Nghị định 89-CP năm 1997 về Quy chế tổ chức tiếp công dân

Số hiệu 89-CP
Ngày ban hành 07/08/1997
Ngày có hiệu lực 22/08/1997
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 89-CP

Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 1997

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 89-CP NGÀY 07 THÁNG 8 NĂM 1997 BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh Khiếu nại tố cáo của công dân ngày 7 tháng 5 năm 1991;
Theo đề nghị của Tổng thanh tra Nhà nước,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.- Ban hành kèm theo Nghị định này bản Quy chế tổ chức tiếp công dân.

Điều 2.- Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Tổng Thanh tra Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị định này.

Điều 3.- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN
(Ban hành kèm theo Nghị định số 89/CP ngày 07 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, các ngành, đơn vị lực lượng vũ trang (gọi tắt là cơ quan, đơn vị) có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị.

Điều 2.- Việc tiếp công dân nhằm mục đích:

1. Tiếp nhận các thông tin, kiến nghị, phản ánh góp ý những vấn đề liên quan đến chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, công tác quản lý của cơ quan, đơn vị.

2. Tiếp nhận khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình để xem xét ra quyết định, kết luận giải quyết hoặc trả lời cho công dân biết theo đúng thời hạn quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

3. Hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đúng chính sách, pháp luật, đúng cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết.

Điều 3.- Các cơ quan, đơn vị phải tổ chức nơi tiếp công dân tại địa điểm thuận tiện, khang trang, lịch sự, bảo đảm các điều kiện vật chất cần thiết để công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được dễ dàng, thuận lợi.

Tại nơi tiếp công dân phải niêm yết ngày, giờ tiếp, nội quy tiếp công dân; đồng thời phải niêm yết quy trình, hướng dẫn công dân khiếu nại, tố cáo theo thủ tục của pháp luật hoặc theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính để mọi người biết và thực hiện.

Điều 4.- Cơ quan Công an phụ trách địa bàn cùng Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phối hợp, tổ chức bảo vệ để bảo đảm an toàn, trật tự nơi tiếp công dân.

Điều 5.- Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm bố trí cán bộ chuyên trách tiếp công dân.

Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp dân phải là người có phẩm chất tốt, liên khiết, trung thực, có năng lực chuyên môn, am hiểu thực tế, nắm vững chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực sự có nhiệt tình và trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao.

Điều 6.- Công dân không được lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối trật tự ở nơi tiếp công dân, vụ cáo, xúc phạm cơ quan Nhà nước, người thi hành công vụ và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung khiếu nại, tố cáo của mình.

Chương 2:

[...]