Quyết định 19-TĐTDS/QĐ ban hành bản quy định về việc đăng ký nhân khẩu trong cuộc tổng điều tra dân số miền Bắc lần thứ hai (1974) của Ban chỉ đạo điều tra dân số trung ương

Số hiệu 19-TĐTDS/QĐ
Ngày ban hành 19/01/1974
Ngày có hiệu lực 03/02/1974
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Ban Chỉ đạo Điều tra dân số Trung ương
Người ký Trần Hữu Dực
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU TRA DÂN SỐ TRUNG ƯƠNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19-TĐTDS/QĐ

Hà Nội, ngày 19 tháng 01 năm 1974

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ VIỆC ĐĂNG KÝ NHÂN KHẨU TRONG CUỘC TỔNG ĐIỀU TRA DÂN SỐ MIỀN BẮC LẦN THỨ HAI (1974)

BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU TRA DÂN SỐ TRUNG ƯƠNG

Căn cứ vào Quyết định số 151-CP ngày 24-9-1973 và Quyết định số 16-CP ngày 17-01-1974 của Hội đồng Chính phủ về cuộc tổng điều tra dân số toàn miền Bắc lần thứ hai.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành kèm theo quyết định này bản Quy định về việc đăng ký nhân khẩu trong cuộc tổng điều tra dân số toàn miền Bắc lần thứ hai (1974).

Điều 2. – Những quy định ban hành theo quyết định này phải được áp dụng thống nhất ở tất cả các địa phương, các ngành và đơn vị cơ sở.

Không ngành nào, cấp nào được tự ý thay đổi làm trái với những điều đã nêu rõ trong quy định này, gặp trường hợp cá biệt, xét thấy vì có những đặc điểm riêng mà không thể làm đúng quy định thì thủ trưởng ngành hoặc Ủy ban hành chính hữu quan phải kịp thời báo cáo và đề nghị của mình cho Ban chỉ đạo tổng điều tra dân số trung ương xét giải quyết.

 

 

TM. BAN CHỈ ĐẠO TỔNG ĐIỀU TRA DÂN SỐ TRUNG ƯƠNG
TRƯỞNG BAN




Trần Hữu Dực

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC ĐĂNG KÝ NHÂN KHẨU TRONG TỔNG ĐIỀU TRA DÂN SỐ TOÀN MIỀN BẮC LẦN THỨ HAI (1974)

Chương 1 :

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. - Tất cả những người Việt Nam, những người nước ngoài thường xuyên ở trên miền Bắc, tất cả những công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được cử đi công tác, học tập và chữa bệnh ở nước ngoài, đều phải đăng ký nhân khẩu trong cuộc tổng điều tra dân số toàn miền Bắc lần thứ hai.

Để đảm bảo không tính trùng, không bỏ sót một người nào trong cuộc tổng điều tra dân số, mỗi người chỉ được đăng ký một lần, tại nơi người đó thường trú.

Điều 2. – Đơn vị đăng ký

a) Đơn vị đăng ký là hộ gia đình hay hộ tập thể; mỗi hộ đăng ký vào một phiếu riêng.

b) Trường hợp hộ gia đình lại gồm nhiều gia đình nhỏ có quỹ thu chi riêng thì các gia đình đó sẽ đăng ký vào một phiếu chung của hộ, nhưng có phân biệt rõ từng gia đình.

c) Những gia đình lâu nay vẫn đăng ký hộ khẩu trong các hộ tập thể của cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, đều coi là hộ gia đình và đăng ký vào một tờ phiếu riêng, không đăng ký chung vào phiếu đăng ký của hộ tập thể.

d) Những hộ tập thể do các hợp tác xã tổ chức hoặc những hộ do những nhóm công nhân, viên chức xa gia đình, cùng thuê nhà hoặc làm nhà ở chung đều đăng ký như hộ tập thể.

Điều 3. - Thời điểm điều tra

Căn cứ vào thời điểm điều tra đã quy định là 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 1974, thì trong cuộc tổng điều tra dân số lần này.

a) Không đăng ký những người đã chết trước thời điểm điều tra và những người mới sinh sau thời điểm điều tra;

b) Đăng ký những người sinh trước thời điểm điều tra và những người đã chết sau thời điểm điều tra.

Chương 2:

NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH NHÂN KHẨU THƯỜNG TRÚ

Điều 4. - Được xác định là nhân khẩu thường trú: những người ở cố định hoặc tương đối ổn định tại một nơi, nơi này thường gắn bó với điều kiện làm việc, sinh sống của họ, không kể điều kiện làm việc, sinh sống của họ, không kể là đã được hay chưa được đăng ký hộ khẩu.

Căn cứ vào nguyên tắc nói trên, những người sau đây được xác định là nhân khẩu thường trú và được đăng ký tại nơi họ đang ở:

a) Những người lâu nay thực tế vẫn thường xuyên ở địa phương để làm việc, sinh sống, dù ở đó, những người này đã được hay chưa được đăng ký hộ khẩu.

b) Những người đã di chuyển hẳn khỏi nơi ở cũ và đến nơi ở mới trước thời điểm điều tra, bất kể thời gian là bao lâu, nếu có giấy tờ hợp pháp chứng nhận sự di chuyển hẳn như: giấy di chuyển hộ khẩu, quyết định thuyên chuyển, quyết định bổ nhiệm công tác, giấy chiêu sinh của các trường, các lớp dài hạn (từ 6 tháng trở lên) đào tạo cán bộ, công nhân chuyên nghiệp, v.v… dù đã hay chưa đăng ký hộ khẩu đều được đăng ký là nhân khẩu thường trú tại nơi mới đến.

c) Những người rời khỏi hẳn nơi ở cũ đến nơi ở mới, không có giấy tờ hợp pháp chứng nhận sự di chuyển hẳn đó, nhưng nếu đến nơi ở mới tính đến thời điểm điều tra đã được 6 tháng thì cũng được đăng ký là nhân khẩu thường trú tại nơi ở mới.

Nếu những người đó đến nơi ở mới chưa được 6 tháng thì sẽ không được coi là nhân khẩu thường trú tại nơi ở mới mà sẽ đăng ký tại nơi ở cũ trước khi di chuyển.

Điều 5. - Những trường hợp riêng biệt khác với những điều kiện quy định trên đây, sẽ giải quyết như sau:

a) Những người đi làm nghĩa vụ dân công, không kể là thời gian dài hay ngắn, không kể là đi phục vụ ngành nào và ở đâu, đều được đăng ký là nhân khẩu thường trú tại địa phương mà họ vẫn thường xuyên ở trước khi đi dân công.

b) Những bệnh nhân đang nằm điều trị trong các trại hủi, trại điên, những bệnh nhân không có nơi ở nhất định thì đăng ký là nhân khẩu thường trú tại nơi họ đang điều trị.

c) Những người không chuyên thường xuyên ở nơi nào được tới 6 tháng; những người tuy có gia đình ở nông thôn nhưng đi làm nghề tự do ở nhiều nơi, không nơi nào quá 6 tháng, lâu lâu mới về thăm gia đình một lần, những người không có nơi ở nhất định, sống nay đây, mai đó thì trong thời gian đăng ký nhân khẩu họ ở đâu sẽ được đăng ký ở đó, và được cấp giấy chứng nhận “đã đăng ký”.

d) Những người đã rời khỏi nơi ở cũ trước thời điểm điều tra, để di chuyển hẳn đến nơi ở mới, có đủ giấy tờ hợp pháp chứng nhận sự di chuyển đó nhưng chưa kịp đến nơi ở mới trong thời gian điều tra, đăng ký nhân khẩu thì sẽ được đăng ký là nhân khẩu thường trú tại nơi ở mới trong thời gian điều tra bổ sung (từ ngày 8 tháng 4 năm 1974 đến ngày 14 tháng 4 năm 1974).

Trường hợp chưa kịp đến nơi ở mới trong thời gian đăng ký bổ sung, nếu tạm trú ở đâu sẽ được đăng ký ở đó và được cấp giấy chứng nhận “đã đăng ký”.

Điều 6. - Những người thuộc quốc tịch nước ngoài, vì lý do mới sang ở dọc biên giới và bờ biển nước ta để làm việc, sinh sống, cũng được đăng ký nhân khẩu trong cuộc tổng điều tra dân số lần này. Trong thời gian đăng ký, những người này ở đâu thì đăng ký tại đó. Trên phiếu đăng ký, dưới dòng ghi họ và tên, phải ghi thêm từ nước nào đến; đến từ…tháng…năm…nào trong dấu ngoặc đơn (từ…đến…; từ tháng…năm…)

Điều 7. - Việc đăng ký các nhân khẩu thuộc các hộ ở trên mặt nước quy định như sau:

a) Những người làm việc, sinh sống trên mặt nước nhưng có nhà ở trên bộ thì được đăng ký là nhân khẩu thường trú tại nơi ở trên bộ.

b) Những người thường xuyên ở trên tàu, thuyền, nhà bè v.v… không có nhà ở trên bộ, thì tàu, thuyền, nhà bè v.v… ấy đăng ký tại bến nào, họ sẽ được đăng ký là nhân khẩu thường trú tại bến đó.

c) Những người trong các hộ ở trên mặt nước mà không có đăng ký tại một bến nào cố định, thì trong thời gian điều tra họ có mặt tại địa phương nào thì đăng ký tại đó và được cấp giấy chứng nhận “đã đăng ký”

Điều 8. - Việc đăng ký các nhân khẩu còn đang sơ tán, chưa di chuyển về nơi ở cũ quy định như sau:

a) Nếu cả hộ còn đang sơ tán thì sẽ đăng ký tại nơi sơ tán. Ủy ban hành chính nơi sơ tán sẽ gửi phiếu đăng ký về địa phương mà những người này có đăng ký hộ khẩu. Trường hợp hộ sơ tán không có đăng ký hộ khẩu tại một nơi nào, thì coi là thường trú tại nơi sơ tán và đăng ký ở đó.

b) Trường hợp hộ đi sơ tán đã có người trở về thường trú tại nơi ở cũ, nhưng vẫn còn có người ở lại nơi sơ tán, thì cả hộ đó được đăng ký là thường trú tại nơi ở cũ. Trong phiếu đăng ký phải chú thích rõ những người còn đang sơ tán. Ủy ban hành chính nơi có người sơ tán có trách nhiệm thông báo, xác nhận danh sách những người còn sơ tán tại địa phương mình cho Ủy ban hành chính nơi những người đó thường trú trước khi đi sơ tán.

c) Đối với những hộ gia đình có hai nơi ở, hai cơ sở kinh tế thuộc hai địa phương khác nhau cũng đăng ký như những trường hợp sơ tán nói trên.

Điều 9. - Việc đăng ký nhân khẩu đối với các hộ đi xây dựng kinh tế, văn hóa miền núi quy định như sau:

a) Nếu cả hộ đã di chuyển về quê cũ thì đăng ký hộ ấy tại nơi đang thường trú.

b) Nếu trong hộ có một số người ở lại nơi mới và một bộ phận khác trở về quê cũ thì: ai thường trú ở đâu, sẽ đăng ký tại đó.

Trường hợp những người trong bộ phận luân phiên ở cả hai nơi thì cả hộ ấy được đăng ký tại nơi cũ trước khi đi. Ủy ban hành chính nơi này sẽ lập, gửi thông báo “đã đăng ký” cho nơi họ đến phát triển kinh tế, văn hóa biết để không đăng ký trùng.

Chương 3:

QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM ĐĂNG KÝ NHÂN KHẨU

I. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM GIỮA ỦY BAN HÀNH CHÍNH ĐỊA PHƯƠNG

Điều 10. - Đối với cán bộ, công nhân, viên chức thuộc các đoàn đội công tác, có tính chất lưu động thường xuyên (như các đoàn, đội thăm dò địa chất, điều tra rừng v.v… ) thì Ủy ban hành chính huyện (hoặc đơn vị tương đương) sẽ tổ chức đăng ký cho những người này tại nơi họ đang công tác trong thời gian điều tra, rồi gửi phiếu đăng ký về huyện (hoặc đơn vị tương đương) nơi họ có đăng ký hộ khẩu để tổng hợp chung vào dân số của địa phương đó.

Điều 11. - các vùng tiếp giáp giữa hai đơn vị hành chính, nếu có những người sống trên đất của địa phương này, nhưng lại do địa phương kia quản lý về hộ tích, hộ khẩu thì Ủy ban hành chính của hai địa phương đó sẽ bàn bạc thỏa thuận trước khi điều tra để quy định rõ địa phương nào sẽ đăng ký cho những người này.

Trường hợp trách nhiệm đăng ký những người này chưa được phân định rõ trước khi điều tra thì sẽ phân công trách nhiệm đăng ký theo nguyên tắc những người đó thực tế sống trên đất của địa phương nào thì Ủy ban hành chính nơi đó có trách nhiệm đăng ký.

Riêng đối với những người thuộc các dân tộc miền núi (vùng rẻo cao) thì người thuộc đơn vị hành chính nào quản lý, Ủy ban hành chính của đơn vị đó có trách nhiệm đăng ký, trường hợp không nhận định được trách nhiệm quản lý thì người đó sống trong đất của địa phương nào, Ủy ban hành chính nơi đó có trách nhiệm đăng ký.

Điều 12. – Trong phạm vi đất đai do các nông trường (ở những nơi chưa thành lập thị trấn nông trường) và các xí nghiệp quản lý nếu có những người không phải là người trong gia đình các cán bộ, công nhân, viên chức của nông trường, xí nghiệp nhưng vẫn thường xuyên ở lại đó, thì việc đăng ký nhân khẩu của những người này được quy định như sau:

a) Đơn vị hành chính nào từ trước đến nay vẫn quản lý những người đó sẽ đăng ký cho họ.

b) Trường hợp không xác định được đơn vị hành chính nào quản lý những người đó, thì thủ trưởng các nông trường, xí nghiệp nói trên sẽ tổ chức việc đăng ký và gửi phiếu đăng ký cho Ban chỉ đạo tổng điều tra dân số cấp đang quản lý hộ khẩu của đơn vị mình.

II. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM GIỮA ỦY BAN HÀNH CHÍNH ĐỊA PHƯƠNG VÀ CÁC NGÀNH CÓ TỔ CHỨC ĐIỀU TRA THEO KẾ HOẠCH RIÊNG

A. GIỮA BỘ QUỐC PHÒNG VÀ ỦY BAN HÀNH CHÍNH ĐỊA PHƯƠNG.

Điều 13. – Bộ Quốc phòng sẽ tổ chức đăng ký và tổng hợp theo kế hoạch riêng những người sau đây:

a) Những quân nhân tại ngũ và công nhân quốc phòng (có chứng minh thư riêng) không kể là những người này sống trong doanh trại, ở cùng với gia đình ở ngoài doanh trại, được biệt phát đi công tác tại các ngành hay đang theo học tại các trường không do quân đội quản lý.

b) Thương binh, bệnh binh đang điều trị tại các bệnh viện, trại điều dưỡng của quân đội.

Điều 14. – Bộ Quốc phòng sẽ tổ chức đăng ký những người sau đây và gửi phiếu đăng ký cho các Ban chỉ đạo tổng điều tra dân số huyện ( và đơn vị tương đương ) nơi những người đó đang ở, để tổng hợp vào dân số địa phương;

a) Thanh niên xung phong phục vụ các đơn vị quân độ hoặc cơ sở quốc phòng;

b) Những người làm theo chế độ hợp đồng, phụ động, công nhật ở thường xuyên trong các doanh trại hoặc cơ sở quốc phòng;

c) Những người thuộc gia đình của quân nhân, cán bộ và công nhân quốc phòng và những người khác vẫn ở thường xuyên trong các nhà tập thể do các đơn vị quân đội hoặc các cơ sở quốc phòng quản lý;

d) Những người được tuyển vào đại học tại các lớp dạy nghề hay lớp đào tạo diễn viên văn công do quận đội tổ chức.

Điều 15. – Ủy ban hành chính địa phương sẽ tổ chức đăng ký và tổng hợp vào dân số địa phương những người sau đây:

a) Những quân nhân và cán bộ, công nhân quốc phòng hiện đang sống cùng gia đình mà không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng đã hết hạn.

b) Những người đã được tuyển vào quân đội mà đến thời điểm điều tra vẫn còn ở nhà hoặc mới tập trung chờ giao quân.

B. GIỮA BỘ CÔNG AN VÀ ỦY BAN HÀNH CHÍNH ĐỊA PHƯƠNG

Điều 16. – Bộ Công an sẽ tổ chức đăng ký và tổng hợp theo kế hoạch riêng:

a) Những cán bộ chiến sĩ công an nhân dân vũ trang và công an nhân dân, không kể là những người này sống trong doanh trại, nhà tập thể cùa công an, ở cùng gia đình ngoài doanh trại, nhà tập thể, được biệt phái đi công tác tại các ngành khác hay theo học tại các trường không do ngành công an quản lý.

b) Những học sinh đang học và những người mới được chiêu sinh đến các trường do ngành công an quản lý.

c) Những người đang bị giữ trong các trại giam và cơ sở cải tạo do ngành công quan quản lý.

Điều 17. – Bộ Công an sẽ tổ chức đăng ký những người sau đây và gửi phiếu đăng ký cho các Ban chỉ đạo tổng điều tra dân số huyện (và đơn vị tương đương), nơi những người đó đang ở, để tổng hợp vào dân số địa phương;

a) Những người làm theo chế độ hợp đồng, phụ động, công nhật trong các đơn vị công an, ở thường xuyên trong doanh trại hoặc nhà tập thể công an.

b) Những người thuộc gia đình cán bộ, công nhân, nhân viên, chiến sĩ công an và những người khác vẫn ở thường xuyên trong các nhà tập thể do các đơn vị công an quản lý.

C. GIỮA BỘ NGOẠI GIAO VÀ ỦY BAN HÀNH CHÍNH ĐỊA PHƯƠNG

Điều 18. – Bộ Ngoại giao sẽ tổ chức đăng ký và tổng hợp theo kế hoạch riêng:

a) Những người Việt Nam được cử đi công tác, học tập và chữa bệnh ở nước ngoài mà tính đến thời điểm điều tra, đã được từ 6 tháng trở lên;

b) Những cán bộ, nhân viên công tác trong đoàn ngoại giao, những người nước ngoài được cử đến công tác, học tập ở miền Bắc nước ta.

Điều 19. – Ủy ban hành chính địa phương sẽ tổ chức đăng ký và tổng hợp vào dân số địa phương những người sau đây:

a) Những thường dân người nước ngoài thường xuyên sống trên miền Bắc và đã được ngành công an cấp “giấy chứng nhận cư trú ngoại kiều”.

b) Những người Việt Nam đi dự hội nghị, khảo sát tham quan ở nước ngoài trong khoản thời gian chưa được 6 tháng;

c) Những người Việt Nam đi chữa bệnh ở nước ngoài tính đến thời điểm điều tra chưa được 6 tháng.

Riêng đối với những người Việt Nam đi chữa bệnh ở Trung quốc thì không kể là thời gian ngắn hay dài cũng đều do Bộ Ngoại giao tổ chức đăng ký, Ủy ban hành chính địa phương không có trách nhiệm đăng ký.

(Ban hành kèm theo Quyết định số 19-TĐTDS/QĐ ngày 19-01-1974 của Ban chỉ đạo tổng điều tra dân số trung ương).