Quyết định 1776/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt “Đề án phát triển ngành cơ khí tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, có tính đến năm 2025”

Số hiệu 1776/QĐ-UBND
Ngày ban hành 01/10/2013
Ngày có hiệu lực 01/10/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Trị
Người ký Nguyễn Đức Cường
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1776/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 01 tháng 10 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGÀNH CƠ KHÍ TỈNH QUẢNG TRỊ ĐẾN NĂM 2020, CÓ TÍNH ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 13/2012/QĐ-UBND ngày 04 tháng 10 năm 2012 của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, định hướng đến năm 2025;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 653/TTr-SCT ngày 05 tháng 9 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Đề án phát triển ngành cơ khí tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, có tính đến năm 2025” với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển ngành cơ khí phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

- Tạo chuyển biến mạnh mẽ, đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành cơ khí làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; từng bước nâng cao năng lực chế tạo, sửa chữa và sản xuất phụ tùng thay thế để phục vụ đắc lực cho các ngành kinh tế, dần dần rút ngắn khoảng cách và làm chủ trình độ công nghệ, thiết bị so với các tỉnh trong khu vực và cả nước;

- Huy động mọi nguồn lực cho phát triển ngành cơ khí, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực cơ khí chế tạo trên địa bàn tỉnh;

- Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở đầu tư mở rộng, đổi mới công nghệ, thiết bị, lấy phương án “đi tắt đón đầu” trong việc ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến để đẩy nhanh quá trình nâng cao trình độ công nghệ của ngành; cải tiến sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất - kinh doanh;

- Ưu tiên phát triển các ngành nghề cơ khí sử dụng công nghệ cao nhằm nâng cao sức cạnh tranh; tập trung xây dựng, phát triển ngành cơ khí phục vụ các lĩnh vực sản xuất của địa phương như: máy móc phục vụ sản xuất - chế biến - bảo quản nông - lâm - thủy sản; thiết bị, phụ tùng thay thế trong sản xuất công nghiệp; sản phẩm, dịch vụ phục vụ đời sống người dân;

- Tận dụng tối đa lợi thế địa lý và các chính sách tuyến hành lang kinh tế Đông

- Tây để khai thác, phát triển thị trường;

- Phát triển ngành cơ khí phải gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

2. Mục tiêu phát triển

2.2. Mục tiêu tổng quát

Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực cơ khí nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành cơ khí đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phấn đấu giai đoạn đến năm 2020 xác lập được một số sản phẩm cơ khí thế mạnh, xuất khẩu ra các nước khu vực và làm chủ được trình độ máy móc thiết bị. Giai đoạn đến 2025, phát triển các sản phẩm cơ khí đồng bộ và công nghệ cao.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất ngành cơ khí giai đoạn 2013 - 2015 đạt 12,6%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 đạt 15%/năm;

- Tỷ trọng giá trị sản xuất ngành cơ khí trong ngành công nghiệp (giá so sánh 2010) đến năm 2015 là 8,29%, năm 2020 là 7,98%;

- Tạo việc làm trong ngành cơ khí đến năm 2015 là 2.200 lao động và năm 2020 là 2.800 lao động.

3. Định hướng phát triển ngành cơ khí tỉnh Quảng Trị

[...]