ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 18/QĐ-UBND
|
Bạc Liêu, ngày
14 tháng 8 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG
BẰNG XE BUÝT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2012 ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng
11 năm 2008;
Căn cứ Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 08 tháng
3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển vận tải hành
khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020;
Căn cứ Thông tư số 14/2010/TT-BGTVT ngày 24
tháng 6 năm 2010 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và quản lý hoạt
động vận tải bằng xe ô tô;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải
tại Tờ trình số 58/TTr-SGTVT ngày 06 tháng 6 năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Đề án phát triển vận tải
hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn từ năm
2012 đến năm 2020”.
Điều 2. Giao Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổ chức triển
khai thực hiện Đề án theo đúng các quy định hiện hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông
vận tải và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
|
TM. UBND TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Thanh Dũng
|
ĐỀ ÁN
PHÁT TRIỂN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH BẠC LIÊU GIAI ĐOẠN 2012 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 18/QĐ-UBND ngày 14 tháng 8 năm 2012 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Bạc Liêu)
Chương I
ĐẶT VẤN ĐỀ
1. Sự cần thiết phải lập đề án
Cùng với sự phát triển của hệ thống giao thông
đường bộ trong tỉnh, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe ô tô cũng
được hình thành và phát triển ngày càng đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Từ
chỗ chưa có xe ô tô chở khách về đến trung tâm các huyện vùng sâu, vùng xa (năm
1997) như: Thị trấn Gành Hào, thị trấn Phước Long, thị trấn Ngan Dừa…; đến nay,
ngoài tuyến Quốc lộ 1A, trên nhiều tuyến đường bộ liên huyện đã tổ chức được
các tuyến vận tải hành khách bằng xe ô tô có trọng tải xe từ 16 đến 29 ghế, tạo
thành mạng lưới vận tải hành khách bằng xe ô tô với nhiều hình thức phong phú
và đa dạng gồm: Vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng
xe taxi, vận tải hành khách theo hợp đồng…
Tuy nhiên, các phương thức vận tải hành khách
này còn có những hạn chế như: Không giải quyết được yêu cầu của hành khách lên
xuống dọc đường, đến các chợ, bệnh viện, trường học, cơ quan, khu dân cư trong
các đô thị… Từ khi thực hiện Đề án thay thế xe lôi máy trên địa bàn tỉnh (tháng
12 năm 2007) đến nay, các xe lôi máy không còn được phép hoạt động; do đó, xe
mô tô hai bánh chở khách phát triển nhiều, làm tăng mật độ xe cơ giới lưu thông
trên đường, đặc biệt là trong các khu đô thị, nguy cơ ùn tắc giao thông và nguy
cơ gây ra tai nạn giao thông cao. Vì vậy, việc tổ chức hoạt động các tuyến xe
buýt là đòi hỏi cấp bách nhằm giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần
ngăn chặn ùn tắc giao thông và nguy cơ gây ra tai nạn giao thông đường bộ.
2. Đối tượng nghiên cứu của đề án
Chỉ nghiên cứu các tuyến đường có nhu cầu hình
thành và phát triển các tuyến xe buýt, gọi là mạng lưới tuyến vận tải hành
khách công cộng bằng xe buýt.
3. Phạm vi của đề án
- Phạm vi nghiên cứu của Đề án này là trên địa
bàn tỉnh Bạc Liêu bao gồm các huyện: Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Giá Rai, Đông Hải, Phước
Long, Hồng Dân và thành phố Bạc Liêu.
- Phạm vi ảnh hưởng đến đề án này bao gồm các tỉnh
giáp ranh với Bạc Liêu là: Sóc Trăng, Kiên Giang, Hậu Giang và Cà Mau.
Chương II
CƠ SỞ LÝ LUẬN
1. Cơ sở khoa học và thực tiễn
a) Căn cứ vào sự đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân
dân theo các phương thức vận tải, đặc biệt là hoạt động đặc thù của phương thức
vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt mà các phương thức vận tải hành khách
khác không đáp ứng được.
b) Căn cứ vào nghiên cứu hoạt động xe buýt của
các tỉnh, thành phố trong khu vực những năm qua, cũng như kết quả hoạt động thử
nghiệm của một số tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, nhu cầu đi lại của
nhân dân, cũng như điều kiện về hạ tầng giao thông đường bộ.
2. Cơ sở pháp lý:
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Căn cứ Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng
10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô
tô.
Căn cứ Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3
năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển vận tải khách công
cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020.
Căn cứ vào Thông tư số 14/2010/TT-BGTVT ngày 24
tháng 6 năm 2010 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và quản lý hoạt
động vận tải bằng xe ô tô, trong đó có vận tải khách công cộng bằng xe buýt.
Căn cứ vào Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Bạc
Liêu đến năm 2020 và tầm nhìn 2025 được Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu phê duyệt
theo Quyết định số 1775/2009/QĐ-UBND ngày 18 tháng 8 năm 2009.
Chương III
NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN
1. Đặc điểm, tình hình
a) Đặc điểm hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh
Bac Liêu
Mạng lưới đường bộ tỉnh Bạc Liêu mặc dù được quy
hoạch khá hoàn chỉnh, nhưng hiện nay chỉ mới xây dựng giai đoạn I, có quy mô và
tải trọng nhỏ; tổng chiều dài mạng lưới đường bộ trong tỉnh theo quy hoạch là
3.978/km, bao gồm:
* Quốc lộ có 3 tuyến, tổng chiều dài 129km:
- Tuyến Quốc lộ 1A: Dài 64km, đi qua thành phố Bạc
Liêu và một số điểm tập trung dân cư, kinh tế - xã hội như thị trấn Châu Hưng
(huyện Vĩnh Lợi), thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình), thị trấn Giá Rai và thị
trấn Hộ Phòng (huyện Giá Rai).
- Tuyến Quản lộ - Phụng Hiệp: Đoạn qua tỉnh Bạc
Liêu dài 49km, đi qua các huyện Hồng Dân, Phước Long, Giá Rai; dự kiến thông xe
và đưa vào sử dụng cuối năm 2012.
- Tuyến Nam Sông Hậu: Đoạn qua tỉnh Bạc Liêu dài
khoảng 13km; đã thông xe toàn tuyến 12 năm 2010.
* Đường tỉnh theo quy hoạch có 13 tuyến, tổng
chiều dài 337km; đến nay đã xây dựng được 175km đường kiên cố, trong đó có 25km
đường bê tông nhựa, 74km đường tráng nhựa, 76km đường đá cấp phối, gồm:
- Đường Bạc Liêu - Hưng Thành (ĐT 976): Dài
13,3km, mặt đường láng nhựa rộng 3,5m.
- Đường Giồng Nhãn - Gò Cát (ĐT 977): Dài 30,2km,
mặt đường rộng 3,5m; đoạn từ Xiêm Cán - Hiệp Thành đã được nâng cấp mở rộng, đoạn
Hiệp Thành - Gò Cát đang thi công làm mới; dự kiến đến 2013 hoàn thành.
- Đường Thuận Hòa - Xiêm Cán (ĐT 977B): Dài
6,1km, mặt đường bê tông nhựa rộng 3,5m.
- Đường Cầu Sập - Ninh Qưới - Ngan Dừa - Quốc lộ
63 (ĐT 978): Dài 52km; đoạn Cầu Sập - Ninh Quới đang thi công nâng cấp mở rộng,
đoạn Ninh Qưới - Ngan Dừa đã hoàn thành bằng bê tông nhựa, mặt đường rộng 3,5m.
- Đường Hòa Bình - Vĩnh Hậu (ĐT 978B): Dài 12km,
mặt đường láng nhựa rộng 3,5m.
- Đường Vĩnh Mỹ - Phước Long - QL63 (ĐT 979):
Dài 43km, trong đó:
+ Đoạn Vĩnh Mỹ - Phước Long: Dài 23km đang nâng
cấp mở rộng với mặt đường 7m.
+ Đoạn Phước Long - QL63: Chưa triển khai xây dựng.
- Đường Xóm Lung - Cái Cùng (ĐT 979B): Dài 13km,
nền đường đất.
- Đường Gành Hào - Giá Rai - Phó Sinh - Cạnh Đền
(ĐT 980): Dài 63km, trong đó:
+ Đoạn Giá Rai - Gành Hào: Dài 30 km, hiện đang
nâng cấp mở rộng với mặt đường 7m.
+ Đoạn Giá Rai - Cạnh Đền: Dài 33 km, đang thi
công xây mới đoạn Giá Rai - Phó Sinh, mặt đường láng nhựa rộng 3,5m và cầu Phó
Sinh; đoạn Phó Sinh - Cạnh Đền còn là đường giao thông nông thôn.
- Đường Hộ Phòng - Chủ Chí - Chợ Hội (ĐT 981):
Dài 21km, trong đó:
+ Đoạn Hộ Phòng - Chủ Chí: Dài 13km, mặt đường
láng nhựa rộng 3,5m.
+ Đoạn Chủ Chí - Chợ Hội: Dài 8km, mặt đường bê
tông xi măng rộng 2,5m.
- Đường An Trạch - Định Thành - An Phúc - Gành
Hào (ĐT 982): Dài 21km, mặt đường bê tông nhựa rộng 3,5m.
- Đường Hộ Phòng - Gành Hào (ĐT 981B): Dài 24km,
chưa được đầu tư xây dựng.
- Đường Bờ Tây kênh Láng Trâm (ĐT 982B): Dài
10km, chưa được đầu tư xây dựng.
- Đường Thống Nhất II, huyện Hồng Dân: Dài 3km,
mặt đường láng nhựa rộng 7m.
* Đường huyện theo quy hoạch có 52 tuyến, tổng
chiều dài 952km.
* Các đường giao thông nông thôn có tổng chiều
dài 2.500km.
* Đường đô thị: Tổng chiều dài 60km.
b) Tình hình tai nạn giao thông đường bộ trên địa
bàn tỉnh
Tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Bạc
Liêu diễn biến khá phức tạp. Tai nạn giao thông có yếu tố của mô tô, xe gắn máy
chiếm hơn 93%. Đặc biệt là tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn đi qua
tỉnh Bạc Liêu.
c) Tình hình các loại phương tiện cơ giới đường
bộ
Theo số liệu tổng hợp, đến tháng 5 năm 2012 tỉnh
Bạc Liêu có 6.286 ô tô các loại, 238.803 mô tô, xe gắn máy. Những năm gần đây,
tốc độ tăng số lượng xe mô tô, xe gắn máy rất cao, bình quân khoảng gần 25.000
xe mỗi năm.
2. Mục tiêu của đề án
- Xây dựng mạng lưới tuyến xe buýt hợp lý, đảm bảo
thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân theo hướng phát triển xe buýt đến trung
tâm các huyện, thành phố, các khu công nghiệp, khu kinh tế trong tỉnh và các tỉnh
lân cận.
- Phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng
bằng xe buýt theo hướng cung cấp các dịch vụ xe buýt thuận tiện, phù hợp với
nhu cầu đi lại của đa số người dân để khuyến khích người dân sử dụng xe buýt; đồng
thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật sử dụng phương tiện công cộng
bằng xe buýt; góp phần hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân, xây dựng nếp sống
văn minh trong giao thông vận tải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm nguy cơ
ùn tắc giao thông và kiềm chế tai nạn giao thông khi các đô thị và các khu dân
cư, khu kinh tế, khu công nghiệp ngày càng phát triển, đồng thời cũng góp phần
thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh.
- Phát triển phương tiện vận tải hành khách công
cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh theo chủ trương xã hội hóa nhằm huy động
các nguồn lực trong dân, trong các tổ chức, doanh nghiệp… Để cùng đem lại lợi
ích cho xã hội cũng như lợi ích của người đầu tư.
3. Những nội dung chính của đề án
Xác lập các tuyến xe buýt phù hợp với điều kiện
kết cấu hạ tầng giao thông và nhu cầu đi lại của người dân, cụ thể như sau:
a) Tuyến số 1: Thị trấn Phú Lộc (tỉnh Sóc Trăng)
- nội ô thành phố Bạc Liêu - Láng Trâm (giáp ranh tỉnh Cà Mau), chiều dài 67km,
phù hợp với hoạt động của loại xe có trọng tải 25 ghế ngồi và 25 chỗ đứng. Tuyến
này xe buýt hoạt động trên Quốc lộ 1A và một số tuyến đường trong nội ô thành
phố Bạc Liêu là tuyến có mật độ dân cư đông, nhu cầu đi lại của nhân dân cao.
b) Tuyến số 2: Nội ô thành phố Bạc Liêu - Nhà
Mát - Xiêm Cán - thị trấn Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), chiều dài 52km, phù hợp với
hoạt động của loại xe có trọng tải dưới 30 chỗ. Tuyến này xe buýt hoạt động
trên đường liên tỉnh ven biển của 2 tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng, đi qua một số
tuyến đường nội ô thành phố Bạc Liêu, là tuyến có mật độ dân cư phân bổ không đều,
nhu cầu đi lại của nhân dân không cao lắm.
c) Tuyến số 3: Xã Hưng Thành (huyện Vĩnh Lợi) -
nội ô thành phố Bạc Liêu - xã Vĩnh Trạch - thị trấn Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng),
chiều dài 43km, phù hợp với hoạt động của loại xe có trọng tải dưới 30 chỗ ngồi.
Tuyến này xe buýt hoạt động trên đường Nam Sông Hậu từ Vĩnh Châu đến thành phố
Bạc Liêu, qua một số tuyến đường trong nội ô thành phố Bạc Liêu và đường tỉnh Bạc
Liêu - Hưng Thành, là tuyến có mật độ dân cư đông, nhu cầu đi lại của nhân dân
nhiều.
d) Tuyến số 4: Ngã tư Chủ Chí - Hộ Phòng - Giá
Rai - Gành Hào, chiều dài 48km, phù hợp với hoạt động của loại xe có trọng tải
dưới 30 chỗ ngồi. Tuyến này xe buýt hoạt động từ thị trấn Gành Hào đi qua thị
trấn Hộ Phòng và thị trấn Giá Rai, nhu cầu đi lại của nhân dân nhiều.
đ) Tuyến số 5: Thị trấn Phước Long - Cầu Số 2 -
Hòa Bình - nội ô thành phố Bạc Liêu, chiều dài 41km. Tuyến đường này đang thi
công nâng cấp, mở rộng, khi hoàn thành phù hợp với hoạt động của loại xe có trọng
tải dưới 30 chỗ ngồi. Tuyến xuất phát từ trung tâm dân cư, trung tâm kinh tế,
văn hóa, xã hội của huyện Phước Long, là tuyến có nhu cầu đi lại của nhân dân
nhiều.
e) Tuyến số 6: Thị trấn Ngan Dừa - Ninh Qưới - Cầu
Sập - nội thành phố Bạc Liêu, dài 45km. Đường này đang thi công nâng cấp mở rộng,
khi hoàn thành, phù hợp với hoạt động của xe buýt loại có trọng tải dưới 30 ghế.
Thị trấn Ngan Dừa là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Hồng Dân và
là khu tập trung dân cư đông, nhu cầu đi lại của nhân dân nhiều.
g) Tuyến số 7: Thành phố Bạc Liêu - Nhà Mát - Gò
Cát - Gành Hào (đường đê biển), chiều dài 50km; phạm vi hoạt động ven biển từ
xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu) tới thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải),
khi tuyến đường trên đê biển được hoàn thành và đưa vào sử dụng thì việc mở tuyến
xe buýt là cần thiết.
h) Tuyến số 8: Tuyến Quản lộ - Phụng Hiệp đoạn
đi qua tỉnh Bạc Liêu, chiều dài 60km, từ thị trấn Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) đến
thành phố Cà Mau. Tuyến đường hiện đã hoàn thành giai đoạn 1, khi mở tuyến xe
buýt này sẽ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc
Trăng.
4. Nguồn lực thực hiện
- Việc đầu tư hoạt động các tuyến xe buýt trong
tỉnh theo phương châm xã hội hóa, nhà nước chỉ giữ vai trò giám sát và ban hành
các chính sách nhằm mang lại hiệu quả cho xã hội và lợi ích cho người đầu tư.
- Quảng cáo trên xe buýt và sử dụng nguồn thu từ
quảng cáo để hỗ trợ cho hoạt động của xe buýt.
5. Tiến độ thực hiện
Tùy theo điều kiện về cơ sở hạ tầng giao thông
và nhu cầu đi lại của người dân, Sở Giao thông vận tải thông báo kêu gọi đầu tư
để mở tuyến xe buýt hoạt động theo đúng các quy định hiện hành của nhà nước, cụ
thể:
a) Giai đoạn 2012 - 2015:
- Tuyến xe buýt số 1 (Phú Lộc - Láng Trâm): Lúc
đầu thí điểm là 12 xe, sau điều chỉnh tăng số lượng xe buýt lên 20 xe. Tuyến
này đã được triển khai hoạt động từ năm 2008.
- Tuyến xe buýt số 2 (Bạc Liêu - Nhà Mát - Vĩnh
Châu): Số lượng xe buýt là 14 xe. Tuyến này đã được triển khai hoạt động từ năm
2009.
- Tuyến xe buýt số 3 (Hưng Thành - thành phố Bạc
Liêu - Vĩnh Trạch - Vĩnh Châu): Số lượng xe buýt là 12 xe. Tuyến này đã được
triển khai hoạt động từ năm 2010.
- Tuyến xe buýt số 4 (Chủ Chí - Giá Rai - Gành
Hào): Số lượng xe buýt là 14 xe. Tuyến này đã được triển khai hoạt động từ năm
2010.
- Tuyến xe buýt số 5 (Phước Long - Cầu số 2 -
Hòa Bình - Bạc Liêu): hiện nay đường Vĩnh Mỹ - Phước Long đang được nâng cấp, mở
rộng; dự kiến đầu năm 2013 sẽ hoàn thành.
- Tuyến xe buýt số 6 (thành phố Bạc Liêu - Cầu Sập
- Ninh Qưới - Ngan Dừa): Hiện nay tuyến đường Cầu Sập - Ninh Qưới đang thi công
nâng cấp, mở rộng; dự kiến cuối năm 2012 sẽ hoàn thành.
b) Giai đoạn 2016 - 2020:
- Tuyến xe buýt số 7 (thành phố Bạc Liêu - Nhà
Mát - Gò Cát - Gành Hào): Tuyến đường đang thi công nâng cấp; dự kiến đầu năm
2013 hoàn thành.
- Tuyến xe buýt số 8 (tuyến Quản lộ - Phụng Hiệp):
Điểm xuất phát dự kiến từ thị trấn Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) đến thành phố Cà
Mau, tuyến đường hiện đã được đưa vào khai thác giai đoạn 1.
Trong giai đoạn này, căn cứ nhu cầu và lưu lượng
hành khách các tuyến nêu trên sẽ tăng cường thêm số lượng xe cũng như đưa dần
các loại xe hiện đại hơn vào hoạt động.
Ngoài ra, trên các tuyến đường liên tỉnh, liên
huyện khác, các tuyến đường nội ô và ven thành phố Bạc Liêu theo quy hoạch đang
được tiến hành đầu tư xây dựng, khi hoàn thành đưa vào sử dụng thì tùy theo nhu
cầu thực tế đi lại của người dân, Sở Giao thông vận tải báo cáo cấp có thẩm quyền
bổ sung thêm các tuyến xe buýt mới.
6. Tính khả thi và mức độ rủi ro của đề án
a) Về tính khả thi: Các tuyến xe buýt khi hoạt động
sẽ mang lại hiệu quả cao, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại một cách
văn minh, lịch sự, tiết kiệm, góp phần làm giảm ùn tắt giao thông và kiềm chế
tai nạn giao thông; đồng thời, cũng đem lại lợi ích cho các nhà đầu tư. Do vậy,
việc thực hiện đề án mang tính khả thi cao.
b) Về mức độ rủi ro: Vốn đầu tư ban đầu cho việc
mua xe buýt và các chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng (nhà chờ, biển báo, trạm dừng…)
tương đối lớn, khả năng thu hồi vốn chậm, nguồn thu không ổn định. Do đó, nhà
nước cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để các nhà đầu tư tích cực tham gia và việc
triển khai đề án được thuận lợi.
Chương IV
CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Công tác tuyên truyền: Cần phải thông tin,
tuyên truyền đầy đủ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, các quy định của nhà
nước cả về quyền lợi và nghĩa vụ của đơn vị đầu tư xe buýt để họ yên tâm đầu
tư; đồng thời, tuyên truyền cho mọi người dân thấy được sự tiện ích của việc đi
lại bằng xe buýt.
2. Công tác điều tra xác lập tuyến: Cần phải thực
hiện chi tiết, xác định lộ trình hoạt động, xác định điểm đầu, điểm cuối của
tuyến xe buýt sao cho phù hợp. Đây là công tác hết sức quan trọng ảnh hưởng rất
lớn đến hiệu quả mà xe buýt mang lại cho xã hội và cho chính nhà đầu tư.
3. Xác định chủng loại xe buýt hoạt động trên
tuyến: Căn cứ vào hiện trạng hệ thống giao thông đường bộ và nhu cầu đi lại của
nhân dân trên tuyến cũng như các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn của xe
buýt mà xác định cho phù hợp.
4. Chính sách hỗ trợ: Nhà nước không trợ giá, trợ
cước trong hoạt động của xe buýt, nhưng nhà đầu tư được hưởng chính sách ưu đãi
theo quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư
và các quy định của pháp luật hiện hành về miễn, giảm thuế. Ngoài ra, còn được
ưu tiên khai thác tuyến trong thời hạn không quá 2 năm đầu sau khi mở tuyến mới,
nếu hoạt động tốt có thể được xem xét gia hạn thêm.
5. Chính sách tạo nguồn vốn: Ngoài vốn vay ngân
hàng và các tổ chức tín dụng khác thì hiện nay vẫn còn một nguồn vốn nhàn rỗi lớn
ở trong dân; do đó, cần phải công khai các quy định và các chính sách ưu đãi
thích hợp về vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt để người dân hiểu, tin
tưởng và yên tâm đầu tư.
6. Chính sách đầu tư phát triển hạ tầng giao
thông: Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (cầu, đường,
bến bãi…) tạo điều kiện cho việc phát triển và hoạt động của các tuyến xe buýt.
Tổ chức vận tải hành khách công cộng bằng xe
buýt trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu là nhiệm vụ quan trọng đáp ứng nhu cầu đi lại của
nhân dân, cũng như yêu cầu xây dựng nếp sống văn minh trong lĩnh vực giao thông
vận tải, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ; đồng thời, góp
phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh.
Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các
sở, ngành và các địa phương có liên quan tổ chức thực hiện Đề án này. Trong quá
trình thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc thì báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem
xét, điều chỉnh cho phù hợp./.