Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 1827/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp cơ khí của thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010, có tính đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 1827/QĐ-UBND
Ngày ban hành 25/04/2008
Ngày có hiệu lực 05/05/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Trung Tín
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 1827/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 4 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH CƠ KHÍ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2010, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 188/2004/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010, có tính đến năm 2020;
Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BKH ngày 07 tháng 02 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Xét đề nghị của Sở Công nghiệp tại Tờ trình số 281/TTr-SCN ngày 26 tháng 3 năm 2008 về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành cơ khí thành phố và Công văn số 64/CV-NCPT ngày 18 tháng 02 năm 2008 của Viện Kinh tế về báo cáo thẩm định Đề án Quy hoạch phát triển ngành cơ khí thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010, có tính đến năm 2020 và ý kiến của các sở - ngành có liên quan,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp cơ khí của thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010, có tính đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển:

a) Phát triển ngành cơ khí phù hợp với quy hoạch phát triển chung của công nghiệp thành phố, gắn với cơ khí và công nghiệp của vùng và cả nư­ớc, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.

b) Phát triển ngành cơ khí trên cơ sở tận dụng tiềm năng, lợi thế của thành phố, tập trung mọi nguồn lực để hiện đại hóa, nhanh chóng trở thành nền tảng hỗ trợ mạnh mẽ các lĩnh vực khác.

c) Phát triển ngành cơ khí với phương châm tăng cường chuyên môn hóa và hợp tác hóa, tập trung có chọn lọc vào một số chuyên ngành, sản phẩm cơ khí ưu tiên, có giá trị gia tăng cao, tạo thêm nhiều sản phẩm thay thế nhập khẩu và xuất khẩu.

d) Phát triển cơ khí dân sự kết hợp với cơ khí quốc phòng trên địa bàn để phát huy tối đa hiệu quả công nghiệp lư­ỡng dụng.

đ) Phát triển trên cơ sở bảo đảm môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng cuộc sống.

2. Định hướng phát triển:

a) Định hướng chung:

- Ưu tiên phát triển các chuyên ngành cơ khí công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn, các sản phẩm cơ khí tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng, thân thiện môi trường, phát triển dịch vụ cơ khí. Các dự án mang tính chủ lực của ngành cơ khí trên địa bàn cần đi thẳng vào công nghệ hiện đại.

- Tập trung vào những khâu còn rất yếu nhưng lại rất cơ bản là chuyên môn hóa sản xuất phôi đúc, rèn, nhiệt luyện, sơn, mạ, xử lý bề mặt, kiểm tra chất lượng sản phẩm và hiện đại hóa công nghệ chế tạo máy.

- Khai thác tiềm năng và huy động mọi thành phần kinh tế tham gia vào việc đầu tư phát triển ngành cơ khí. Quan tâm đặc biệt đến việc kêu gọi đầu tư nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn và công nghệ mới. Trong mỗi chuyên ngành cơ khí thành phố hình thành một doanh nghiệp đầu đàn, làm trung tâm hỗ trợ cho các cơ sở cơ khí vệ tinh phát triển.

- Trước mắt vẫn tận dụng hạ tầng kỹ thuật hiện có và phát huy sản xuất thu hút nhiều lao động tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh và đạt tiêu chuẩn chất lượng, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng của một số chuyên ngành cơ khí truyền thống.

- Nhà nước có vai trò dẫn dắt thông qua việc góp phần vốn đầu tư chính ở các công ty có vốn Nhà nước đối với các nhóm và chuyên ngành cơ khí nền tảng hoặc có tính xã hội cao nhưng lãi suất thấp.

- Tập trung sản xuất cơ khí lớn vào khu công nghiệp chuyên ngành, chuyển dịch dần cơ khí gia công thô ra khỏi nội đô, đầu tư cho xử lý ô nhiễm môi trường một cách triệt để.

b) Định hư­ớng theo sản phẩm:

Ưu tiên sản phẩm trọng điểm gồm:

- Ô tô: Xe buýt, mini buýt, ô tô tải, xe chuyên dùng, một số chủng loại linh kiện chất lượng cao, đặc biệt là nhóm linh kiện động cơ, hộp số.

- Phương tiện vận tải thủy: Tàu tuần tiễu, tàu du lịch tốc độ cao, tàu chở khách, tàu vận tải pha sông biển, tàu thuyền thể thao.

- Máy công cụ: Các loại máy công cụ theo hướng tự động hóa, điều khiển bằng chương trình số có trợ giúp của máy tính (CNC), máy công cụ điều khiển theo chương trình lôgic PLC, tiến tới sản xuất các trung tâm gia công MC, FMC và hệ thống gia công tự động FMS.

- Máy chuyên dùng: Bao gồm thiết bị ngành dược, chế biến lương thực thực phẩm phục vụ xuất khẩu.

- Máy móc thiết bị điện: Các máy điện quay, máy biến áp, các loại khí cụ và dụng cụ điện, dây và cáp điện, thiết bị cơ điện tử và rô bốt công nghiệp.

- Cơ khí chính xác: Khuôn mẫu cho ngành nhựa, tiến tới sản xuất khuôn cho kim loại (ngành ô tô, xe máy...); đồng hồ đo điện, nước, thời gian, thiết bị dụng cụ y tế, đồ chơi mô hình.

[...]