Quyết định 1788/QĐ-BNN-TCTL năm 2015 về Kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn phục vụ tái cơ cấu ngành Thủy lợi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 1788/QĐ-BNN-TCTL
Ngày ban hành 19/05/2015
Ngày có hiệu lực 19/05/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Đức Phát
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1788/QĐ-BNN-TCTL

Hà Nội, ngày 19 tháng 05 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG PHÁT TRIỂN TƯỚI TIÊN TIẾN, TIẾT KIỆM NƯỚC CHO CÂY TRỒNG CẠN PHỤC VỤ TÁI CƠ CẤU NGÀNH THỦY LỢI

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/06/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Quyết định số 794/QĐ-BNN-TCTL ngày 21 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Thủy lợi;

Căn cứ Quyết định số 784/QĐ-BNN-TCTL ngày 21 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Đề án nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi hiện có;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn phục vụ tái cơ cấu ngành Thủy lợi.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các đơn vị: Vụ KH, Cục TT, Vụ KHCN, Trung tâm KNQG;
- Sở NN và PTNT các tỉnh, TP;
- Các Viện KH, Trường có liên quan thuộc Bộ;
- Lưu: VT, TCTL.

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG PHÁT TRIỂN TƯỚI TIÊN TIẾN, TIẾT KIỆM NƯỚC CHO CÂY TRỒNG CẠN PHỤC VỤ TÁI CƠ CẤU NGÀNH THỦY LỢI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1788/QĐ-BNN-TCTL ngày 19 tháng 5 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ BAN HÀNH KẾ HOẠCH

Nước ta, bên cạnh tiềm năng sản xuất lúa, còn có một tiềm năng rất lớn trong phát triển các nông sản từ cây trồng cạn, đặc biệt là cây trồng cạn chủ lực có lợi thế như cà phê, hồ tiêu, chè, điều, cao su, mía, cây ăn quả, rau, hoa... Trong đề án “ Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững” ban hành kèm theo quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 đã định hướng cụ thể là sẽ ổn định 500 ngàn ha cà phê, 140 ngàn ha chè, 50 ngàn ha hồ tiêu, 400 ngàn ha điều, 800 ngàn ha cao su, 300 ngàn ha mía, tập trung sản xuất rau, hoa, quả công nghệ cao. Để thực hiện định hướng này, trong đề án “Tái cơ cấu ngành Thủy lợi” xác định phát triển trên diện rộng giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn chủ lực có giá trị kinh tế và có thị trường là một trong các mục tiêu trọng tâm của đề án.

Công nghệ, kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn đã được nghiên cứu, phát triển và ứng dụng ở Việt Nam đã chứng tỏ tính ưu việt đột phá trong canh tác nông nghiệp so với phương thức tưới truyền thống về nhiều mặt như tiết kiệm đáng kể lượng nước tưới, tiết kiệm phân bón, giảm công chăm sóc, tăng năng suất, cải thiện thu nhập người dân và góp phần bảo vệ môi trường. Kết quả nghiên cứu và thực tế áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho một số cây chủ lực có lợi thế và có thị trường như cà phê, hồ tiêu, thanh long, mía ở Việt Nam đã cho thấy rằng, áp dụng công nghệ này kết hợp với tưới phân có thể gia tăng năng suất từ 10% - 40%, giảm chi phí công chăm sóc, tăng thu nhập của hộ gia đình từ 20% - 50% và tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 20% - 40%. về mặt môi trường, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước sẽ giảm ô nhiễm môi trường nhờ sử dụng hợp lý và tiết kiệm phân bón, hạn chế suy thoái tài nguyên nước ngầm do khai thác quá ngưỡng cho phép ở các vùng nguồn nước khan hiếm như Tây Nguyên. Một lợi thế quan trọng nữa, đó là áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước có thể tạo ra phương thức sản xuất nông nghiệp mới trên những vùng đất dốc, vùng đất hoang hóa và nhờ đó mở ra những cơ hội mới cho sản xuất, xóa đói giảm nghèo, ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ rừng và phát triển bền vững, Dưới tác động của biến đổi khí hậu và trong điều kiện hạn hán, cạn kiệt nguồn nước như hiện nay thì giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là yêu cầu cấp bách cần phải đẩy mạnh áp dụng.

Mặc dù có nhiều ưu điểm nổi trội so với tưới truyền thống, nhưng việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong nông nghiệp nước ta vẫn còn rất hạn chế. Nguyên nhân là do: cách tiếp cận chưa đồng bộ; thiếu quy hoạch gắn với tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; sự tham gia của doanh nghiệp còn hạn chế; cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người nông dân, tổ chức kinh tế, xã hội để thúc đẩy ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tưới tiết kiệm chưa hoàn thiện, đồng bộ, chưa tạo được động lực; thông tin, tuyên truyền về giải pháp tưới tiết kiệm nước cho cây trồng, công tác chuyển giao công nghệ, đào tạo, nâng cao nhận thức cho người nông dân còn thiếu và yếu; chi phí đầu tư, nhất là đầu tư ban đầu, đối với công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là cao so với đầu tư tưới theo phương pháp truyền thống và khi chưa có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định thì người dân không thể mạnh dạn áp dụng công nghệ.

Kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn được lập trong bối cảnh ngành Nông nghiệp có nhiều cơ hội thuận lợi để thực hiện thành công mục tiêu đặt ra. Cụ thể là:

- Đã có các đề án, quy hoạch một số cây chủ lực, có lợi thế, có thị trường (như cây cà phê, cây điều, cây hồ tiêu) là những cơ sở quan trọng để xây dựng kế hoạch này, đặc biệt là Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó, đã làm rõ được chủ trương, định hướng, mục tiêu cũng như các giải pháp chính.

- Nghiên cứu ứng dụng và thực tế sản xuất trong những năm qua đã cho thấy nhiều kết quả rất tích cực và có những thành công nhất định trong việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn về các khía cạnh như tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nước, giảm công chăm sóc và phân bón, tăng thu nhập, giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Đặc biệt là, đã có một số mô hình thực tiễn đem lại hiệu quả cao và ấn tượng như mô hình tưới chuối ở Lào Cai, mô hình tưới rau, củ, quả trên đất cát bạc màu ở Hà Tĩnh, mô hình tưới hồ tiêu, cà phê ở Tây Nguyên, mô hình tưới rau, hoa ở Lâm Đồng, mô hình Khu nông nghiệp công nghệ cao Unifarm ở Bình Dương, mô hình tưới cây ăn quả ở Đồng Nai, v.v. Thực tế này đã và đang sức lan tỏa rộng khắp trong xã hội để tạo ra tư duy mới, cách nhìn mới, tạo động lực, niềm tin cho người sản xuất, nhất là bà con nông dân và doanh nghiệp mạnh dạn áp dụng công nghệ cao nói chung và công nghệ tưới tiết kiệm nước nói riêng vào quá trình sản xuất.

- Hội nhập quốc tế càng ngày càng sâu rộng đã và đang tạo ra những điều kiện thuận lợi về nguồn vốn cho đầu tư xây dựng, hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực và nhận thức cộng đồng, về giao lưu kinh tế - xã hội và mở ra những cơ hội mới trong hợp tác nghiên cứu phát triển và thị trường cho những mặt hàng nông sản chủ lực, có thị trường, có lợi thế của nước ta. Điều này cũng tạo ra làn sóng mới, tạo động lực và niềm tin cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nói riêng.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 500.000 ha cây trồng được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước như mục tiêu đặt ra trong Đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi hiện có”, cần thiết phải xây dựng và ban hành kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nhằm đưa ra được: Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện; phân công tổ chức thực hiện; sản phẩm cần đạt được, làm cơ sở để huy động nguồn lực, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện.

Cơ sở xây dựng và ban hành kế hoạch

- Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/06/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

[...]