Thông tư 02/2022/TT-BTNMT hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Số hiệu 02/2022/TT-BTNMT
Ngày ban hành 10/01/2022
Ngày có hiệu lực 10/01/2022
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài nguyên và Môi trường
Người ký Võ Tuấn Nhân
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

B TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2022/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2022

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị đnh số 08/2022/NĐ-CP), bao gồm:

1. Quy định chi tiết thi hành điểm a khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 8; khoản 7 Điều 10; điểm a khoản 1 Điều 19; khoản 2 Điều 24; khoản 3 Điều 27; khoản 2 Điều 32; khoản 11 Điều 34; khoản 5 Điều 40; khoản 9 Điều 49; khoản 4 Điều 62; khoản 8 Điều 67; khoản 6 Điều 72; khoản 2 Điều 76; khoản 5 Điều 78; khoản 5 Điều 79; khoản 4 Điều 80; khoản 4 Điều 81; khoản 5 Điều 83; khoản 4 Điều 84; khoản 6 Điều 86; điểm b khoản 1 Điều 115; điểm b khoản 2 Điều 115; khoản 5 Điều 118; khoản 5 Điều 119; khoản 5 Điều 120; khoản 7 Điều 126 và khoản 6 Điều 148 của Luật Bảo vệ môi trường.

2. Quy định chi tiết thi hành điểm d khoản 2 Điều 15; điểm d khoản 2 Điều 16; khoản 5 Điều 17; khoản 3 Điều 18; khoản 7 Điều 19; khoản 2 Điều 21; điểm a khoản 6 và điểm a khoản 8 Điều 21; điểm b khoản 3 Điều 26; điểm e khoản 3 Điều 28; điểm đ khoản 5 Điều 28; khoản 11 Điều 29; khoản 10 Điều 30; điểm b khoản 7 Điều 31; khoản 12 Điều 31; khoản 9 Điều 36; điểm a khoản 3 Điều 37; khoản 5 Điều 40; khoản 10 Điều 45; điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 54; điểm đ khoản 2 Điều 58; điểm a, điểm c khoản 4 Điều 65; khoản 1, khoản 3 Điều 66; khoản 2, khoản 3 Điều 67; khoản 2 Điều 69; khoản 4 Điều 71; điểm c khoản 2 Điều 76; khoản 1 Điều 80; điểm a khoản 3 Điều 81; khoản 2 Điều 82; khoản 1 Điều 84; khoản 1 Điều 85; khoản 5 Điều 93; khoản 6 Điều 94; khoản 6, khoản 8 Điều 96; điểm d khoản 4, điểm a khoản 6 và điểm c khoản 7 Điều 97; điểm c khoản 5, điểm a khoản 7 và điểm c khoản 8 Điều 98; khoản 4 Điều 104; khoản 6 Điều 105; khoản 1 Điều 107; điểm a khoản 2 Điều 111; khoản 4 Điều 125; khoản 7 Điều 127; khoản 1 Điều 145; khoản 6 Điều 147 và điểm đ khoản 5 Điều 163 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

3. Việc quy định chi tiết thi hành các điều, khoản, điểm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này bao gồm các nội dung, trình tự thực hiện, biểu mẫu, mẫu văn bản, mẫu quyết định, mẫu báo cáo có liên quan đến bảo vệ môi trường nước, bảo vệ môi trường đất, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch tỉnh, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường và đăng ký môi trường; quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại; quản lý nước thải tại chỗ, chất thải đặc thù; đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy; quan trắc môi trường, thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường và báo cáo môi trường; báo cáo hiện trạng môi trường; phục hồi môi trường sau sự cố môi trường; chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên; đánh giá sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tiêu chí nhãn sinh thái Việt Nam; trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, thống kê, theo dõi, công bố nguồn lực chi bảo vệ môi trường.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có hoạt động liên quan đến các nội dung quy định tại Điều 1 Thông tư này trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển, lòng đất và vùng trời.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chủ nguồn thải là tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc được giao quản lý, điều hành cơ sở phát sinh chất thải.

2. Chủ xử lý chất thải là tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc được giao quản lý, điều hành cơ sở xử lý chất thải, bãi chôn lấp chất thải.

3. Điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt là nơi chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt từ các loại phương tiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thải, khu vực công cộng, quét dọn vệ sinh đường phố để chuyển chất thải rắn sinh hoạt sang phương tiện cơ giới có tải trọng lớn.

4. Chất thải rắn cồng kềnh là vật dụng gia đình được thải bỏ có kích thước lớn như tủ, giường, nệm, bàn, ghế hoặc các vật dụng tương tự khác hoặc gốc cây, thân cây, cành cây.

5. Khu xử lý chất thải tập trung là khu vực được quy hoạch để xử lý tập trung một hoặc nhiều loại chất thải bao gồm chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại và các loại chất thải rắn khác, trừ hoạt động đồng xử lý chất thải và xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm. Khu xử lý chất thải tập trung là một hoặc nhiều cơ sở xử lý chất thải, bãi chôn lấp.

6. Khu vực đa dạng sinh học cao là khu vực tự nhiên có giá trị sinh học nổi bật hoặc quan trọng đối với tỉnh, vùng, quốc gia, quốc tế, cần được quản lý thích hợp để duy trì, phát triển bền vững và bảo tồn tại chỗ nhằm nâng cao các giá trị đã có, đáp ứng tiêu chí quy định tại điểm b khoản 2 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường.

7. Cảnh quan sinh thái quan trọng là khu vực được hình thành do tương tác của các yếu tố tự nhiên và nhân tạo, có hệ sinh thái tự nhiên đặc thù hoặc đại diện đối với địa phương, quốc gia hoặc quốc tế, đáp ứng các tiêu chí quy định tại điểm a và điểm d khoản 2 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường.

8. Cảnh quan thiên nhiên quan trọng là khu vực tự nhiên đáp ứng tiêu chí quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường.

Chương II

[...]