Quyết định 2057/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 do thành phố Cần Thơ ban hành

Số hiệu 2057/QĐ-UBND
Ngày ban hành 11/09/2007
Ngày có hiệu lực 11/09/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Phạm Phước Như
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Bộ máy hành chính,Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2057/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 11 tháng 9 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ CẦN THƠ ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 21/2007/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ thời kỳ 2006 - 2020;

Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BKH ngày 07 tháng 02 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và Giám đốc Sở Công nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp thành phố Cần Thơ đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, với các nội dung cơ bản sau:

1. Vị trí địa lý: địa bàn thành phố Cần Thơ.

2. Quan điểm phát triển:

- Phát triển công nghiệp của Cần Thơ gắn với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ và quy hoạch phát triển tổng thể công nghiệp của cả nước;

- Tập trung phát triển ngành công nghiệp chế biến theo hướng tinh chế với phương châm nội lực là quyết định; đồng thời cần tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư từ bên ngoài để xây dựng các công trình công nghiệp như: chế biến nông, thủy sản, thực phẩm và đồ uống, cơ khí, điện - điện tử, phân bón, hóa chất, hóa dầu, công nghiệp đóng tàu, gắn liền với xây dựng vùng nguyên liệu với sự kết hợp với nâng cao hiệu quả của công tác hợp tác quốc tế, hợp tác liên tỉnh, liên vùng;

- Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư và thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp. Tích cực tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư từ Trung ương, từ các tỉnh và các thành phần kinh tế trong và ngoài thành phố;

- Tích cực phối hợp, liên doanh liên kết với các Tập đoàn công nghiệp, các Tổng công ty chuyên ngành của cả nước để tận dụng khả năng về đầu tư vốn, thị trường tiêu thụ, năng lực, trình độ quản lý nhằm tránh rủi ro đầu tư cũng như có điều kiện để phát huy tiềm năng công nghiệp cũng như phát triển vùng nguyên liệu;

- Trong phát triển công nghiệp, coi trọng lợi ích bộ phận, cục bộ để phát triển nhanh, nhưng phải đảm bảo yêu cầu công bằng xã hội; đảm bảo lợi ích của sản xuất công nghiệp, đảm bảo lợi ích ổn định của người sản xuất nguyên liệu. Chú trọng phát triển các khu, cụm công nghiệp; đồng thời, phát triển mạnh công nghiệp nông thôn để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn;

- Đa dạng hóa về quy mô và loại hình sản xuất công nghiệp: công nghiệp chủ đạo, công nghiệp phụ trợ, phát triển công nghiệp làng nghề truyền thống, công nghiệp gia đình,… khuyến khích phát triển công nghiệp quy mô vừa và nhỏ;

- Công nghệ cần phải phù hợp với quy mô sản xuất, phù hợp với xu hướng phát triển nhằm đảm bảo cạnh tranh của sản phẩm kể cả về chất lượng và giá cả;

- Phát triển công nghiệp phải hài hòa với các ngành kinh tế khác, không gây thiệt hại và tổn thương đến môi trường sinh thái, đến kinh tế nông nghiệp, du lịch và an ninh quốc phòng.

Với hàng loạt dự án công nghiệp quy mô lớn được đầu tư trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, công nghiệp thành phố Cần Thơ phát triển với tốc độ cao. Tuy nhiên, để công nghiệp phát triển bền vững cần tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường như: phát triển công nghiệp phải gắn kết chặt chẽ cùng lúc với bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển xã hội bền vững; thực hiện các biện pháp phòng chống, xử lý ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh sản xuất sạch hơn trong các cơ sở công nghiệp, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn ISO 14000 nhằm kết hợp các tiêu chuẩn hiệu quả sản xuất cao với các tiêu chuẩn môi trường quốc tế; đổi mới công nghệ và thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ chất thải; thực hiện di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường để giảm thiểu tác động đến sức khỏe con người trong cộng đồng.

3. Mục tiêu phát triển:

3.1. Mục tiêu tổng quát:

Ngành công nghiệp thành phố Cần Thơ phấn đấu đóng góp phần lớn vào tăng trưởng kinh tế với tốc độ phát triển nhanh và bền vững; sản xuất công nghiệp phát triển mạnh mẽ, hình thành các ngành công nghiệp chủ lực, các ngành công nghiệp mũi nhọn trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh và tập trung đầu tư có trọng điểm; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, ngày càng nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp và của cả nền kinh tế thành phố, phấn đấu đến năm 2020 thành phố Cần Thơ cơ bản trở thành thành phố công nghiệp như Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.

3.2. Mục tiêu cụ thể:

a. Khai thác và phát huy tối đa tiềm lực và lợi thế để thực hiện những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội:

- Giá trị sản xuất công nghiệp đạt (giá so sánh năm 1994) 18.344 tỷ đồng năm 2010, tăng bình quân 18,2%/năm (công nghiệp và xây dựng tăng 20%/năm); đạt 45.060 tỷ đồng năm 2015, tăng bình quân 19,7%/năm (công nghiệp và xây dựng tăng 20,6%/năm); đạt 99.371 tỷ đồng năm 2020, tăng bình quân 17,1%/năm (công nghiệp và xây dựng tăng 19,3%/năm).

[...]