Quyết định 183-CP năm 1978 về việc thực hiện cuộc tổng điều tra dân số năm 1979 do Hội đồng Chính phủ ban hành.

Số hiệu 183-CP
Ngày ban hành 20/07/1978
Ngày có hiệu lực 04/08/1978
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 183-CP

Hà Nội, ngày 20 tháng 07 năm 1978 

                                                    

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CUỘC TỔNG ĐIỀU TRA DÂN SỐ NĂM 1979

Để nắm được một cách chính xác những số liệu cơ  bản về dân số và lao động toàn xã hội, về tình hình phát triển dân số những năm sau khi đất nước đã được hoàn toàn giải phóng,
Thường vụ Hội đồng Chính phủ quyết định tiến hành tổng điều tra dân số cả nước năm 1979 như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

- Làm căn cứ chính xác cho việc nghiên cứu lập kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ ba năm 1981 – 1985.

- Ước tính một cách khoa học dân số và nguồn lao động tương lai, làm cơ sở cho công tác kế hoạch hóa dài học.

- Làm căn cứ chính xác cho các công tác quản lý Nhà nước và quản lý kinh tế, củng cố quốc phòng,

- Phục vụ cho các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV và phục vụ những yêu cầu chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thức V.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐƠN VỊ ĐIỀU TRA

Sẽ tiến hành đăng ký tất cả nhân khẩu thường trú trên lãnh thổ cả nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, bao gồm cả người Việt Nam, người nước ngoài và những người Việt Nam  được cử đi công tác học tập dài hạn ở nước ngoài. Ngoài các đối tượng điều tra trên đây, trong khả năng cho phép, cần có kế hoạch riêng để nắm số lượng Việt Kiều hiện đang làm ăn sinh sống tại các nước trên thế giới.

Đơn vị điều tra là “hộ” (hộ gia đình và hộ tập thể) quy định trong Điều lệ đăng ký và quản lý lý hộ khẩu của Hội đồng Chính phủ ban hành ngày 27 tháng 06 năm 1964.

III. NỘI DUNG ĐIỀU TRA

Nội dung điều tra gồm các chỉ tiêu tổng hợp sau đây:

1. Tổng số nhân khẩu nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

2. Nhân khẩu chia theo nam, nữ và tuổi

3. Nhân khẩu chia theo dân tộc.

4. Trình độ văn hóa của nhân dân nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

5. Trình độ và ngành khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ.

6. Lao động trong các ngành kinh tế quốc dân (trong và ngoài tuổi lao động).

7. Nhân khẩu trong độ tuổi lao động chưa hoạt động trong các ngành kinh tế quốc dân.

8. Nhân khẩu trong độ tuổi lao động mất khả năng lao động do các nguyên nhân.

9. Lao động  trong một số nghề cụ thể.

10. Nhân khẩu nông nghiệp và phi nông nghiệp.

11. Tình hình và nguyên nhân di chuyển giữa các vùng từ ngày 01 tháng 5 năm 1975 đến nay.

12. Số trẻ em sinh và số người chết trong năm 1978.

Tất cả các chi tiêu trên đây cần tổng hợp theo đơn vị hành chính, thành thị và nông thôn, ngoài ra, cần tính toán các chi tiêu sau:

- Tuổi thọ trung bình của nhân dân cả nước.

- Dân số và nguồn lao động tương lai của cả nước trong những năm từ 1980 đến 1990.

[...]