Quyết định 190/2006/QĐ-UBND Phê duyệt Kế hoạch tổng thể cải cách hành chính tỉnh Bình Dương giai đoạn II (2006-2010)

Số hiệu 190/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 08/08/2006
Ngày có hiệu lực 18/08/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Nguyễn Hoàng Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 190/2006/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 08 tháng 8 năm 2006

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010;

Căn cứ Quyết định số 94/2006/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2006-2010;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Công văn số 468/SNV-XDCQ ngày 7 tháng 7 năm 2006 và thẩm định của Giám đốc Sở Tư pháp tại Công văn số 286/STP-VBPQ ngày 28 tháng 7 năm 2006,

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch tổng thể cải cách hành chính tỉnh Bình Dương giai đoạn II (2006-2010).

Điều 2. Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh có trách nhiệm giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Sơn

 

Để triển khai thực hiện Quyết định số 94/2006/QĐ-TTg ngày 27/04/2006 về phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2006-2010 của Thủ tướng Chính phủ; Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương xây dựng Kế hoạch tổng thể về cải cách hành chính tỉnh giai đoạn II (2006 – 2010) với những nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH TỔNG THỂ VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN II (2006 – 2010)

Mục tiêu của Kế hoạch tổng thể về cải cách hành chính tỉnh Bình Dương giai đoạn II (2006-2010) là tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng tăng hiệu lực quản lý nhà nước, dân chủ, công khai, minh bạch, thuận tiện cho người dân; xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ công chức ngang tầm với yêu cầu quản lý Nhà nước về kinh tế - xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

Những mục tiêu cụ thể của Kế hoạch tổng thể về cải cách hành chính tỉnh Bình Dương giai đoạn II (2006 -2010) là:

1. Trong năm 2006, khẩn trương giải quyết những chương trình, lĩnh vực về cải cách hành chính còn tồn tại của giai đoạn I (2001-2005) chuyển qua giai đoạn II (2006-2010).

2. Chỉnh sửa, bổ sung, ban hành và tiến đến hoàn thiện hệ thống thể chế hành chính (thuộc thẩm quyền cấp tỉnh) phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương. Tiếp tục hoàn thiện quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Xác định chế độ trách nhiệm của từng cơ quan, lãnh đạo và cán bộ công chức tham mưu để nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật.

3. Đến năm 2010, hoàn thiện các thủ tục hành chính, xóa bỏ về cơ bản các thủ tục rườm rà, nhiều tầng nấc, gây phiền hà, tiêu cực.

4. Từ năm 2007, nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm xác định rõ chức năng cung cấp dịch vụ hành chính công, sự nghiệp công, dịch vụ công ích và chức năng quản lý Nhà nước trong các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước. Thí điểm hình thành một số tổ chức dịch vụ hành chính công, sự nghiệp công, dịch vụ công ích.

5. Các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh; huyện, thị xã được xác định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm rõ ràng theo nguyên tắc quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện chức năng quản lý vĩ mô bằng pháp luật, chính sách, hướng dẫn và kiểm tra thực hiện. Xác định rõ tính chất, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của chính quyền cấp xã, phường, thị trấn. Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp, khuyến khích xã hội hóa các lĩnh vực sự nghiệp ở những nơi có đủ điều kiện.

6. Từ năm 2006 đến năm 2010, hoàn thiện các đề án phân cấp quản lý nhà nước giữa Uỷ ban nhân dân tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã; giữa Uỷ ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành; phân biệt rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và tổ chức bộ máy chính quyền ở đô thị và nông thôn (thị xã - huyện; phường, thị trấn –xã).

7. Đến năm 2010, đội ngũ cán bộ - công chức đều đạt tiêu chuẩn ngạch, bậc, chức danh, vị trí công tác (đạt tỷ lệ 70% công chức loại A). Từ năm 2006 trở đi, thực hiện nâng chuẩn cán bộ công chức; bảo đảm cho mỗi sở, ngành, huyện, thị xã đủ số lượng cán bộ công chức theo cơ cấu hợp lý; có phẩm chất, đạo đức tốt, có kiến thức về pháp luật, hành chính, tin học, ngoại ngữ; đủ năng lực thi hành công vụ trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

8. Từ năm 2006, chuẩn bị điều kiện để triển khai thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp để áp dụng từ năm 2007.

9. Từ nay đến năm 2010 triển khai thực hiện Quyết định 144/2006/QĐ-TTg ngày 20/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước. Đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị hiện đại phục vụ yêu cầu quản lý Nhà nước kịp thời và thông suốt, thực hiện nối mạng diện rộng đến xã, phường, thị trấn.

II. NỘI DUNG CỦA KẾ HOẠCH TỔNG THỂ VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN II (2006 – 2010)

1. Cải cách thể chế và thủ tục hành chính:

a) Về thể chế: Từ năm 2006 đến năm 2010, tiếp tục thực hiện cải cách thể chế hành chính theo hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; thực hiện kỷ luật hành chính, ban hành các thể chế theo những nội dung cụ thể như sau:

- Thể chế về thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

[...]