Đây là một nội dung, tiêu chí để bình
xét thi đua, khen thưởng hàng năm.
2. Đơn vị, cá nhân nào trong ngành Hải quan thực hiện
tốt Quy chế này, có thành tích sẽ được khen thưởng theo quy định hiện hành.
3. Đơn vị, cá nhân nào trong ngành Hải quan thực hiện
không nghiêm túc, còn mang tính hình thức, để xảy ra sai phạm sẽ không đưa vào
diện bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm hoặc bị xem xét, xử lý kỷ luật theo
quy định hiện hành (xử lý kể cả trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng
đầu để sai phạm xảy ra trong đơn vị, lĩnh vực mình quản lý, phụ trách).
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Đối với Tổng cục Hải
quan
1. Lực lượng giám sát, kiểm tra đột xuất của Tổng cục
Hải quan phải bảo đảm tiêu chuẩn, được lựa chọn từ Vụ Tổ chức cán bộ, Thanh tra
Tổng cục, Cục Điều tra chống buôn lậu và một số Cục nghiệp vụ.
2. Công chức trong danh sách lực lượng giám sát, kiểm
tra đột xuất của Tổng cục luôn trong tư thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ theo yêu cầu
của Tổng cục trưởng trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào.
3. Giao Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì:
3.1. Phối hợp với các Vụ, Cục, đơn vị liên quan đề
xuất danh sách lực lượng giám sát, kiểm tra đột xuất của Tổng cục trình Tổng cục
trưởng phê duyệt và quản lý danh sách lực lượng giám sát, kiểm tra đột xuất
này.
3.2. Thu thập, tiếp nhận thông tin trong và ngoài
ngành Hải quan, đề xuất kế hoạch giám sát, kiểm tra đột xuất đơn vị cơ sở.
3.3. Lựa chọn trong danh sách lực lượng giám sát,
kiểm tra đột xuất trình Tổng cục trưởng ra Quyết định thành lập Tổ giám sát, kiểm
tra đột xuất thường xuyên hoặc khi có yêu cầu.
3.4. Tổng hợp, báo cáo kết quả, sơ kết hoạt động của
lực lượng giám sát, kiểm tra đột xuất của Tổng cục và đề xuất, kiến nghị chấn
chỉnh, xử lý sai phạm, giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc của đơn vị cơ sở.
4. Các Vụ, Cục, đơn vị liên quan khi có yêu cầu phải
có trách nhiệm phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ cử, bố trí công việc để công chức
trong đơn vị mình tham gia lực lượng giám sát, kiểm tra đột xuất của Tổng cục. Khi
có sự thay đổi nhân sự thì phải báo cáo và cử nhân sự khác thay thế kịp thời.
5. Đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan có
trách nhiệm phản ánh, cung cấp thông tin về vụ việc sai phạm, tiêu cực đến đơn
vị Hải quan các cấp, liên quan đến công chức Hải quan cho Vụ Tổ chức cán bộ để
tổ chức lực lượng giám sát, kiểm tra đột xuất được kịp thời.
Điều 10. Đối với Cục Hải quan
tỉnh, thành phố
1. Cục trưởng căn cứ tình hình thực tế của đơn vị
và Quy chế này để triển khai tổ chức lực lượng giám sát, kiểm tra đột xuất đối
với đơn vị, công chức thuộc quyền quản lý cho phù hợp, nhằm phát hiện, ngăn chặn,
xử lý ngay sai phạm xảy ra.
2. Hàng tháng, các đơn vị báo cáo kết quả hoạt động
giám sát, kiểm tra đột xuất của đơn vị mình gửi Tổng cục (qua Thanh tra Tổng cục).
Báo cáo này được bổ sung vào báo cáo công tác Phòng chống tham nhũng hàng tháng
theo chế độ quy định tại Công văn số 4415/TCHQ-VP ngày 09/9/2011 của Tổng cục Hải
quan.
Điều 11. Trách nhiệm thi hành
1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục
Hải quan có trách nhiệm phổ biến, quán triệt đến công chức trong đơn vị mình và
chỉ đạo việc triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy chế này.
2. Thanh tra Tổng cục, có trách nhiệm tổng hợp, báo
cáo kết quả hoạt động giám sát, kiểm tra đột xuất của các đơn vị trong ngành Hải
quan thành một nội dung trong báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng của
ngành Hải quan theo chế độ quy định (tháng, quý, năm).
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn,
vướng mắc, các đơn vị phản ánh kịp thời về Tổng cục Hải quan (qua Vụ Tổ chức
cán bộ) để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp./.