Thứ 7, Ngày 09/11/2024

Quyết định 182/2003/QĐ-UB Quy chế về tổ chức tiếp công dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành

Số hiệu 182/2003/QĐ-UB
Ngày ban hành 26/12/2003
Ngày có hiệu lực 10/01/2004
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Huỳnh Năm
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 182/2003/QĐ-UB

Đà Nẵng, ngày 26 tháng 12 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

ỦY BAN NHÂN DÂN

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân (sửa đổi) ngày 21 tháng 6 năm 1994;
- Căn cứ Luật khiếu nại, tố cáo ngày 02 tháng 12 năm 1998;
- Căn cứ Nghị định số 89/CP ngày 07 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức tiếp công dân;
- Theo đề nghị của Chánh Văn phòng HĐND và UBND thành phố,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về tổ chức tiếp công dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2: Giao cho Thanh tra Nhà nước thành phố chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy chế này.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 4: Chánh Văn phòng HĐND và UBND thành phố, Chánh Thanh tra thành phố, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, Thủ trưởng các tổ chức và cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 4
- TVTU, TTHĐND
- CT, các PCT
- CPVP
- Lưu VT, NC-PC

TM. UBND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
CHỦ TỊCH




Huỳnh Năm

 

QUY CHẾ

VỀ TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 182/2003/QĐ-UB ngày 26 tháng 12 năm 2003 của UBND thành phố Đà Nẵng)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Quy định này cụ thể hóa việc tổ chức tiếp công dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng trình tự, thủ tục và thời gian quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 2: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức nơi tiếp công dân tại trụ sở làm việc của mình và bố trí cán bộ chuyên trách tiếp công dân.

Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân phải là người có phẩm chất tốt, liêm khiết, trung thực, có năng lực chuyên môn, am hiểu thực tế, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệt tình và có trách nhiệm đối với công việc được giao.

Điều 3: Cơ quan Công an phụ trách địa bàn có trách nhiệm phối hợp với Thủ trưởng cơ quan đơn vị để tổ chức bảo vệ, bảo đảm an toàn, trật tự, văn minh lịch sự nơi tiếp công dân. Kịp thời xử lý các trường hợp gây mất trật tự tại nơi tiếp công dân theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 4: Công dân không được lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối trật tự tại nơi tiếp công dân, vu cáo xúc phạm cơ quan Nhà nước, người thi hành công vụ và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi, nội dung khiếu nại, tố cáo của mình.

Chương II

TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN

Điều 5: Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm:

1. Tổ chức việc tiếp công dân và trực tiếp tiếp công dân để nghe, xử lý và chỉ đạo giải quyết các kiến nghị, phản ảnh, khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc lĩnh vực mình quản lý, đối với các kiến nghị không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì phải có trách nhiệm hướng dẫn công dân gởi kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kiến nghị của công dân. Tuyệt đối không được đùn đẩy trách nhiệm cho người khác;

2. Chỉ đạo kịp thời các cơ quan chức năng thuộc quyền mình quản lý thẩm tra, xác minh, đề xuất kiến nghị giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng thời hạn quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo;

3. Căn cứ các quy định của Nhà nước về tổ chức tiếp công dân và quy định của Quy chế này để tổ chức tiếp công dân tại đơn vị mình.

Điều 6: Cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức tiếp công dân phải mở sổ đăng ký lịch tiếp công dân, ghi chép đầy đủ các nội dung kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Trong thời hạn là 05 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ tiếp công dân phải dự thảo văn bản trình lãnh đạo duyệt ký để thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị về xử lý, giải quyết yêu cầu của công dân và theo dõi, kiểm tra đôn đốc các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện.

[...]