BẢO ĐẢM AN TOÀN VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH XÂY
DỰNG TRONG HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG
“Ban hành kèm theo Quyết định số 180/2005/QĐ-UB ngày 27 tháng 01 năm 2005 của
UBND tỉnh Quảng Trị”
Chương I
MỤC ĐÍCH, ĐỐI TƯỢNG VÀ
PHẠM VI ÁP DỤNG
Quy định này điều chỉnh hoạt động xây dựng của các
tổ chức, cá nhân có liên quan theo các quy định của Luật xây dựng ngày 26/11/2003
và các văn bản pháp luật khác trong việc bảo đảm an toàn công trình lân cận và
vệ sinh môi trường trong quá trình thi công xây dựng công trình mới trên địa
bàn tỉnh Quảng Trị.
Điều 2: Giải thích từ ngữ:
- "Sự cố công trình" là những
hư hỏng, đổ vỡ bộ phận kết cấu công trình, hạng mục hoặc toàn bộ công trình mà
sự hư hỏng, đổ vỡ đó làm giảm hoặc mất khả năng chịu lực, khả năng vận hành của
công trình, gây mất an toàn các công trình xung quanh.
- "Bảo đảm an toàn trong xây dựng"
là các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy móc thiết bị, tài sản, công trình
đang xây dựng, công trình ngầm, công trình liền kề; Thực hiện các biện pháp cần
thiết nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra mất an toàn trong
thi công xây dựng.
- "Bảo đảm vệ sinh môi trường trong xây
dựng" là các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường trong quá trình
hoạt động xây dựng (kể cả khi vận chuyển vật liệu xây dựng) bao gồm môi trường
không khí (khói, bụi, mùi khó chịu v.v), môi trường nước, chất thải rắn, tiếng
ồn và các yêu cầu khác về vệ sinh môi trường.
- "Hoạt động xây dựng" trong
quy định này bao gồm: Lập dự án đầu tư xây dựng; Khảo sát, thiết kế xây dựng;
Cấp giấy phép xây dựng; Giải phóng mặt bằng xây dựng; Thi công xây dựng công
trình (bao gồm cả lắp đặt thiết bị, phá dỡ công trình, di dời công trình); Giám
sát thi công; Kiểm tra, thanh tra hoạt động xây dựng; Xử lý sự cố về an toàn và
vệ sinh môi trường trong xây dựng.
Điều 3: Đối tượng và phạm vi
áp dụng
Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động
xây dựng trên Địa bàn tỉnh Quảng Trị phải tuân thủ quy định này và các quy định
khác có liên quan của pháp luật.
Chương II
QUY ĐỊNH ĐẢM BẢO AN TOÀN
VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG
Điều 4: Quy định đối với dự
án đầu tư xây dựng công trình
Dự án đầu tư xây dựng công trình phải bảo đảm an
toàn trong xây dựng, vận hành, khai thác, sử dụng công trình, an toàn phòng chống
cháy, nổ và bảo vệ môi trường (Điểm C, Khoản 1, Điều 36-Luật Xây dựng 2003).
Điều 5: Quy định đối với nhà
thầu khảo sát, thiết kế xây dựng công trình
1- Khảo sát xây dựng
a- Đối với các công trình quan trọng, có nguy cơ
gây mất an toàn hoặc gây ô nhiễm môi trường cho các công trình lân cận thì nhà thầu
khảo sát phải có đề xuất các giải pháp hợp lý để chủ đầu tư công trình thực
hiện.
b- Đối với các dự án có công trình xây dựng mới gần
kề với công trình đã có thì nhà thầu khảo sát phải khảo sát địa chất công trình,
nếu gặp địa chất nền móng yếu phải có kiến nghị đề xuất để chủ đầu tư và nhà
thầu thiết kế có giải pháp phòng tránh lún nứt, biến dạng đối với công trình đã
có.
c- Đối với công trình xây dựng sau, gần kế với công
trình đã xây dựng trước mà bị lún, nứt, biến dạng thì chủ công trình xây dựng
sau phải tự chịu trách nhiệm. Vì vậy, hồ sơ khảo sát hiện trạng mặt bằng phải
có phạm vi rộng ra ngoài phạm vi dự án ít nhất 10 m để xác định công trình nào
xây dựng trước.
2- Thiết kế công trình
a) Nền móng công trình phải bảo đảm bền vững, không
bị lún nứt, biến dạng quá giới hạn cho phép làm ảnh hưởng đến các công trình
lân cận.
b) Bảo đảm an toàn, phù hợp với các tiêu chuẩn, quy
chuẩn xây dựng về phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường xung quanh.
c) Đảm bảo an toàn khi xảy ra sự cố; đảm bảo khoảng
cách và điều kiện chữa cháy, cứu nạn để hạn chế tác hại đến các công trình và
môi trường xung quanh.
3- Nhà thầu khảo sát, thiết kế phải
mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.
4- Đối với công trình quy mô nhỏ
(nhà ở riêng lẻ, công trình tạm v.v) do chủ công trình tự khảo sát thiết kế thì
chủ công trình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về bảo đảm an toàn cho các
công trình lân cận và môi trường xung quanh.
Điều 6: Quy định về cấp giấy
phép xây dựng
Việc cấp giấy phép xây dựng thực hiện theo Luật Xây
dựng, trong đó cần chú ý các yêu cầu về an toàn đối với công trình xung quanh;
bảo đảm hành lang bảo vệ các công trình giao thông, đê điều, năng lượng, khu di
sản văn hoá, di tích lịch sử-văn hoá, các công trình khác theo quy định của
pháp luật; bảo vệ môi trường và an toàn đối với các công trình lân cận.
Điều 7: Quy định về an toàn
trong thi công xây dựng công trình
1- Điều kiện khởi công công trình:
Công trình chỉ được khởi công xây dựng khi có đủ
điều kiện theo quy định tại Điều 72-Luật Xây dựng 2003, trong đó cần có biện pháp
bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công xây dựng.
2- Quy định đối với nhà thầu xây dựng:
Có biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường,
không gây ảnh hưởng đến các công trình và khu dân cư xung quanh.
Chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do thi công
gây ô nhiễm môi trường, làm mất an toàn các công trình xung quanh.
Tuân thủ các quy định khác của pháp luật về bảo vệ
môi trường.
3- Quy định đối với chủ đầu tư công
trình:
Chủ đầu tư phải kiểm tra biện pháp bảo đảm an toàn,
vệ sinh môi trường.
Yêu cầu nhà thầu dừng thi công và khắc phục hậu quả
khi nhà thầu vi phạm các quy định về an toàn, vệ sinh môi trường.
Điều 8- Quy định về phá dỡ
công trình xây dựng
Các công trình được phép phá dỡ theo quy định của
pháp luật phải thực hiện theo giải pháp phá dỡ được duyệt, đảm bảo các yêu cầu
về an toàn, vệ sinh môi trường.
Người được giao tổ chức thực hiện việc phá dỡ phải
chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do việc phá dỡ công trình gây ô nhiễm môi
trường, làm mất an toàn các công trình xung quanh.
Điều 9- Quy định về di dời
công trình xây dựng
Các công trình được phép di dời theo quy định của
pháp luật phải thực hiện theo giải pháp di dời được duyệt, đảm bảo các yêu cầu
về an toàn, vệ sinh môi trường.
Người được giao tổ chức thực hiện việc di dời phải
chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do thi công gây ô nhiễm môi trường, làm
mất an toàn các công trình xung quanh.
Điều 10: Trình tự và phân
cấp giải quyết sự cố công trình
Trình tự giải quyết và phân cấp giải quyết sự cố
công trình thực hiện theo điều 35 của Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của
Chính phủ.
Khi có sự cố công trình, Chủ đầu tư phải báo cáo
ngay cho Sở Xây dựng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khác để
điều tra và xử lý sự cố công trình.
Trường hợp có thiệt hại về người thì Chủ đầu tư cũng
phải báo cáo với UBND tỉnh.
Chương III
KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI
PHẠM VỀ AN TOÀN VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG
Điều 11: Trách nhiệm kiểm
tra an toàn và vệ sinh môi trường
1- Nhà thầu khảo sát và thiết kế công
trình:
Nhà thầu khảo sát và thiết kế công trình phải tiên
liệu các vấn đề liên quan đến an toàn và vệ sinh môi trường; đề xuất giải pháp
hữu hiệu để bảo đảm an toàn và vệ sinh môi trường; kiểm tra, giám sát chủ đầu
tư và nhà thầu thi công thực hiện đúng các giải pháp bảo đảm an toàn và vệ sinh
môi trường.
2- Chủ đầu tư công trình:
Kiểm tra, giám sát nhà thầu thi công thực hiện đúng
các giải pháp bảo đảm an toàn và vệ sinh môi trường.
Khi công trình xảy ra sự cố an toàn và gây ô nhiễm
môi trường, chủ đầu tư chủ trì xử lý vi phạm, có sự tham gia của cấp có thẩm
quyền và các cơ quan chức năng liên quan.
3- Nhà thầu thi công công trình:
Nhà thầu thi công có trách nhiệm kiểm tra an toàn
và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công. Trường hợp phát hiện nguy cơ
mất an toàn hoặc gây ô nhiễm môi trường thì phải báo ngay cho chủ đầu tư để tìm
giải pháp xử lý. Trong trường hợp nghiêm trọng thì chủ đầu tư phải báo cáo cấp
có thẩm quyền, đơn vị khảo sát, thiết kế và các cơ quan chức năng cùng phối hợp
xử lý kịp thời, không để tình hình nghiêm trọng thêm và không được để kéo dài.
4- Lực lượng thanh tra chuyên ngành:
Bao gồm các lực lượng thanh tra xây dựng, thanh tra
giao thông, thanh tra nhà đất, thanh tra môi trường có trách nhiệm thực hiện
nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Khi nhận thấy nguy cơ mất an toàn và vệ
sinh môi trường trong hoạt động xây dựng thì có quyền kiến nghị các tổ chức, cá
nhân liên quan có biện pháp phòng ngừa. Trường hợp cần thiết phải báo cáo cấp
có thẩm quyền để xem xét xử lý.
Điều 12: Xử lý vi phạm an
toàn và vệ sinh môi trường công trình:
Các Tổ chức cá nhân vi phạm vệ sinh an toàn và vệ
sinh môi trường công trình lân cận thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm để xử
lý theo quy định tại Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ngày 26/5/2004 về xử phạt hành
chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử
dụng nhà và các quy định khác của pháp luật.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13: Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có điều
khoản nào vướng mắc, hoặc chưa phù hợp thì các đơn vị, địa phương, các ngành,
các cấp báo cáo kịp thời về UBND tỉnh để điều chỉnh./.