Quyết định 1925/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Phương án phát triển ngành tôm tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Số hiệu 1925/QĐ-UBND
Ngày ban hành 29/09/2022
Ngày có hiệu lực 29/09/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Trà Vinh
Người ký Nguyễn Trung Hoàng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1925/QĐ-UBND

Trà Vinh, ngày 29 tháng 9 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN NGÀNH TÔM TỈNH TRÀ VINH GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 18/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025;

Căn cứ Quyết định 3475/QĐ-BNN-TCTS ngày 30/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm nước lợ Việt Nam đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 3550/QĐ-BNN-TCTS ngày 12/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án phát triển Nuôi trồng thủy sản bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 434/TTr-SNN ngày 25/8/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án phát triển ngành tôm tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn để phát triển ngành tôm trở thành ngành công nghiệp hiện đại, đồng bộ và hiệu quả ở tất cả các khâu trong toàn bộ chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

2. Khoa học công nghệ là nền tảng của quá trình phát triển và là khâu đột phá để nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị của ngành tôm tỉnh Trà Vinh.

3. Hình thành và phát triển các vùng sản xuất tôm tập trung, với loại hình và công nghệ phù hợp, gắn với tổ chức lại sản xuất và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành thủy sản, ngành hàng tôm nước lợ cả nước và vùng đồng bằng sông Cửu Long và với quy hoạch phát triển các ngành kinh tế của tỉnh.

4. Huy động đầu tư phát triển ngành tôm của tỉnh từ nhiều thành phần kinh tế để phát triển công nghiệp phụ trợ, chế biến gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển và từng bước khép kín chuỗi giá trị ngành tôm; đảm bảo hài hòa lợi ích của các thành phần kinh tế, lợi ích nhà nước và xã hội trong chuỗi giá trị sản xuất và kinh doanh tôm nước lợ.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển nuôi tôm nước lợ của tỉnh thành ngành sản xuất hàng hóa, có hiệu quả cao, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và bền vững, góp phần quan trọng thực hiện thành công tái cơ cấu ngành thủy sản của tỉnh, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn; thu hút được các thành phần kinh tế tham gia vào ngành tôm, góp phần đầu tư, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng; tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đảm bảo đời sống sinh kế người dân ven biển.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025

Phát triển nuôi tôm nước lợ với quy mô 34.249 ha (gồm: nuôi thâm canh mật độ cao 2.000 ha, thâm canh 17.500 ha, quảng canh cải tiến 4.208 ha, tôm - lúa 3.500 ha, tôm rừng 7.041 ha), tổng sản lượng ước đạt khoảng 171,88 nghìn tấn.

Tiếp tục cơ cấu lại ngành tôm thông qua kêu gọi nhà đầu tư xây dựng dự án và vận hành 03 mô hình nuôi tôm điển hình, gồm: (1) Khu nuôi tôm công nghệ cao quy mô 360 ha; (2) Khu nuôi tôm lúa đạt chứng nhận hữu cơ quy mô 750 ha; (3) Khu nuôi tôm rừng đạt chứng nhận sinh thái quy mô 678 ha.

Kêu gọi nhà đầu tư xây dựng ít nhất 01 nhà máy chế biến tôm công suất 18.000 tấn sản phẩm/năm đi vào hoạt động để cải thiện năng lực chế biến tôm tại chỗ, đáp ứng nhu cầu chế biến tôm trong tỉnh.

b) Đến năm 2030

Duy trì ổn định diện tích nuôi tôm nước lợ ở mức 34.249 ha, sản lượng ước đạt 286,33 nghìn tấn.

Chuyển dịch cơ cấu diện tích để hình thành và phát triển các tiểu vùng nuôi tập trung, cụ thể: (1) Nuôi thâm canh mật độ cao tập trung có 07 tiểu vùng với diện tích là 3.617 ha; (2) Nuôi thâm canh tập trung có 21 tiểu vùng với diện tích là 18.880 ha; (3) Nuôi tôm lúa tập trung có 11 tiểu vùng với diện tích là 4.711 ha; (4) Nuôi tôm rừng tập trung có 5 tiểu vùng với diện tích là 7.041 ha.

[...]