Nghị định 126/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà

Số hiệu 126/2004/NĐ-CP
Ngày ban hành 26/05/2004
Ngày có hiệu lực 24/06/2004
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bất động sản,Vi phạm hành chính,Xây dựng - Đô thị

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 126/2004/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 26 tháng 5 năm 2004

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 126/2004/NĐ-CP NGÀY 26 THÁNG 5 NĂM 2004 VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG, QUẢN LÝ CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG ĐÔ THỊ VÀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG NHÀ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà; hình thức và mức xử phạt; thẩm quyền và thủ tục xử phạt; khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

2. Vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà là hành vi do tổ chức, cá nhân thực hiện cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định về hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

3. Vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà bao gồm:

a) Vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng của chủ đầu tư;

b) Vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng của nhà thầu thi công xây dựng công trình (dưới đây gọi là nhà thầu xây dựng);

c) Vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng của nhà thầu tư vấn xây dựng;

d) Vi phạm hành chính trong quản lý công trình hạ tầng đô thị gồm: các hành vi vi phạm trong quản lý hệ thống giao thông đô thị, thông tin liên lạc, cung cấp năng lượng, chiếu sáng công cộng, cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải, công trình trong công viên, vườn hoa, cây xanh công cộng và các công trình khác;

đ) Vi phạm hành chính trong quản lý sử dụng nhà.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cá nhân, tổ chức Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà bị xử phạt theo quy định của Nghị định này.

2. Cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều bị xử phạt theo quy định tại Nghị định này, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác.

Điều 3. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà.

1. Mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay. Việc xử phạt vi phạm hành chính phải được tiến hành kịp thời, công minh, triệt để. Mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

2. Việc xử phạt vi phạm hành chính phải do người có thẩm quyền quy định tại các Điều 43, 44, 45, 46 của Nghị định này thực hiện và phải được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật.

3. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt hành chính một lần. Tổ chức, cá nhân có nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt từng hành vi vi phạm. Nhiều tổ chức, cá nhân cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi tổ chức, cá nhân vi phạm đều bị xử phạt.

4. Việc xử lý vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng để quyết định hình thức, biện pháp xử lý thích hợp.

5. Không xử lý vi phạm hành chính trong các trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, sự kiện bất ngờ, vi phạm hành chính khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Điều 4. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm, kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện; quá thời hạn trên thì không bị xử phạt, nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 3 Điều 5 của Nghị định này.

2. Trong thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều này, nếu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt của các cấp có thẩm quyền thì thời hiệu xử phạt được tính lại kể từ thời điểm đương sự chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

[...]